Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Ngay sau Hội nghị tổng kết vào sáng 22/12, đầu giờ chiều cùng ngày, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng đã chủ trì một cuộc họp nội bộ với sự tham gia của thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhằm "mổ xẻ" sâu hơn những vấn đề tồn tại, vướng mắc của ngành để từ đó tìm kiếm những giải pháp triển khai có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành đã đặt ra trong năm 2023.

(Tổ Quốc) - Ngay sau Hội nghị tổng kết vào sáng 22/12, đầu giờ chiều cùng ngày, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng đã chủ trì một cuộc họp nội bộ với sự tham gia của thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ nhằm "mổ xẻ" sâu hơn những vấn đề tồn tại, vướng mắc của ngành để từ đó tìm kiếm những giải pháp triển khai có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành đã đặt ra trong năm 2023.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cuộc họp được tổ chức trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói ngắn gọn vào những vấn đề mà các đơn vị chưa làm được để xem "điểm nghẽn" đang nằm ở đâu.

"Nếu nguyên nhân xuất phát từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lãnh đạo Bộ sẽ nghiêm túc kiểm điểm, nhận lỗi trước các đơn vị, nếu xuất phát từ các đơn vị thì các đơn vị cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn. Mục đích chung của chúng ta là tìm ra điểm nghẽn để tháo gỡ nó chứ không phải bắt bí, làm khó nhau. Tất cả đều vì cái chung là để công việc tốt hơn" - Bộ trưởng nêu rất rõ quan điểm này ngay từ đầu cuộc họp.

Năm 2022, Bộ VHTTDL phát động chủ đề công tác năm đó là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ". Chính vì vậy, không khó hiểu khi lãnh đạo đơn vị đầu tiên mà Bộ trưởng muốn lắng nghe giãi bày, chia sẻ đó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương.

"Những kết quả trong năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã được thể hiện rõ trong báo cáo, điều đó cũng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, điều tôi muốn lắng nghe đó là với vai trò là Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đồng chí đã tham mưu những giải pháp gì để việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được tổ chức thực chất hơn ở các địa phương, lan tỏa hơn nữa đến các ngành, các cấp?" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi.

Theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đó là hoàn thiện thể chế. Theo đó, trong thời gian tới, Cục sẽ tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định quy định khung về xây dựng các danh hiệu đã được quy định tại Luật Thi đua khen thưởng như: Xã, phường, thị trấn tiêu biểu; Thôn, tổ dân phố văn hóa; Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là "Gia đình văn hóa", cần cập nhật tình hình mới, đưa ra tiêu chí mới để các tỉnh căn cứ vào đó xây dựng phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thể chế, chương trình mang tính chất tổng thể để xây dựng môi trường văn hóa trong các lĩnh vực như Giáo dục, Thanh niên…

Đồng tình với giải pháp về thể chế mà Cục trưởng Văn hóa cơ sở đã nêu, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, một trong những tồn tại lâu nay không chỉ riêng ngành VHTTDL đó là thể chế luôn chạy theo các vấn đề nổi lên của xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách lớn của ngành cũng không triển khai hiệu quả được đều do vấn đề thể chế.

Theo Bộ trưởng, điều vui mừng là ngành chúng ta đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa. Trước đây chúng ta cũng đã có rồi nhưng không hiểu sao lại bị đứt gãy. Vấn đề rút ra ở đây là chúng ta phải luôn trăn trở, suy nghĩ để kịp thời nhìn ra những điểm nghẽn của ngành.

"Không có sự trăn trở thì ngành của chúng ta làm sao có thể phát triển được. Là cán bộ ngành Văn hóa khi thấy những điều này chúng ta có xót xa không? Nếu mình đã nỗ lực cố gắng hết sức nhưng không đạt được kết quả như mong muốn vì lý do khách quan thì có thể chấp nhận được, nhưng tư tưởng trông chờ, ỷ lại là không thể chấp nhận được trong bối cảnh Ngành của chúng ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức" - Bộ trưởng trăn trở.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bày tỏ trăn trở với những khó khăn mà các đoàn nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL gặp phải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Tôi từng chứng kiến nghệ sĩ của các nhà hát phải "căng mình" đi hát phòng trà vì đồng lương không đủ. Làm người lãnh đạo, tôi rất xót xa. Đáng lẽ chúng ta phải có đủ mọi công cụ để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được đứng trên sân khấu lớn, được lao động và trả công xứng đáng. Chúng ta phải để nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho công chúng. Nếu có vướng mắc phải chủ động bắt tay nghiên cứu, tham mưu giải pháp tháo gỡ chứ không thể để kéo dài; phải thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu". Từ đó Bộ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn đề ra được các giải pháp cụ thể, phối hợp cùng các đơn vị để dần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Khi Bộ trưởng hỏi bài - Ảnh 1.

