Học sinh vẽ chú chó đang bay trên bầu trời bị giáo viên yêu cầu vẽ lại, phụ huynh có cách xử trí thông minh ai nấy đều thán phục

(Tổ Quốc) - Không phải ai cũng có thể bình tĩnh xử lý vấn đề một cách thấu đáo đến thế này.

Trong suy nghĩ của người lớn, một con chó thì tất nhiên không thể bay. Nhưng dưới góc nhìn và sáng tạo của những đứa nhỏ, mọi điều không thể dường như đều có thể thành hiện thực. Nhiệm vụ của người lớn là hướng dẫn trẻ điều đúng đắn, tuy nhiên làm cách nào để con tiếp thu kiến thức nhưng vẫn không mất đi sự sáng tạo, trí tưởng tượng là điều không phải ai cũng nắm bắt được trong hành trình làm cha mẹ của mình.

Chẳng hạn, nếu một ngày con đi học về và bảo, con vẽ một con chó biết bay nhưng cô giáo không đồng ý thì bạn sẽ xử lý ra sao? Chắc chắn hầu hết chúng ta sẽ nói với con rằng, đúng con ạ, con chó thì chỉ đi trên mặt đất được thôi. Tất nhiên câu trả lời không có gì sai cả. Nhưng bà mẹ dưới đây có cách xử trí khác, vẹn cả đôi đường, được ai nấy đều khen ngợi.

Học sinh vẽ chú chó đang bay trên bầu trời bị giáo viên yêu cầu vẽ lại, phụ huynh có cách xử trí thông minh ai nấy đều thán phục - Ảnh 1.

Chó thì làm sao biết bay?

Khi đứa con 5 tuổi của mình đem bức tranh con chó rô bốt biết bay của mình và kể lại rằng cô giáo cho rằng bức vẽ bị sai, chó không thể bay và yêu cầu em vẽ lại, người mẹ biết rằng cô giáo đã không nói sai. Nhưng nếu nói sự thật, chị sợ có thể làm thui chột khả năng tưởng tượng, sáng tạo của con mình. Thế rồi bà mẹ nhớ đến con ngựa Pony trong bộ phim My Little Pony: Friendship Is Magic (Tạm dịch: Pony bé nhỏ – Tình bạn diệu kỳ). 

Chị liền hỏi:

- "Con nói xem con ngựa có bay được không?".

- "Không ạ".

- "Vậy nếu nó được gắn cánh thì nó có bay được không?" .Vừa nói, chị vừa đưa con ngựa Pony đến trước mặt con.

- "Pony bay được. Pony bay được". Đứa trẻ hét lên sung sướng.

Lúc này, người mẹ mới lấy một con chó đồ chơi ra và hỏi: "Vậy con nghĩ chó có bay được không?". Cậu bé lắc đầu và nói: "Dạ không ạ. Vì nó không có cánh".

"Đúng vậy, con chó không biết bay vì nó không có cánh. Cô giáo con nói đúng, nhưng con cũng không sai. Vì bây giờ khoa học kỹ thuật rất phát triển. Biết đâu đến một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ gắn cho con chó một đôi cánh và nó sẽ biết bay".

Cách xử lý tình huống thấu tình đạt lý của người mẹ khiến ai nấy thán phục. Cậu bé vừa học được kiến thức nhưng vẫn vui sướng và tràn đầy tinh thần học tập vì sự sáng tạo của mình được công nhận. 

Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức

Nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã từng nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức có hạn, còn trí tưởng tượng là vô hạn và nó chính là nguồn gốc của sự tiến hóa tri thức". Chúng ta không kỳ vọng con của mình sẽ trở thành một nhà khoa học trong tương lai. Nhưng ít nhất trí tưởng tượng cũng giúp trẻ trở nên độc đáo, thú vị với những trải nghiệm lạ lẫm, giúp con vượt qua khỏi giới hạn an toàn của bản thân để tiến đến thành công sau này.

Nhờ có trí tưởng tượng vĩ đại, phong phú thôi thúc khát khao khám phá mà loài người đã nỗ lực tìm tòi để chạm tới nhiều chân trời tri thức mới. Nếu không có trí tưởng tượng và nỗi mộng mơ khao khát được bay lượn trên không trung như những cánh chim tự do, thì có lẽ anh em nhà Wrights đã không sáng tạo ra những chiếc máy bay đầu tiên - là tiền đề của một trong những phương tiện giao thông nhanh nhất hiện nay.

Học sinh vẽ chú chó đang bay trên bầu trời bị giáo viên yêu cầu vẽ lại, phụ huynh có cách xử trí thông minh ai nấy đều thán phục - Ảnh 2.

Trí tưởng tượng giúp trẻ trở nên độc đáo, thú vị với những trải nghiệm lạ lẫm, giúp con vượt qua khỏi giới hạn an toàn của bản thân để tiến đến thành công sau này.

Nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của con bạn là một phần thiết yếu để giúp chúng phát triển thành người có năng lực. Bố mẹ vì thế cần tạo môi trường giúp trẻ nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng cách:

Thúc đẩy trẻ học hỏi từ những sai lầm

Trẻ em có thể trải nghiệm các hoạt động nhưng quan trọng là học cách chấp nhận sai lầm và sửa đổi. Giả sử, nếu trẻ vẽ người không giống theo tự nhiên, các em sẽ bị người lớn yêu cầu vẽ lại. Hoặc khi các em tô màu trời, vốn dĩ phải xanh dương, thành xanh lá, cũng sẽ bị nhắc làm lại. Điều này khiến đứa trẻ nghĩ rằng chưa làm đủ tốt, ý tưởng cá nhân là sai. Từ đó, các em sẽ đi theo tư duy lối mòn. Thay vì hạn chế những sai lầm, hãy thúc đẩy trẻ học hỏi từ những sai lầm. Điều này không chỉ dạy các em rằng có thể sửa chữa sai lầm và tạo ra những điều đẹp đẽ mà còn thúc đẩy không ngại sai lầm để thử những điều mới.

Môi trường học tập đa dạng

Không phải mọi tri thức đều nằm trong sách giáo khoa, trên giảng đường. Để học và giải quyết vấn đề, trẻ cần được cung cấp nhiều phương pháp học tập khác. Khả năng sáng tạo cũng là một loại hình học tập quan trọng. Bằng cách sáng tạo với nghệ thuật, âm nhạc hay đồ chơi, trẻ học cách tư duy và củng cố kỹ năng vận động.

Trẻ không bao giờ buồn tẻ khi ở ngoài trời và không thiếu những “đồ chơi” giúp xây dựng trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Khi khám phá tự nhiên, trẻ sẽ tìm thấy những chi tiết thú vị về thế giới xung quanh. Từ nguyên liệu sẵn có, trẻ sẽ xây dựng những kịch bản tuyệt vời.

Hiểu Đan

Tin mới