Khủng hoảng Evergrande: Chứng "nghiện nợ" khiến khát vọng "chia sẻ thịnh vượng" trở thành bẫy nghèo tập thể

(Tổ Quốc) - Evergrande là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đi theo cái gọi là chia sẻ "thịnh vượng chung" nhưng tình trạng "nghiện nợ" đã nhanh chóng biến điều đó thành nguy cơ "nghèo chung".

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã thúc đẩy "thịnh vượng chung" (giảm bất bình đẳng thu nhập và kiềm chế các tỷ phú) nhưng điều đó đang đứng trước thử thách lớn. Cụ thể, Bắc Kinh đang muốn khách hàng, người lao động và ngay cả chính quyền địa phương có tiếng nói trong hoạt động của các doanh nghiệp cũng như phân phối thu nhập của họ.

Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về tầm quan trọng của bình đẳng thu nhập hay thịnh vượng chung, Hui Ka Yan, người sáng lập China Evergrande Group và đang là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã nói về điều đó.

Ông Hui lần đầu tiên sử dụng khẩu hiệu "thịnh vượng chung" trong bài phát biểu năm 2018. Trong suốt nhiều năm, người đàn ông này được xếp hàng là một trong những người từ thiện nhiều nhất Trung Quốc, quyên góp hàng tỷ USD cho các mục đích tốt như nghiên cứu y tế.

Trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, ngay từ khi mua đất, các nhà phát triển thường mượn tiền từ các công ty ủy thác (trust companies), sau đó yêu cầu quản lý cấp cao chịu trách nhiệm về dự án đó trở thành nhà đầu tư vào các sản phẩm ủy thác này. Các khoản vay xây dựng và thế chấp từ ngân hàng được huy động sau đó rất lâu. Chỉ 5 năm trước, sản phẩm ủy thác đầu tư vào các dự án của Evergrande có thể mang lại lợi nhuận hàng năm lên tới 30%.

Tuy nhiên, khi Evergrande lớn mạnh và dòng tiền trở nên căng thẳng hơn, việc đồng đầu tư từ cấp quản lý cao nhất chuyển dịch dần xuống các quản lý cấp trung và cuối cùng là người lao động. Các điều khoản tài chính cũng trở nên tồi tệ hơn. Các sản phẩm quản lý tài sản mà Evergrande bán chỉ mang lại lợi suất từ 5-10%. Ngoài ra, những sản phẩm này còn không nhất thiết gắn liền với dự án mà các nhân viên đó làm việc, có nghĩa là người lao động thực sự không biết gì về chất lượng khoản đầu tư mà họ bỏ ra.

Khi Evergrande lâm vào tình trạng khủng hoảng tiền mặt, công ty này gần như ép buộc để huy động tiền của nhân viên. Đầu năm nay, công ty này đã đề nghị nhân viên cho vay tiền ngắn hạn nếu họ không muốn bị mất thưởng. Chính vì thế, hàng trăm người lao động của Evergrande, đang gia nhập đội ngũ những người mua nhà hoảng loạn, đi đòi lại tiền khi quả bom nợ sắp vỡ.

Thông thường, khi một doanh nghiệp tái cơ cấu nợ, công ty vẫn có thể hoạt động bình thường. Trong khi chủ nợ và cổ đông mặc cả, các nhân viên vẫn có thể làm việc, miễn là họ được trả lương và không bị sa thải. Tuy nhiên, quy định của Evergrande đã thay đổi cuộc đời rất nhiều người. Từ người lao động, giờ đây, họ cũng là chủ nợ chỉ có điều họ không biết làm thế nào để đòi nợ và cũng chẳng biết cơ hội nhận lại tiền của mình như thế nào. Không có gì lạ khi một số người xuống đường biểu tình.

Những người ủng hộ "thịnh vượng chung" nói rằng một doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với người lao động của chính mình. Điều đó thật đáng quý. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng thật cần lưu ý đến tình trạng "nghiện vay nợ" của các doanh nghiệp.

Evergrande là ví dụ điển hình. Công ty này đã vay tiền của mọi người, từ khách hàng, nhân viên tới các nhà cung cấp. Trong trường hợp này, sự thịnh vượng chung, có thể rất nhanh chóng chuyển thành "nghèo tập thể".

Hiện tại, vẫn chưa thể xác định được tương lai của Evergrande. Trong tuyên bố gần nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ những người tiêu dùng. PBoC cũng đã bơm lượng tiền khổng lồ vào hệ thống ngân hàng để tránh cú sập của Evergrande gây tác động sâu rộng tới nền kinh tế. Tuy nhiên, tương lai của các chủ nợ vẫn là điều còn bị bỏ ngỏ.

Linh Anh

Tin mới