Khó thở, bủn rủn tay chân sau ăn cá thu: Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân và cách phòng ngừa

Lê Liên | 17-08-2022 - 10:03 AM

Ảnh minh họa.

(Tổ Quốc) - Chỉ sau 30 phút ăn cá thu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt.

Mới đây, Bệnh viện Quân đội 108 ghi nhận một số trường hợp bị sốc phản vệ do ăn thức ăn, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. 

Một trong những trường hợp điển hình là bệnh nhân bị khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt sau ăn cá thu 30 phút. Được biết bệnh nhân không có tiền sử dị ứng. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí và chẩn đoán theo phác đồ phản vệ, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, đang được điều trị tích cực.

Theo các bác sĩ, dị ứng thức ăn là một phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi cơ thể tiếp nhận những protein đặc biệt thông qua đường ăn uống. Đây là một loại phản ứng của hệ miễn dịch khi các protein đặc biệt này gây nên các phản ứng dị ứng của cơ thể. Tình trạng dị ứng với thành phần protein trong thức ăn có thể là cấp tính (xảy ra một cách đột ngột) hoặc mạn tính (xảy ra trong một thời gian dài).

Khi bị dị ứng thức ăn, một số trường hợp có biểu hiện nhẹ, nhưng một số bệnh nhân lại rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn. Các triệu chứng thường gặp là nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn. Thậm chí, bệnh nhân bị sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.

Khó thở, bủn rủn tay chân sau ăn cá thu: Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Các triệu chứng thường gặp của dị ứng là nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt... (Ảnh minh họa)

Cách phòng tránh dị ứng

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức, khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Quân đội 108, một trong các yếu tố nguy cơ của dị ứng thức ăn là tiền sử gia đình. Con cái có nguy cơ cao bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó nếu bố mẹ chúng cũng dị ứng.

Nếu đã có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn cụ thể, có thể cơ thể sẽ tăng nguy cơ dị ứng với những loại thức ăn khác. Và nếu đã có phản ứng dị ứng với thức ăn thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Dị ứng thức ăn khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Với những trẻ đã bị dị ứng thức ăn thì khi già đi, cơ thể sẽ ít có khả năng hấp thụ thức ăn hoặc các thành phần thức ăn đã gây dị ứng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Quân đội 108, lưu ý để đề phòng dị ứng thức ăn, người dân cần tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng. Trước khi sử dụng, cần xem kỹ thành phần in trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Nếu sử dụng thức ăn chế biến sẵn không có nhãn mác, cần cẩn trọng và hỏi đầu bếp về thành phần có trong thức ăn. Đặc biệt, người dân không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu, ẩm mốc.

Đối với trẻ nhỏ, nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để hạn chế tình trạng dị ứng thức ăn. Phụ huynh cũng cần báo cho giáo viên, bảo mẫu, người chăm sóc trẻ nếu con có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Đồng thời, tìm hiểu thông tin, kiến thức về dị ứng thực phẩm để có thể xử lý trong tình huống khẩn cấp.

"Dị ứng thức ăn là tình trạng khá phổ biến, không chỉ ảnh hưởng đến da còn ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, hệ hô hấp hoặc tim mạch. Vì vậy khi bạn có 1 trong các triệu chứng dị ứng trên hay đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, và hiểu biết các cách phòng ngừa bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình", BS Nguyễn Trí Thức khuyến cáo.