Báo cáo Bộ trưởng, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, chế độ đãi ngộ, chế độ tuổi nghỉ hưu… cho nghệ sĩ hiện nay đang có nhiều bất cập. "Không ít lần chúng tôi rơi nước mắt khi thấy nghệ sĩ Opera phải đi làm xe ôm. Nghệ sĩ múa không bám trụ được với nghề vì chế độ quá thấp. Đây là vấn đề chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận và sớm có giải pháp tháo gỡ về quy định, chính sách. Có thay đổi được thì chúng ta mới dễ thu hút nhân tài cho lĩnh vực này", Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly nêu.

Cũng trên tinh thần đối thoại thắng thắng này, tại cuộc họp, nhiều lĩnh vực như đào tạo, tài chính kế hoạch, hợp tác quốc tế, du lịch, thể thao…cũng đã được "Tư lệnh" ngành VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng với lãnh đạo các đơn vị bàn luận, phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân, điểm nghẽn trong phát triển thời gian qua.

Cuộc đối thoại diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ, không phải quá dài nhưng có thể thấy rằng, nhiều bài toán đang đặt ra đối với ngành cũng đã được mang ra "mổ xẻ", tìm lời giải. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đầu tiên đó là phải tập trung thực hiện nhiệm vụ chấn hưng phát triển văn hóa từ môi trường văn hóa.

Thứ hai, xác định cán bộ là gốc để đẩy mạnh hơn nữa công đào tạo theo nhiều tầng, nhiều cấp.

Thứ ba đó là quan tâm đầu tư hơn nữa để các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ sống được, gắn với đó, ngoài nghệ thuật truyền thống thì cũng phải tính đến nghệ thuật đỉnh cao.

Thứ tư, để văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ thông qua truyền thông thì các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan báo chí trong Bộ bằng những kế hoạch cụ thể.

Thứ năm, đó là sáng tạo, kêu gọi nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác văn hóa đối ngoại, hợp tác quốc tế về văn hóa để quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Thứ sáu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án để cải thiện hạ tầng cơ sở, không đầu tư dàn trải, manh mún…

Điều quan trọng hơn mà Bộ trưởng cũng khẳng định đó là, phương châm hành động xuyên suốt của Bộ trong suốt nhiệm kỳ sẽ không thay đổi. Chúng ta cần "quyết liệt hành động – khát vọng cống hiến" để phát triển sự nghiệp VHTTDL và Gia đình.

Có thể thấy rằng, nhiều vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thẳng thắn chia sẻ trong cuộc họp này không phải lần đầu được đề cập đến. Đây gần như là những nhiệm vụ mà các thủ trưởng cơ quan đơn vị thuộc Bộ đã ký cam kết thực hiện với Bộ trưởng từ hồi đầu năm nay.

Còn nhớ, trong Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành VHTTDL, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai việc đăng ký nội dung cam kết của thủ trưởng 21 cơ quan hành chính đồng thời mở rộng việc đăng ký cam kết tới 5 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ với Bộ trưởng với 107 nhiệm vụ trọng tâm.

Chủ trương ký cam kết với Bộ trưởng được thủ trưởng các cơ quan đơn vị triển khai trên tinh thần đồng thuận cao, coi đây là động lực thúc đẩy nhiệm vụ công tác trong cơ quan, đơn vị. Với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật và có sản phẩm thật", các nhiệm vụ cam kết với Bộ trưởng đều là những nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất bao trùm trong hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Khi Bộ trưởng hỏi bài - Ảnh 2.

Vì vậy, cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị vào những ngày cuối năm này thực chất như một buổi "hỏi bài cũ". Điều này cũng dễ hiểu bởi công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lãnh đạo. "Lãnh đạo không kiểm tra xem như không lãnh đạo" - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh điều này khi Người nói về công tác kiểm tra, giám sát.

Việc lãnh đạo "hỏi bài" cấp dưới thực ra không phải là mới. Còn nhớ, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát căng thẳng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì các cuộc họp trực tuyến đến tận phường, xã khắp cả nước để kiểm tra công tác phòng chống dịch.

Báo chí và truyền thông thời điểm đó đã đăng tải câu chuyện Thủ tướng trực tiếp "hỏi bài" lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trong cuộc họp trực tuyến ngày 13/9. Trong lúc Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang còn tìm tài liệu trên mặt bàn để trả lời Thủ tướng thì có tiếng vọng của một cấp dưới "nhắc bài". Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sau đó đã bị Thủ tướng phê bình ngay tại cuộc họp. Nhờ cách làm quyết liệt này của Thủ tướng Chính phủ mà các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quay trở lại câu chuyện "hỏi bài" của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, có thể thấy rằng, đối với ngành VHTTDL thì đây là một cách làm, luồng gió mới trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc với một mục đích cao nhất như "Tư lệnh" ngành đã khẳng định, đó là: "Mục đích chung của chúng ta là tìm ra điểm nghẽn để tháo gỡ nó chứ không phải bắt bí, làm khó nhau. Tất cả đều vì cái chung là để công việc tốt hơn".

Thiết nghĩ, cách làm này cũng nên được nhân rộng đến từng cơ quan, đơn vị trong toàn ngành VHTTDL. Bởi, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ cao cả, nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng, giao phó cho toàn ngành trong những năm tiếp theo./.

Thế Công