Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Các chuyên gia nhận định, kinh tế năm 2018 đã kết thúc bằng những con số đẹp. Năm 2019, dù sẽ có rất nhiều rủi ro ở phía trước nhưng chúng ta sẽ vượt qua nếu giữ vững tinh thần lạc quan, cộng với sức mạnh về tiềm lực kinh tế cũng như chiến lược.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Kinh tế một năm nhìn lại:  Bức tranh nhiều gam màu sáng - Ảnh 1.

Bức tranh kinh tế 2018 được xem là tốt nhất trong 3 năm 2016, 2017, 2018 gồm cả về tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại...

Nhìn chung, 2018 là năm đạt được những mục tiêu kinh tế khá đẹp. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, đạt mục tiêu đề ra . Lạm phát kiểm soát ở mức dưới 4%. Cán cân thương mại thì xuất siêu, cán cân thanh toán tổng thể thì thặng dư và kiểm soát được bội chi ngân sách và trần nợ công.

Như vậy, năm 2018 vừa đạt được mục tiêu đảm bảo tăng trưởng trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện được các thể chế về hệ thống luật pháp, mở ra nhiều chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2019-2020.

Bức tranh kinh tế 2018 được xem là tốt nhất trong 3 năm 2016, 2017, 2018 gồm cả về tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại...

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là thị trường lớn trên 500 triệu dân và là thị trường xuất nhập khẩu lên tới trên 10.000 tỷ USD. Khi chúng ta ký hiệp định CPTPP sẽ mở ra thị trường xuất khẩu và khi đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng các mặt hàng có chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh nhất.

Về bức tranh kinh tế 2019, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,6% - 6,8%. Với mục tiêu này, chúng ta có khả năng đạt được. Nhưng kinh tế năm 2019 sẽ gặp nhiều thách thức lớn bởi tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường. Kinh tế một số nước châu Âu, Nhật Bản… gần đây bắt đầu chững lại và đi xuống. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, chính sách bảo hộ mậu dịch đang có những rào cản nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Và với độ mở kinh tế trên 200% như Việt Nam thì chắc chắn sẽ bị tác động từ kinh tế thế giới. Đây là điều chúng ta cần hết sức lưu ý.

TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:

Kinh tế một năm nhìn lại:  Bức tranh nhiều gam màu sáng - Ảnh 3.

Năm 2018, các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội của chúng ta nhìn đều đẹp. Kết quả của những chỉ số kinh tế không những vượt chỉ tiêu đề ra mà còn vô cùng đẹp. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng thấp.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế Việt Nam đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Năm 2018, dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tuy nhiên, nhìn vào xếp hạng về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới thì chúng ta lại tụt hạng. Chỉ số thị trường chứng khoán cuối năm 2017 gần 1.000 điểm nhưng cuối năm nay dao động quanh 900 điểm. Điều này cho thấy những nỗ lực cải cách đã tạo ra kết quả tốt trong năm vừa qua nhưng cũng đã cũ dần. Năm 2019, kinh tế Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức và bất trắc, đó là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Nhìn trong nước, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn vì đã đụng đến phần khó nhất là động cơ khuyến khích của cán bộ công chức. Cán bộ công chức không có động cơ để bước vào vùng xám để giải quyết những khó khăn của vướng mắc của chính sách, của cơ chế mà họ chỉ có động cơ làm cho nhiều ma sát lên để được bôi trơn nhiều gắn với cơ hội thăng tiến. Tôi thấy rằng, những nỗ lực cải cách thời gian qua chưa đụng tới được vấn đề then chốt này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực:

Kinh tế một năm nhìn lại:  Bức tranh nhiều gam màu sáng - Ảnh 5.

Bức tranh kinh tế 2018 có nhiều gam màu sáng. Về cơ bản, kinh tế 2018 tiếp tục khởi sắc và tương đối ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều phức tạp. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế GDP năm nay ước tính khoảng 7%, mức cao nhất trong 10 năm vừa qua. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,8%. Tỷ giá, lãi suất về cơ bản tương đối ổn định.

Tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định, chỉ số hệ quả vốn đầu tư (ICOR) năm nay ước tính khoảng 4,8 lần so với mức 4,9 lần của năm ngoái và 5,3 lần của giai đoạn 2011 -2016. Bên cạnh đó là đóng góp của các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chung, năng suất lao động tiếp tục tăng nhẹ.

"Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn một số vấn đề bất cập, thách thức như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm và chưa thực chất.

Chuyên gia Cấn Văn Lực

Năm qua, Chính phủ, các bộ ngành quyết tâm hơn vào cải thiện môi trường kinh doanh, kinh tế tư nhân cũng phát triển tốt hơn, đóng góp hơn vào tăng trưởng GDP. Hội nhập kinh tế quốc tế năm nay cũng được mở rộng và tăng cường. Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thúc đẩy hiệu lực đối với Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA).

Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn một số vấn đề bất cập, thách thức như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm và chưa thực chất, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ đạt khoảng 30%. Bên cạnh đó là rủi ro về nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài; thâm hụt ngân sách nếu tính cả phần trả nợ gốc thì vẫn cao so với khu vực.

Theo đó, bức tranh kinh tế 2019 tương đối khả quan, tuy nhiên, rủi ro, thách thức hơn nhiều so với 2018. Cụ thể, GDP năm 2019 sẽ đạt khoảng 6,6% -6,8% và CPI xoay quanh mức 4% với điều kiện chúng ta phải rất quyết liệt, đồng bộ và phải bắt tay thực hiện ngay từ đầu năm.