Kiến trúc sư tự thiết kế nhà của mình: tiết kiệm chi phí nhưng vẫn gặp tình huống khó xử

Tô Diệp - Thiết kế: Hoàng Sơn - Ảnh: NVCC | 06-06-2023 - 00:00 AM

(Tổ Quốc) - Kiến trúc sư chia sẻ kinh nghiệm cũng như những điều cần lưu ý khi tự thiết kế nhà.

Khi đã có kiến thức và kinh nghiệm trong chuyện thiết kế nhà cửa, nhiều người cho rằng lẽ hiển nhiên kiến trúc sư (KTS) sẽ dễ dàng trong quá trình thiết kế nhà cửa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tự thiết kế nhà, tự chọn các đồ nội thất đôi khi cũng tạo ra những khó khăn nhất định đặc biệt là xung đột ý kiến với thành viên gia đình. 

Chi phí thiết kế bằng 0 đồng nhưng xung đột với vợ trong quá trình làm nhà 

Trần Anh Tùng (sinh năm 1993) làm trong ngành kiến trúc và nội thất đến nay là 9 năm. Đầu năm 2018, anh mua căn hộ 76,5m2 và đến cuối năm 2020 đã quyết định cải tạo lại. Trong đó, bởi vì tự thiết kế nên chi phí này bằng 0 còn tiền nội thất khoảng 450 triệu đồng. 

"Mình lựa chọn tự thiết kế vì muốn tiết kiệm chi phí. Mình có thể sử dụng đồ nội thất với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, cũng như dễ dàng phối trộn và bổ sung đồ nội thất sau này. Bên cạnh đó, khi là KTS, mình cũng biết cách tiết kiệm các khoản chi phí không cần thiết, phân bổ ngân sách một cách hợp lý nhất. Cuối cùng tự làm nhà giúp chủ động hơn trong gu thẩm mỹ và sở thích cá nhân". 

Kiến trúc sư tự thiết kế nhà của mình: tiết kiệm chi phí nhưng không tránh được bất đồng quan điểm với vợ - Ảnh 1.

Căn nhà trước khi cải tạo

Song, dù là 1 KTS đã có nhiều kinh nghiệm khi thiết kế nhà cửa, Anh Tùng vẫn gặp phải một số xung đột ý kiến cùng vợ trong quá trình làm nhà. "Chẳng hạn, vợ mình rất không thích bộ sofa mình đem về, vì nó làm cho vợ mình cảm thấy nhà bị bé lại. Tuy nhiên, chiếc sofa này lại đem lại sự êm ái, thoải mái và rất an toàn cho trẻ con. Chưa kể những phần tay và vai sofa còn như 1 hệ kệ, để được rất nhiều đồ lặt vặt tiện ích trong quá trình sử dụng. Đây là vấn đề thuộc quan điểm. Với mình, nhà phải tiện nghi, sống phải có đầy đủ đồ để hỗ trợ cho cuộc sống, còn vợ mình thì thích không gian thoáng đãng". 

Những vấn đề này cuối cùng cũng được giải quyết khi cả 2 cùng nhau ngồi xuống và quyết định đặt ưu tiên về tính năng nhà cửa lên đầu tiên. Trong đó, Anh Tùng tự nhận mình là một người mặc dù 1 mặt luôn truy cầu sự hoàn hảo. Nhưng đồng thời, anh cũng là 1 KTS - NTK đặt tính thực dụng, đặt yếu tố "hoàn thành" với 1 thời gian cố định, 1 chi phí đầu tư cố định lên đầu.

Căn nhà được thiết kế vô cùng bắt mắt

Tối ưu hoá chi phí vì sử dụng hình thức "cây nhà lá vườn" 

Vũ Đài (sinh năm 1985)  làm trong ngành kiến trúc hơn 13 năm rồi. Sau khi mua căn hộ 3 phòng ngủ vào đầu năm 2023, anh đã làm KTS cho chính căn nhà của mình. Tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng, tối ưu hoá chi phí nhờ sử dụng hình thức "cây nhà lá vườn". 

"Mình là người hiểu và có kinh nghiệm về thiết kế, đồng thời mình cũng có nhà máy sản xuất nội thất nên từ ý tưởng đến thực hiện khá suôn sẻ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc vợ vẫn là người quyết định chính về yêu cầu công năng sử dụng. Bà xã mình cũng khá cứng trong việc đưa ra ý kiến, mình cũng là một người cầu toàn, nên việc giải quyết vấn đề đó thông qua cách mình sống và đối xử với người bạn đời hàng ngày. Ý kiến của các con cũng vậy, các bạn nhỏ có sở thích thì mình cũng dễ hiểu hơn việc hiểu sở thích khi làm cho khách hàng", Vũ Đài nói về quá trình tự thiết kế nhà. Anh cũng chia sẻ rằng là người làm trong ngành, đôi khi Vũ Đài sẽ cầu toàn khiến bản thân dè dặt trước một số phương án. 

