Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Những lời hỏi thăm, những cuộc điện thoại dù chỉ vỏn vẹn vài ba phút ngắn ngủi, những món quà nhỏ hay bữa cơm đầm ấm quây quần cùng con cháu có thể là “liều thuốc” chữa lành hiệu quả nhất cho người cao tuổi. Cũng giúp chúng ta xóa nhòa khoảng cách thế hệ trong mỗi gia đình.
Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 1.

Tuổi già trong xã hội Việt Nam thường bắt đầu được tính khi một người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Khi đó, nhiều người dần rời khỏi những công việc ngoài xã hội, quay về bên gia đình và dành nhiều thời gian hơn cho con cháu cũng như cho chính bản thân. Đa phần những người già ở Việt Nam lựa chọn sống chung vui vầy cùng con cháu để vừa bớt phần cô đơn, vừa có thể tiếp tục chăm sóc, giúp đỡ cho những người thân yêu.

Cuộc sống của những người già ở thời điểm hiện tại, trong một xã hội phát triển có thể yên bình, đủ đầy về mặt vật chất nhưng đôi lúc họ lại thiếu đi rất nhiều sự sẻ chia, chuyện trò chăm sóc khi bạn bè ngày một rời xa, những người con, những đứa cháu ngày một lớn khôn và có cuộc sống, có nhiều lắng lo của riêng mình.

Chia sẻ về chuyện gia đình, cô Hồng. ( Gò Vấp TP.HCM) cho hay, hiện tại bản thân đang rất vui vẻ lạc quan khi sống cùng con cháu. Cô rất vui khi con cháu trong nhà đều là những người hiếu thảo và chẳng khi nào khiến cô phải phiền lòng. Điều khiến cô buồn duy nhất chỉ là không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như trước để giúp đỡ nhiều cho con cháu.

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 2.

Khi được hỏi về việc con cháu có làm điều gì khiến mình giận không, dù vui vẻ chia sẻ là không nhưng trong câu trả lời của cô vẫn có chút man mác buồn: "Giận gì, cô chẳng giận. Chúng nó có làm gì đâu mà giận. Nó đi làm cả ngày, mình làm việc của mình, nó làm việc của nó, tối về mới gặp, thứ 7 chủ nhật mới gặp, làm gì đâu mà giận."

Bạn bè thì người còn người mất, con cháu lo xây dựng gia đình và công việc riêng, cộng với khoảng cách thế hệ khiến người già cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Cũng giống như cô Mỹ Lệ (Gò Vấp TP.HCM) cho biết, cô cũng lựa chọn sống cùng con cháu bởi sợ tuổi già cô đơn. Cô thường dành thời gian trò chuyện cùng con cháu trong nhà, nấu những món con cháu thích ăn, lúc cháu còn nhỏ thường dẫn cháu đi chơi…

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 3.

Dù quan hệ giữa cô Mỹ Lệ và con cháu trong gia đình rất tốt nhưng khi những đứa cháu lớn hơn, thời gian ở bên nhau rút ngắn, khoảng cách cũng kéo dài… " Mấy đứa cháu lớn rồi thì chúng nó thăm mình chốc lát rồi về" - Cô Lệ thoáng buồn tâm sự.

Đối với cô Hồng - cô Lệ hay nhiều người lớn tuổi khác, có lẽ những sinh hoạt gia đình bình thường, những giây phút con cháu trong nhà tụ tập ngày lễ Tết, cùng nhau ăn một bữa cơm là những khoảnh khắc vui vẻ nhất.

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 4.

Ngoài những nỗi buồn đến từ sự cô đơn do không có ai chia sẻ tâm tư, tình cảm người lớn tuổi vẫn luôn có sự lo lắng với con cháu trong gia đình. "Con dù lớn vẫn là con của mẹ" - một người con, một đứa cháu dù có lớn đến bao nhiêu, đạt nhiều thành tựu đến mức nào, thì trong mắt những người cha người mẹ, vẫn chỉ là đứa nhỏ cần chăm sóc, lo lắng cho tương lai.

Cô Phương (TP.HCM) nửa đùa nửa thật nói rằng, tuổi già của mình không vui khi người con gái dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn nhất quyết không kết hôn. Cô chia sẻ:

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 5.

