Học sinh hí hửng khoe có cách chép bài mới, thầy giáo choáng váng đến nỗi phải thốt lên: "Chưa bao giờ thấy trường hợp này"

(Tổ Quốc) - Sức sáng tạo của lũ "nhất quỷ nhì ma" đúng là vô biên, không thể xem thường được.

Đi học thì phải chép bài, điều này tất nhiên ai cũng biết. Thế nhưng những lúc lười quá hóa... khôn, học sinh sẽ nghĩ ra đủ trò để tiết kiệm thời gian và đỡ... mỏi tay. Như một trường hợp "bá đạo" được một thầy giáo chia sẻ sau đây. Cụ thể, bài đăng này chụp lại quyển vở viết của một học sinh.

Thay vì ngồi tỉ mẩn viết nội dung bài học "Quyền khiếu nại và nhiệm vụ của công dân", học sinh này chỉ ghi tiêu đề từng mục rồi... cắt các phần liên quan trong sách giáo khoa dán vào vở. Nhìn cuốn vở học "nham nhở", thầy giáo chỉ biết lắc đầu cảm thán: "Sống 28 năm, đi dạy 3 năm. Chưa bao giờ thấy trường hợp này".

Học sinh hí hửng khoe em có cách chép bài mới, thầy giáo choáng váng đến nỗi phải thốt lên:

Cách chép bài "có một không hai". (Ảnh: Khoa Vĩ)

Tuy cách làm "có một không hai" này sau đó nhận được hơn 40 ngàn lượt thích và hàng ngàn bình luận hưởng ứng, thế nhưng người "tỉnh táo" thắc mắc: "Sáng tạo đấy, nhưng làm sao học trang phía sau?", bởi sách giáo khoa vốn in hai mặt, nếu cắt dán như vậy thì học sinh này phải mua những hai cuốn sách dự trữ. 

Chưa kể việc ngồi cắt dán, canh cho đúng dòng đúng ô cũng mất kha khá thời gian nữa. Và có lẽ thầy cô cũng không thể chấp nhận nếu kiểm tra bài và gặp phải cách "đối phó" thế này bởi sách giáo khoa là để học và gìn giữ chứ không phải để cắt dán: 

"Mình cũng tính làm vậy nhưng nghĩ sách còn dùng cho những người sau".

"Thông minh đấy, nhưng thay vì phí phạm như vậy thì bạn có thể mang đi quyên góp, tặng lại những người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu không thì bán sách cũ cũng được một ít tiền".

Còn nữa, nếu chỉ ngồi nghe và về cắt dán thế này, các bạn sẽ mất thời gian nhiều hơn để học thuộc. "Nói có sách mách có chứng", các nhà khoa học phát hiện viết ra giấy giúp người học nhớ lâu hơn vì khi viết họ phải cử động tay, bộ não có đủ thời gian để phân tích và lưu trữ thông tin cần nhớ.

Viết để nhớ lâu một bài học cần thuộc lòng là một kinh nghiệm được truyền lại trong nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Ngay cả các chính trị gia, nhà lãnh đạo đôi khi cũng dành thời gian viết tay lại bài phát biểu của mình trước đám đông.

Tuy nhiên việc nghe và chép theo toàn bộ lời giáo viên mà không suy nghĩ, chắt lọc ý quan trọng là cách học không hiệu quả. Học sinh, sinh viên buộc phải hiểu được bài, bộ não có sự phân tích thì khi học thuộc lòng mới trở nên dễ dàng.

Vậy nên dù rất nhiều cư dân mạng rủ nhau học theo cách "sáng tạo" bá đạo của học sinh nói trên, thế nhưng chỉ vui vui thôi nhé còn muốn học sâu, nhớ lâu thì nhất định phải nghe, chép và hiểu mới được. Chưa kể gặp thầy giáo này quá đáng yêu, vui tính, còn giáo viên khác thì chưa chắc đã là cái kết... có hậu đâu nhé!

Hiểu Đan

Tin mới