Bên cạnh đó, khi thiết kế nhà, Vũ Đài dựa vào công năng đầu tiên, sau đó mới sử dụng kiến thức và kinh nghiệm để cho ra một phương án đạt yêu cầu về thẩm mỹ. Trên thực tế nếu công năng không đáp ứng được thì người sử dụng không gian đó sẽ xảy ra xung đột: KTS - khách hàng, hoặc xung đột giữa các thành viên khi sử dụng. Việc sai công năng dẫn đến tâm lý khó chịu trong việc sử dụng và nhiều điều khác nữa.

Kiến trúc sư thiết kế nhà của chính mình: Tiết kiệm chi phí nhưng không tránh được bất đồng quan điểm với vợ - Ảnh 4.

Căn nhà của Vũ Đài

Cần chuẩn bị gì khi tự thiết kế nhà cửa? 

Một trong những điều nhiều người quan tâm nhất trong câu chuyện làm nhà đó chính là ngân sách. Đây cũng là lý do một số người trẻ đang hướng đến việc tự lên ý tưởng thiết kế để tiết kiệm tiền. 

Theo Anh Tùng, chi phí đóng vai trò quan trọng nhất trong cải tạo, thiết kế không gian sống cũng lựa chọn 1 lối sống phù hợp cho ngôi nhà của mình. Nếu ít tiền, mọi người có thể lựa chọn lối sống giản dị, gần gũi, thì chi phí không cần nhiều, nhưng phải đủ để có thể sử dụng nhân công tốt, vật tư tốt, và những món đồ nội thất tốt.

"Mình là người làm nghề, nên đương nhiên sẽ phải ưu tiên cả công năng lẫn thẩm mỹ khi thiết kế nhà. Còn nếu nói về cái nào hơn, mình chọn công năng. Có rất nhiều cách để đạt được tính thẩm mỹ mà không tốn quá nhiều tiền. Hơn nữa, ấn tượng về mặt thẩm mỹ có thể phai mờ theo thời gian sử dụng, thường là 6 tháng tới 1 năm. Nghĩa là cái nhà vẫn đẹp, nhưng bạn sẽ không chỉ ngắm nhìn vẻ đẹp đó bằng mắt mà nó còn là vẻ đẹp của tổng hòa tất cả mọi thứ trong ngôi nhà bạn: công năng, tiện ích, mùi hương, những kỷ niệm cùng gia đình,... Công năng và tính tiện dụng sẽ là thứ vượt qua thẩm mỹ, mang lại cuộc sống thoải mái, dễ chịu cho chủ nhân ngôi nhà", Anh Tùng chia sẻ. 

Kiến trúc sư thiết kế nhà của chính mình: Tiết kiệm chi phí nhưng không tránh được bất đồng quan điểm với vợ - Ảnh 6.

Trần Anh Tùng

Còn đối với những người trẻ muốn tự thiết kế nhà, Vũ Đài cho rằng các bạn trẻ nếu không phải là KTS thì nên tìm hiểu thật kỹ trước khi tự làm cho mình. Thế giới phẳng hiện nay thực ra mọi người có đủ dữ liệu để tự thiết kế cho mình. Tuy nhiên cần tham khảo thêm những người có kinh nghiệm hoặc KTS để có được một ngôi nhà thật đúng ý. Bên cạnh đó, việc tham khảo ý kiến của KTS có chuyên môn để nhận được tư vấn tốt nhất cũng là một lựa chọn phù hợp. 

Mặt khác, Anh Tùng chia sẻ rằng nếu bạn có mức đầu tư quá hạn hẹp, hãy tự thiết kế nhà. Mọi người có thể lên các nền tảng MXH để tìm hiểu kiến thức, các ý tưởng cho ngôi nhà, mua sắm giản dị và tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Các bạn nên lựa chọn mua dần các món, bổ sung thêm chứ không nhất thiết phải mua 1 lần đủ luôn.

Nếu có mức đầu tư cơ bản, hãy tìm tới các đơn vị tư vấn thiết kế phù hợp, để họ cùng bạn lên ý tưởng thiết kế và đồng hành cùng bạn trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà. Nếu có mức đầu tư cao, đừng ngần ngại chi thêm tiền cho các đơn vị tư vấn thiết kế xịn, 1 chuyên gia trong lĩnh vực để họ đồng hành với bạn và phát triển, mở rộng hơn ý tưởng của bạn với kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của họ trong quá trình tạo ra 1 ngôi nhà đo ni đóng giày cho chính bạn.

Kiến trúc sư thiết kế nhà của chính mình: Tiết kiệm chi phí nhưng không tránh được bất đồng quan điểm với vợ - Ảnh 7.