"Hồi 25 tuổi, mình nói, "Mẹ cho con của bạn bè tới chơi", nó cũng đồng ý. Nhưng 2, 3 người tới mà nó không thích. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, nó nói: "Mẹ mà cho tới nữa là mẹ bưng chứ con không bưng nước nữa đâu nha." Mình chỉ buồn thôi chứ giận gì. Con gái cô đẹp lắm đó, mà không chịu có chồng."

Mặc dù vậy, cô cũng chia sẻ, mẹ con cô chưa từng vì chuyện này mà giận nhau. Cô vẫn rất tự hào khi có người con gái hiếu thảo, xinh đẹp và giỏi giang. Chồng mất sớm, hai mẹ con từ lâu đã chỉ có thể nương tựa vào nhau: "Vui nhất là những khi mình muốn ăn gì nói với nó, nó đi mua cho ăn. Giờ chỉ mong con có chồng, có con cho mẹ vui. Nhỡ mẹ già, mẹ mất, một mình con buồn lắm."

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 6.

Ông bà, những người lớn tuổi có sự yêu thương của cha mẹ, lại có sự ôn hòa, bao dung của người từng trải qua gần hết một đời người. Với mỗi đứa trẻ, được lớn lên trong vòng tay của ông bà có lẽ là điều hạnh phúc đáng để người khác ghen tị. Những điều ông bà dạy, có thể không lớn lao, nhưng cũng góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến nhân cách cũng như cuộc sống sau này của những đứa trẻ.

Thanh Duy (Quận 1, TP.HCM) là một người có tuổi thơ gắn liền với sự yêu thương, che chở và dạy dỗ của ông bà: "Ông bà ảnh hưởng đến người trẻ như mình rất nhiều. Ông bà rất chăm sóc cho con cháu và hiền hậu. Ông bà luôn dạy mình về sự trung thực và cách chăm sóc, quan tâm đến những người xung quanh."

Với Duy, những ký ức đáng nhớ nhất về bà là những ngày Tết được quây quần: "Trước Tết bà mình hay nấu bánh chưng, bánh tét. Đó là những thời khắc quý giá để mình có thể ở bên bà thật nhiều."

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 7.

Mặc dù vậy, giữa các bạn trẻ với ông bà lại thường có một sự xa cách nhất định. "Khoảng cách thế hệ" - 4 chữ này có lẽ là lý do thường được nhắc tới nhiều nhất khi hỏi các bạn trẻ về nguyên nhân sự xa cách này. Không cùng quan điểm sống, lo lắng, nhắc nhở quá nhiều điều có chút "dư thừa"... là những điều mà nhiều bạn trẻ phàn nàn khi nhắc tới ông bà trong gia đình. Mặc dù vậy, trong lòng ai cũng đều hiểu, tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương.

Có nhiều thời gian bên ông bà là vậy nhưng Thanh Duy cũng thừa nhận vẫn có những vướng mắc giữa các thế hệ: "Có lẽ ông bà rất yêu thương mình nhưng đôi lúc sẽ có những khúc mắc. Ví dụ như việc mình đi chơi khuya, khoảng 10h ông bà sẽ gọi hỏi tại sao giờ này chưa về, có đi chơi với bạn bè xấu hay không?". Hoặc đôi lúc mình sẽ có những vui đùa quá trớn cùng bạn bè trên MXH, đôi khi những người lớn tuổi lại không thích điều đó và phàn nàn "Tại sao con lại nói như vậy?"..."

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 8.

Khác với Thanh Duy, Nguyễn Hạnh (Quận 4, TP.HCM) chia sẻ, do bản thân không sống chung cùng ông bà nhiều nên khó có sự thân thiết với ông bà: "Giữa mình và bố mẹ đôi khi đã không đồng quan điểm, ông bà còn là thế hệ xa nữa nên sẽ có mâu thuẫn như: "Đi làm sao về muộn thế?", "Sao con lại ít tâm sự với ông bà vậy?"..."

Bạn Minh Tâm (TP.HCM) cũng gặp phải tình trạng tương tự: "Mình không ở cùng với ông bà nhưng mình và bà ngoại khá thân. Gần như ngày nào mình cũng gọi điện cho bà. Bà mình cũng già rồi nên tư duy của ông bà cũng rất khác. Bà thường bắt mình tìm người yêu hợp tuổi hay em mình đi chơi về muộn thì sợ đi chơi với bạn xấu dù mọi chuyện không có gì."

