Kinh nghiệm quốc tế trong phòng chống bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một vấn đề xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong mọi nền văn hóa và mọi tầng lớp xã hội. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về tình trạng kinh tế, xã hội của phụ nữ nhưng thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất và chưa được giải quyết trên thế giới. Nhiều nước đã đối phó hiệu quả với vấn nạn này và Việt Nam có thể học hỏi một số hình phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA, toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình gây tổn hại to lớn về thể chất, tinh thần và tài chính cho nạn nhân, gia đình và cộng đồng. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ 1 số quốc gia về công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Kinh nghiệm của Canada
Bạo lực gia đình với phụ nữ vẫn tiếp tục là vấn đề nghiệm trọng ở Canada. Tỉ lệ bạo lực với phụ nữ ở Canada cũng không khác nhiều so với Việt Nam. 51% phụ nữ ở Canada đã từng phải chịu bạo lực ít nhất một lần trong đời.
Nhiều phụ nữ Canada đang phải sống trong những ngôi nhà với những đứa con của mình trong tình trạng bị bạo lực. Tỉ lệ phụ nữ và trẻ em bị tử vong vì bạo lực cao hơn nam giới. Đặc biệt là tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực thể xác khi có thai tăng cao. 50% phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình bị triệu chứng sang chấn tâm lý.
Hình thức bạo lực phổ biến với phụ nữ là bạo lực gia đình bởi chính người chồng hoặc bạn tình. Tuy nhiên, chỉ có một số dạng bạo lực được sự quan tâm của cảnh sát, bao gồm bạo lực hoặc tấn công tình dục, tấn công bằng vũ khí.
Theo số liệu báo cáo của cảnh sát, hơn 170 nghìn phụ nữ và trẻ em gái từ độ tuổi 15 là nạn nhân của tội ác bạo lực. Nhìn chung, nam giới phải chịu trách nhiệm cho 83% trường hợp bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Để giải quyết tình trạng này, các tỉnh và ba vùng của Canada đã xây dựng luật pháp chính sách riêng về bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các chương trình phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình cũng được xây dựng và triển khai, tập trung vào 3 cấp độ:
(1) Phòng ngừa ban đầu: Nam giới và trẻ em trai là đối tượng chính của các chương trình can thiệp. Các chiến dịch truyền thông diện rộng đã được tổ chức như Chiến dịch Ruy băng trắng, Hãy đi vào đôi giầy của cô ấy nhằm huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chiến dịch bắt đầu từ năm 1991 và hiện nay đã lan tỏa ra hơn 60 nước trên thế giới. Chiến dịch Phá vỡ ranh giới cũng được triển khai liên tục trong 10 năm nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông tại cộng đồng cũng được triển khai thường xuyên liên tục như Chương trình huy động sự tham gia của giới trẻ trong trường học, Chương trình sử dụng các hình thức thể thao, Chương trình Làm cha trách nhiệm, tập trung vào thay đổi hành vi của nam giới không sử dụng bạo lực, xây dựng mối quan hệ bình đẳng, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội.
(2) Can thiệp thứ cấp: nhằm xác định sớm và can thiệp những đối tượng có nguy cơ cao hoặc phạm tội hoặc bị bạo lực.
(3) Can thiệp sau bạo lực (ứng phó): cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân như dịch vụ y tế, xã hội, an toàn và tư pháp, dịch vụ xã hội. Các dịch vụ này phần lớn được cung cấp bởi các tổ chức xã hội. Các nhà cung cấp dịch vụ được đào tạo chuyên nghiệp nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp dựa trên quyền và có nhạy cảm giới. Có hơn 600 nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực ở Canada.
Thời gian qua, có nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành bởi chính bố, mẹ, người tình của bố mẹ dẫn đến tử vong thương tâm
Về cơ chế quản lý, Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng chính sách, chương trình can thiệp, tài liệu hướng dẫn, giám sát và đánh giá dựa trên bằng chứng. Trong khi đó, các tổ chức xã hội chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ. Các tổ chức xã hội ở Canada rất tích cực trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình và có mạng lưới hoạt động rộng rãi, họ không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn tham gia vào việc vận động chính sách thông qua sử dụng bằng chứng từ nghiên cứu và bài học từ kinh nghiệm thực tiễn. Chính vì các tổ chức xã hội có mạng lưới rộng rãi và hoạt động tích cực như vậy nên nạn nhân bạo lực gia đình có thể dễ dàng được kết nối và chuyển gửi đến các dịch vụ theo đúng nhu cầu.
Ngân sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được phân bổ theo cách tiếp cận từ dưới lên. Hàng năm, chính phủ sẽ kêu gọi các đề xuất sáng kiến về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình. Các tổ chức quan tâm cần nộp đề xuất và trải qua một quá trình đấu thầu công khai, minh bạch theo tiêu chí của Chính phủ đề ra. Khoảng 30-70% ngân sách của các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình là đến từ ngân sách của chính phủ, phần còn lại là huy động từ các tổ chức kinh doanh.
Huy động nguồn lực: các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình được xã hội hóa. Rất nhiều dịch vụ được cung cấp bởi các tình nguyện viên. Một số lượng ngân sách đáng kể cho dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được huy động từ các tổ chức kinh doanh hoặc các nhà tài trợ.
Kinh nghiệm của Úc:
Tại Úc, Chính phủ đã xây dựng những chính sách và chương trình can thiệp tích cực để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Ví dụ bang Victoria đã có Đạo luật về bạo lực gia đình (2008); Xây dựng và thực hiện các Chương trình hành động nhằm giảm thiểu bạo lực với phụ nữ và trẻ em, Khung hướng dẫn triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em...
