• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không chỉ là chuyện một cái giếng

Văn hoá 06/11/2021 16:16

(Tổ Quốc) - Mới đây, một chiếc giếng cổ tại di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bị một đoàn làm phim tô vẽ, làm lệch lạc giá trị nguyên gốc khiến dư luận hết sức bức xúc. Ngay giữa Thủ đô, vấn đề nhận thức, ý thức bảo vệ, quản lý di tích vẫn còn là câu chuyện đáng quan ngại.

Những ngày gần đây, người dân thôn Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) rất bức xúc khi bỗng nhiên một chiếc giếng cổ cạnh đình Mông Phụ, nằm trong Khu bảo tồn cấp 1 của di tích quốc gia Làng cổ Đường Lâm bị "làm mới". Nguyên nhân là do một đoàn làm phim Tết, lấy bối cảnh của làng cổ để đóng phim đã tự ý tô vẽ, trát thêm một số vật liệu mới, khiến không ai còn nhận ra chiếc giếng cổ thân quen của làng.

Không chỉ là chuyện một cái giếng - Ảnh 1.

Giếng cổ làng Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm là di tích quốc gia, với một hệ thống di tích, di sản phong phú, tiêu biểu cho làng Việt cổ trung du. Trong đó, hệ thống giếng cổ là một trong những yếu tố cấu thành không gian làng cổ và được người dân địa phương gìn giữ qua nhiều thế hệ. Là một di tích cấp quốc gia, cho nên mọi hoạt động tu sửa hay tác động đến di tích đều phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa và phải được phép của các cơ quan chức năng.

Ngay khi phát hiện, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm đã đình chỉ mọi hoạt động của đoàn làm phim tại khu vực giếng cổ, lập biên bản và yêu cầu khôi phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của giếng.

Làng cổ Đường Lâm vốn là "phim trường" cho nhiều đoàn làm phim cổ trang. Tuy đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng làm thay đổi hiện trạng di tích nhưng sự việc là kinh nghiệm quý trong công tác quản lý di sản cũng như với các đoàn làm phim khác khi sử dụng các không gian cổ làm phim trường cho tác phẩm nghệ thuật của mình.

Cùng với câu chuyện trùng tu di tích "bỏ cổ kính làm mới" đang diễn ra ở nhiều di tích, nhiều địa phương thì việc không nhận thức được giá trị di sản, di tích, tự ý làm sai lệch nguyên trạng di tích thực sự đáng báo động.

Trước đó, năm 2010, đoàn làm phim "Thái sư Trần Thủ Ðộ" từng làm dậy sóng dư luận khi tự ý di dời, sắp xếp bối cảnh tại chánh điện lăng Minh Mạng nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Long vị, án thờ, sập thờ… bị di dời. Sùng Ân Ðiện (nơi thờ Vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa) có quy định cấm quay phim, chụp ảnh… cũng bị đoàn phim thực hiện nhiều cảnh quay. Không chỉ nhân dân Huế, hậu duệ hoàng tộc triều Nguyễn mà không ít khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm di tích đều thấy phản cảm trước cảnh tượng lộn xộn, bừa bộn ở chánh điện; bị cản trở việc tham quan, thực hiện các nghi lễ tôn nghiêm.

Không chỉ là chuyện một cái giếng - Ảnh 2.

Giếng cổ bị tô vẽ

Can thiệp bối cảnh, xâm phạm di tích lịch sử vừa là hành vi phản cảm, vừa vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, không thể phủ định phần trách nhiệm thuộc về phía chính quyền địa phương, ban quản lý di tích khi chưa giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời. Có lẽ họ đã quá chủ quan, không ngờ những người thuộc ngành văn hóa lại phá di sản văn hóa. Thực tế, bên cạnh những việc đáng trách nêu trên, cũng có những đoàn làm phim luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với địa phương, trình bày toàn bộ phương án nhằm bảo đảm nguyên hiện trạng bối cảnh, ký cam kết và nghiêm túc thực hiện.

Ở góc độ tích cực, việc các đoàn làm phim lấy bối cảnh di tích lịch sử đã góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa lịch sử tới công chúng và đó là điều cần khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng xâm phạm bối cảnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị sản xuất phim với chính quyền địa phương; khâu hướng dẫn, giám sát, cam kết cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ, việc xử phạt phải có tính răn đe, không chỉ là 1- 2 triệu đồng. Cùng với đó là việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về việc bảo vệ, bảo tồn di sản, di tích. Bởi khi can thiệp sai cách vào di tích, những giá trị lịch sử, văn hóa nếu bị mất đi thì không bao giờ lấy lại được./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