Đây là vấn đề mà không ít bạn trẻ gặp phải trong mối quan hệ với ông bà nói riêng và những người lớn tuổi trong gia đình nói chung. Mặc dù vậy, xuất phát từ tình yêu thương, mỗi người cháu lại có một cách riêng để kéo gần lại mối quan hệ này.

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 9.

Đối với vấn đề này, Minh Tâm xuất phát từ sự thấu hiểu và cảm thông: "Ông bà hay lo quá nên đôi khi ảnh hưởng tới cuộc sống, thường người già nói rất nhiều. Đôi khi mình cũng mệt vì ông bà nói nhiều như thế. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình cho rằng đó là câu chuyện của sự chấp nhận. Chấp nhận sự khác biệt tư duy giữa các thế hệ. Mình thực sự rất yêu ông bà mình và ông bà cũng vậy.

Đôi khi mình cũng nghe cho bà vui nhưng mình không làm theo. Suy cho cùng, ông bà cũng chỉ cần mình hạnh phúc, vui vẻ, không có chuyện gì xảy ra là ông bà sẽ rất yên tâm. Thường những chuyện như vậy mình sẽ để trôi qua là ổn rồi. Mở lòng đón nhận sự khác biệt. Những điều ông bà nói thì không cần tranh luận đúng sai, giữ hòa khí trong gia đình là được."

Khi nói về một kỷ niệm khó quên với bà, Minh Tâm chia sẻ: "Trước đây mình có tham gia chương trình truyền hình thực tế. Biểu diễn tiết mục cho một người thân trong gia đình. Mình chọn một tiết mục dành cho bà ngoại. Mình thấy bà là một người có cuộc sống khá khắc khổ, không nhận được nhiều sự may mắn trong cuộc sống. Khi chương trình đó bắt đầu, khi thấy tiết mục dành riêng cho bà thì bà đã rất hạnh phúc và đi khoe từ nhà ra đầu ngõ. Mình nghĩ đó là món quà mà mình cảm thấy bà đã rất hạnh phúc khi được đón nhận."

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 10.

Thanh Duy cho biết bản thân sẽ thường tổ chức những hoạt động gia đình chung như đi chơi, đi mua sắm vào cuối tuần. Dẫn cả những đứa cháu nhỏ theo vì ông bà thường thích chơi với các cháu.

Nguyễn Hạnh lại cho rằng bản thân thường xuyên tâm sự, có thể rủ ông bà quay một số trend đáng yêu trên Tiktok hay cùng chuẩn bị quà bánh, dọn nhà dịp lễ Tết cũng có thể là cách kéo gần hơn mối quan hệ.

Chúng ta thường rất dễ dàng nói ra những lời hoa mỹ, những lời khen ngợi hay cảm ơn với người ngoài nhưng lại khó để nói ra những lời yêu thương với những người thân yêu nhất. Dành một chút thời gian thấu hiểu, gần gũi, thêm một chút dũng khí nói ra lời yêu thương có thể khiến rút ngắn lại những khoảng cách tưởng chừng xa vời.

"Cháu yêu bà và bọn cháu sẽ lớn lên, trở thành những đứa trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc. bà đừng lo quá nha!" - Câu nói của Minh Tâm gửi đến bà, có lẽ cũng là lời mà rất nhiều rất nhiều bạn trẻ chưa có cơ hội để nói ra.

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 11.

Từ trước tới nay, gia đình vẫn là thiết chế cơ bản nhất và gắn liền với đời sống của mỗi người. Dù gia đình truyền thống hay hiện đại, có những biến đổi nhất định nhưng sự đùm bọc, thương yêu, chăm sóc vẫn là giá trị cốt lõi. Xã hội thay đổi thế nào, tâm lý người già có phức tạp ra sao thì trong mỗi gia đình, bên cạnh việc nuôi dạy, chăm sóc, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ sau, người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục cũng như truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu, đồng thời là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại.

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi những đứa cháu chủ động nói lời yêu thương - Ảnh 12.

Kéo gần khoảng cách thế hệ - khi con cháu chủ động nói lời yêu thương

Phạm Trang - Clip: Phú Tuấn



* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện