Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát

TÚ - Thiết kế: Kim Trang | 19-10-2021 - 09:50 AM

(Tổ Quốc) - Giữa hai năm đại dịch và ngập tràn drama đen tối, có thể nói Hometown Cha-Cha-Cha xuất hiện đúng thời điểm và đúng hoàn cảnh.

Trong hai năm, cuộc sống của tất cả chúng ta thay đổi một cách đột ngột. Mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy sự mất mát hiện diện theo những hình thái khác nhau. Có thể đó là nỗi buồn đau mất đi người thân, đồng nghiệp hay đôi khi là nỗi đau mất đi vật nuôi yêu thương. Cũng có thể là sự chật vật xáo trộn trong thu nhập, khốn khổ vì thất nghiệp. Cũng có thể đó là cảm giác ngột ngạt vì thiếu đi tương tác xã hội thường nhật, hay một sự nặng nề khi chứng kiến mất mát khó khăn của những người xung quanh.

Lúc này tôi cảm nhận rõ nhất lời văn của Joan Didion: "Cuộc đời đổi thay trong khoảnh khắc, một khoảnh khắc bình thường" ("Life changes in the instant. The ordinary instant.")

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 1.

Thường thì ai cũng suy nghĩ phải an toàn trước bệnh tật, nhưng ít ai lưu tâm đến sự an toàn trước cảm giác mất mát và chia ly. Hiếm có những thời điểm mà cảm giác đau buồn đa dạng như thế này: Mệt mỏi có, trống rỗng có, bùng phát cảm xúc mãnh liệt cũng có. Tất cả đều đang trải qua sự mất mát, và cố gắng học cách trở lại với cuộc sống bình thường.

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 2.

Với Hometown Cha-Cha-Cha, đề tài về sự mất mát được khai thác đa dạng. Từng câu chuyện của nhân vật chính lẫn phụ đều chứa đựng một sự mất mát, mặc cảm, và đau buồn. Đôi khi sự mất mát không hẳn là cái chết của một ai đó, nó còn có thể là sự thiếu đồng cảm, cảm xúc lạnh nhạt, sự thờ ơ của con cháu, tình cảm không được đáp lại... Đằng sau sự tự tin, độc lập của nữ chính Yoo Hee Jin là ám ảnh và tổn thương từ cái chết của mẹ. Khi nữ chính dần từ bỏ lối sống kín đáo và dần cởi mở hơn với những người xung quanh từ từ, những vết thương lòng của cô dần được cởi bỏ. Ngược lại, tổ trưởng Hong xuyên suốt bộ phim luôn xuất hiện đầy cởi mở, ấm áp với mọi người xung quanh. Nhưng hóa ra anh lại là người mang trong lòng những ám ảnh chưa hề được cởi bỏ, là người chưa thể mở lòng thực sự với bất kỳ ai cho đến khi nha sĩ Yoo He Jin xuất hiện. Đằng sau nụ cười thân thiện, là sự cô độc, những cơn ác mộng của một sang chấn tâm lý chưa hoàn toàn lành lặn.

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 3.

Ở tập cuối cùng của Hometown Cha-Cha-Cha, bộ phim đưa hai nhân vật chính phải trải qua hành trình mất mát đó thêm một lần nữa. Đối diện với mất mát là điều cả 2 đều né tránh ở khởi đầu bộ phim, ở thời điểm họ gặp gỡ nhau lần đầu. Nhưng lần này, họ đã cùng nhau đối diện, nương tựa vào nhau để đi qua mất mát. Như Hye Jin đã nói với Du Sik trong tập cuối cùng "Người ta vẫn nói lúc mất một người thân yêu, thì hãy thương tiếc và đau đớn chứ đừng kìm nén. Vì nếu không, sự đau buồn sẽ lan ra khắp cơ thể và bùng lên sau đó." Sau cùng, Du Sik đã dựa vào Hye Jin để cởi bỏ nỗi đau trong lòng mình, khóc thật to để tiếc thương cho sự ra đi của bà Gamri.

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 4.

Đó là một đoạn kết xúc động và trọn vẹn cho Hometown Cha-Cha-Cha, một bộ phim xây dựng quanh chủ đề về tổn thương, mất mát và chia sẻ. Cả khu phố cùng đối diện với mất mát; từ trẻ em cho đến người cao tuổi trong phim đều học cách tìm kiếm sự an ủi, học cách tử tế với bản thân, và tiếp tục bước tiếp với cuộc sống.

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 5.

Đề tài về sự mất mát không hề mới. Thể loại cũng không xa lạ. Thế nhưng, ngoài "đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh," thông điệp của Hometown Cha-Cha-Cha còn được gắn kết trong một tổng thể đậm chất văn hóa Á Đông. Chủ nghĩa tự nhiên và hoài cổ đã khiến chuyện trên phim trở thành những câu chuyện đời gần gũi như chuyện của cô Năm, anh Tư, bác Sáu trong xóm chúng ta, là giá trị cộng đồng đang có nguy cơ phai nhạt trong xã hội hiện đại. Không chỉ ở trong phim, mà ngoài đời thật, chính hai năm vừa qua đã giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của bốn chữ "tình làng nghĩa xóm."

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 6.

Đại dịch và Hometown Cha-Cha-Cha lại khiến cho tôi nhớ đến những dòng mà Joan Didion đã viết về nỗi đau mất chồng trong cuốn "The Year of Magical Thinking" (tạm dịch: "Năm của ảo tưởng"):

"Đau buồn là một thứ cảm giác khác biệt. Đau buồn không có khoảng cách. Đau buồn ập đến như từng đợt sóng vỗ, từng cơn phát tác, từng sự sợ hãi bất chợt khiến con người ta quỵ gối, mù mắt, và hủy hoại cuộc sống đời thường."

"Hóa ra chúng ta chẳng ai biết gì về sự đau buồn cho đến khi đối mặt với nó. Ai cũng nghĩ một ngày nào đó người thân của mình sẽ ra đi, nhưng chẳng ai nghĩ về vài ngày, hay vài tuần sau sự ra đi đó. Thậm chí, chúng ta còn hiểu sai bản chất của khoảng thời gian đấy. Ai cũng nghĩ sự ra đi đột ngột có thể khiến chúng ta bị sốc. Nhưng chẳng ai ngờ cú sốc đó lại có thể làm hủy hoại, đảo lộn cả thể chất lẫn tinh thần."

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 7.

Hi vọng cũng như các nhân vật trong Hometown Cha-Cha-Cha, tất cả chúng ta đều có thể cùng vượt qua khoảng thời gian khó khăn này một cách lành mạnh và tử tế.

Hometown Cha-Cha-Cha: Hóa ra chúng ta chẳng biết gì về mất mát  - Ảnh 8.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM