Khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ thế nào? Các chuyên gia tiết lộ đáp án bất ngờ

Minh Hằng | 17-05-2022 - 18:00 PM

(Tổ Quốc) - Làm sao để khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ là chủ đề của Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 được tổ chức nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5.

Theo đó, sáng 17/5, Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 ((Young Scientist Summit) và lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 diễn ra tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là cầu nối để những nhà khoa học có thể chia sẻ góc nhìn về sáng tạo, sáng kiến khoa học trong giới trẻ, đồng thời thảo luận về sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm đổi mới, tận dụng thế mạnh của khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về công nghệ, vì thế việc thúc đẩy các sáng kiến trong giới trẻ là cần thiết.

Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay đến giai đoạn chúng ta cần bứt phá hơn, phát triển từ khoa học công nghệ. Để làm được điều đó thì có rất nhiều điều phải chuẩn bị, trong đó có chuẩn bị nguồn lực từ sớm như đào tạo từ các trường THPT. Trong tương lai, nhân lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Những câu chuyện thực tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cũng sẽ là minh chứng để những người trẻ có thể học hỏi và tiến tới thành công sau này.

Khơi nguồn sáng tạo khoa học - 'đòn bẩy' quan trọng

Khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ thế nào? Các chuyên gia tiết lộ đáp án bất ngờ - Ảnh 1.

Ông Đặng Kim Long, Giám đốc đối ngoại Huawei Việt Nam. Ảnh: ĐT

Trong tọa đàm với chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo trong giới trẻ", ông Đặng Kim Long, Giám đốc đối ngoại Huawei Việt Nam, chia sẻ câu chuyện về việc thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D) công nghệ mới đối với thế hệ trẻ. Đối với Huawei, R&D được coi là cuộc đua marathon và cần đươc đầu tư liên tục. Việc đổi mới thúc đẩy đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm khám phá ký thuyết cơ bản, kiến trúc cấu trúc hệ thống và thu hút nhân tài để giải quyết thách thức mang tầm quốc tế.

Theo ông Đặng Kim Long, thu hút nhân tài chính là một trong những bài toán mà doanh nghiệp luôn trăn trở, vì việc đầu tư nhân tài không phải là việc hái trái ngọt trong một đêm mà đó là một hành trình dài. Do đó, Huawei không tạo áp lực cho nhà khoa học, thay vào đó tạo ra sân chơi cho các nhà nghiên cứu phát triển.

Vừa là một nhà nghiên cứu, vừa điều hành doanh nghiệp chuyên đầu tư vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm khoa học công nghệ, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập và là Phó Chủ tịch Tập đoàn Sao Thái Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam, chia sẻ về việc nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp Việt trong việc phát triển sản phẩm từ nghiên cứu khoa học.

Để khuyến khích các nhà khoa học trẻ sáng tạo, Sao Thái Dương đã sáng lập Quỹ hỗ trợ sinh viên Đại học Dược Hà Nội, trao phần thưởng, đặt hàng trung tâm, viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để thương mại hóa sản phẩm.

Về lời khuyên dành cho những người trẻ làm khoa học, ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ, mỗi người trẻ cần xác định rõ con đường mình đi và sứ mệnh của cuộc đời mình. Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, với các bạn trẻ, cho dù làm bất cứ lĩnh vực gì, việc xác định đường đi, hoài bão là quan trọng và đặc biệt trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên suy nghĩ tích cực.

Trong phiên toạ đàm, với vai trò điều hành, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với các diễn giả là các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã thảo luận nhằm tháo gỡ về các nút thắt xoay quanh những thuận lợi, khó khăn của những người trẻ làm nghiên cứu khoa học, từ đó tìm ra họ cần hỗ trợ gì từ các doanh nghiệp dẫn dắt.

Các chuyên gia đều cho rằng việc khơi nguồn sáng tạo trong công đồng khoa học trẻ Việt Nam là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy những nhà khoa học trẻ phát huy tính sáng tạo.

Các diễn giả, nhà khoa học nhấn mạnh về cách thức kết nối các mắt xích công nghệ tại viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong những người trẻ.

Khơi nguồn sáng tạo khoa học trong giới trẻ thế nào? Các chuyên gia tiết lộ đáp án bất ngờ - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đại diện của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và những tác giả của 7 sáng kiến được trao giải. Ảnh: VGP/HG

Tại Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 cũng diễn ra Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học năm 2022 do VnExpress tổ chức. Cuộc thi mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích và thú vị dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên dưới 40 tuổi, nhằm truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy những nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Cuộc thi Sáng kiến khoa học hướng đến 5 lĩnh vực, bao gồm: Y sinh – hóa sinh, giáo dục, môi trường, nông nghiệp và vật liệu mới.

Cuộc thi này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học, trong đó có các nhà nghiên cứu trẻ tới từ các viện, trường đại học ở trong và ngoài nước. Với hơn 100 hồ sơ tham gia, sau vòng sơ loại, Ban Giám khảo đã chọn ra 29 sự án lọt vào vòng chung kết.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 7 giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả.

Trong đó, cuộc thi đã trao giải Đặc biệt trị giá 100 triệu đồng cho tác giả Đồng Quang Hùng, Công ty TNHH Zunibal Việt Nam với giải pháp đưa ra là sự kết hợp giữa công nghệ vệ tinh hiện đại với chà nổi truyền thống để giúp khai thác cá hiệu quả. Ưu điểm của sáng kiến này là giúp ngư dân có thể tiếp cận được công nghệ, tăng sản lượng đánh bắt cá từ 3 - 5 lần, và tiết kiệm được tới 40% nhiên liệu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Mỹ Linh và Uyên Linh xinh đẹp, rạng rỡ bên dàn sao tại sự kiện của Clé de Peau Beauté

(Tổ Quốc) - Clé de Peau Beauté vừa ra mắt bộ sản phẩm chống lão hoá "Những Nghệ Nhân Thời Đại" tại sự kiện ngày 14/4. Những khách mời đặc biệt như Diva Mỹ Linh, ca sĩ Uyên Linh cùng các nghệ sĩ đã có mặt để trải nghiệm Kem dưỡng mắt Eye Contour Cream Supreme và tinh chất nâng cơ Firming Serum Supreme mang Công nghệ Chạm Khắc Đường Nét Tương Lai.