Về công tác phòng ngừa và ứng phó, Úc cũng áp dụng cách tiếp cận 3 cấp độ giống như ở Canada, bao gồm:
(1) Phòng ngừa ban đầu: Những sáng kiến sau đã được triển khai: Giáo dục về mối quan hệ tôn trọng, không bạo lực trong trường học; Triển khai các chiến dịch truyền thông diện rộng: quảng cáo trên tivi, trực tuyến và mạng xã hội, biển quảng cáo trên đường phố, nơi công cộng.
Các sáng kiến về phòng ngừa bạo lực gia đình được triển khai ngay tại nơi làm việc; Làm việc với nhà báo và các cơ quan truyền thông; Làm việc với các Trung tâm/Câu lạc bộ thể thao, giải trí; Các chương trình làm việc với các tổ chức/cá nhân có uy tín trong cộng đồng; Các chương trình tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Chương trình làm cha mẹ để khuyến khích việc phân chia trách nhiệm bình đẳng của cha mẹ trong việc chăm sóc các thành viên trong gia đình.
(2) Can thiệp thứ cấp: Tư vấn về xây dựng mối quan hệ, hòa giải; Chương trình đào tạo/tập huấn cho cộng đồng hoặc người chứng kiến bạo lực; Các chương trình thay đổi hành vi của nam giới.
(3) Ứng phó: cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Các cán bộ cung cấp dịch vụ như cảnh sát, nhân viên y tế...được đào tạo nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ dựa trên quyền và có nhạy cảm giới. Cũng giống như ở Canada, phần lớn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được cung cấp bởi các tổ chức xã hội.
CácCácCác hội thi nhằm tuyên truyền về phòng, chống bạc lực gia đình được tổ chức thường xuyên ở nhiều địa phương
Kinh nghiệm của Thụy Điển
Những kinh nghiệm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình ở Thụy Điển tương đối gần với Canada và Úc. Bên cạnh đó, Thụy Điển có một mô hình rất nổi bật đó là việc thành lập và vận hành Trung tâm khủng hoảng cho nam giới. Trung tâm này cung cấp kiến thức, kỹ năng và các chương trình đào tạo cho nam giới để biết cách xử lý cơn nóng giận, xử lý khủng hoảng, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, không bạo lực. Bên cạnh đó, với những nam giới gây bạo lực mà đã bị kết án thì nhà tù ở Thụy Điển cũng có những chương trình kết nối với các bên liên quan để triển khai những chương trình chữa trị, hoặc đào tạo bắt buộc, và giám sát chặt chẽ khi về với cộng đồng nhằm đảm bảo nam giới không lặp lại các hành vi bạo lực.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc:
Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc là một vấn đề phổ biến, được hình thành bởi đặc tính gia trưởng trong xã hội và cấu trúc của gia đình. Tính chất của sự việc thường tăng lên khi đối tượng gây bạo lực sử dụng rượu nặng. Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc thường được coi là vấn đề riêng tư và không phải là vấn đề mà cơ quan thực thi pháp luật phải giải quyết.
Theo thống kê của Văn phòng Công tố tối cao Hàn Quốc, 60% các vụ bạo lực gia đình đã được loại bỏ khỏi các cáo buộc truy tố trong năm 2015, trong khi chỉ có 15,6% trải qua các thủ tục tố tụng. Tổng cộng có 118.178 trường hợp được báo cáo nhưng chỉ có 8.762 vụ bắt giữ được thực hiện.
Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và điển hình là nạn nhân của bạo lực tình dục. Hệ thống này được Bộ Phụ nữ và Gia đình quản lý thông qua các giai đoạn thực hiện gồm: Bộ Phụ nữ và Gia đình chỉ đạo lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ ngân sách và chỉ đạo, giám sát. Các tỉnh, thành có trách nhiệm phân bổ tiền hỗ trợ (Hỗ trợ chi phí địa phương) và chỉ đạo, giám sát công tác thực hiện tại địa phương. Các thành phố-quận-huyện có nhiệm vụ phê duyệt việc thành lập cơ sở bảo vệ nạn nhân, chỉ đạo, giám sát và nâng cao năng lực nghiệp vụ của nhân viên ở cơ sở.
Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân gồm: Điểm tư vấn, công trình bảo vệ; Đường dây nóng (1366); Trung tâm trẻ em Hoa hướng dương; Trung tâm phụ nữ trẻ em Hoa hướng dương; Trung tâm hỗ trợ 1 cửa. Các cơ sở này cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân như sau:
(1 )Phát hiện vụ việc (Đường dây nóng 1336): Tư vấn khẩn cấp, kết nối dịch vụ- (2)Hỗ trợ tư vấn (Điểm tư vấn nạn nhân): Xây dựng điểm tư vấn; Tăng cường trình độ chuyên môn của nhân viên- (3) Hỗ trợ y tế (cơ quan y tế chuyên trách về bạo lực tình dụng): Tăng cường quản lý cơ quan y tế chuyên trách; Xây dựng, phổ cập sổ tay nghiệp vụ đào tạo y tế- (4) Trợ giúp pháp luật (cơ quan trợ lý giúp pháp lý miễn phí): Tư vấn pháp luật và đại diện tố tụng dân sự- hình sự. (5) Hỗ trợ điều tra (cảnh sát và công tố): Tăng cường đào tạo các cơ quan chuyên trách: Phòng chống tái diễn hành vi bạo lực. (6) Bảo vệ, hỗ trợ tái hòa nhập xã hội (Cơ sở bảo vệ nạn nhân): Xây dựng cơ sở bảo vệ; Chương trình trị liệu, phục hồi cho nạn nhân. (7) Hỗ trợ nạn nhân: Tư vấn, luật pháp, chữa trị tâm lý, y tế, điều tra./.
Hồng Hà
* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện