Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Là một vị tướng độc đáo trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, từ người binh nhì lên đến Thượng tướng, 26 tuổi được khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với 4 chiến dịch lớn của đất nước. Cho đến bây giờ, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1975, vẫn vẹn nguyên trong ông. Có những mất mát, hy sinh nhưng hơn cả là quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, là tấm lòng quân dân thắm thiết của đồng bào miền Nam với các anh giải phóng quân.

Ký ức không quên của Anh hùng 26 tuổi: Chúng tôi ra trận không ai nghĩ mình trở thành anh hùng, thành Tướng

(Tổ Quốc) - Là một vị tướng độc đáo trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, từ người binh nhì lên đến Thượng tướng, 26 tuổi được khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với 4 chiến dịch lớn của đất nước. Cho đến bây giờ, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1975, vẫn vẹn nguyên trong ông. Có những mất mát, hy sinh nhưng hơn cả là quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, là tấm lòng quân dân thắm thiết của đồng bào miền Nam với các anh giải phóng quân.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trải lòng với Báo điện tử Tổ Quốc những ký ức không bao giờ quên của ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.


Ký ức không quên của Anh hùng 26 tuổi: Chúng tôi ra trận không ai nghĩ mình trở thành anh hùng, thành Tướng - Ảnh 1.

Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Huy Hiệu

Bụi Trường Sơn đỏ nhòa trời lửa

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không thể nhớ hết được đã trải qua bao nhiêu trận đánh. Nhưng ông tự hào mình may mắn được tham gia cả bốn chiến dịch lớn: chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975. Đáng nhớ nhất và tự hào nhất là mới 27 tuổi, ông đã là khi mình được đứng trong năm cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn.

+ Cho đến bây giờ, sau 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong ký ức của mình, điều gì khiến ông không bao giờ quên được về những ngày tháng ấy, thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu?

- Khi ấy, tôi đang làm nhiệm vụ đắp đê ở Yên Khánh, Ninh Bình thì được tổ chức điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn I, Binh đoàn Quyết Thắng với nhiệm vụ hành quân thần tốc vào Đông Hà (Quảng Trị) chuẩn bị cho giải phóng Huế, Đà Nẵng. Ngày 18/3/1975, đoàn quân xuất trận. Vào đến Đông Hà, ngày 26/3/1975, làm dự bị cho đánh Huế nhưng do chiến dịch phát triển quá nhanh nên ngày 26/3 Huế đã giải phóng. Chúng tôi được lệnh vào tiếp phía Bắc đèo Hải Vân để tham gia giải phóng Đà Nẵng. Trong thời điểm đó, chúng tôi nhận được lệnh đưa Trung đoàn ra Đông Hà để nhận nhiệm vụ mới. Khi toàn bộ Trung đoàn ra Đông Hà thì lại hành quân theo đường Đông Trường Sơn để tập kết tại Đồng Xoài. Từng đoàn người và xe nối thành hàng dài trùng trùng điệp điệp, những bước chân rầm rập không nghỉ. Đường đất đỏ bazan, những ngày nắng ấy gió thổi mạnh cuốn từng lớp bụi đỏ lên không trung, rồi rơi tràn xuống như tuyết đỏ phủ ngập không gian, cả một vùng chìm trong sắc đỏ. Còn những ngày mưa, bùn lầy ngập tới nửa bánh xe. Bởi vậy, từ những chiếc xe ô tô tới mỗi người lính đều phủ kín bụi đất đỏ bazan, chỉ hở duy nhất đôi mắt. Đó là một ấn tượng mà tôi không bao giờ quên, đúng như câu thơ của Nguyễn Đình Thi "Ðoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa".

Má Sáu Ngẫu và các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đêm trước tiến công vào Sài Gòn (ảnh tư liệu )

Hành quân gian nan, vất vả, thời gian gấp rút là thế, chúng tôi chỉ ăn lương khô và uống nước suối. Nhưng khi cả Trung đoàn nhận được mật lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" và ký tên ở dưới là: Anh Văn. Chúng tôi phổ biến cho cán bộ chiến sĩ. Sau khi nghe bức điện đó, tất cả mọi người đều bừng dậy, quên hết mệt nhọc, hành quân liên tục, cả ngày cả đêm.

Chúng tôi đã hành quân không nghỉ tiến vào Đồng Xoài đúng thời gian quy định của mặt trận. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi được huấn luyện, bổ sung cách đánh mới. Đến ngày 25/4, đơn vị chúng tôi tập kết ở Bầu Cá Trê, phía bắc Tân Uyên bây giờ, sáng 26/4 bắt đầu tiến công, qua Tân Uyên, tiến vào Thủ Dầu Một vào Sài Gòn.

Tối 29/4, chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới ấp Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, trong làng có một ngôi nhà lợp lá, bên trong hãy còn le lói ánh đèn. Chúng tôi quyết định đi qua nghĩa địa vào làng. Chủ nhà là một bà má miền Nam, chúng tôi cho tổ trinh sát vào hô ba lần Hồ Chí Minh và được nghe đáp lại là "Muôn năm". Đó là tín hiệu liên lạc.

Ký ức không quên của Anh hùng 26 tuổi: Chúng tôi ra trận không ai nghĩ mình trở thành anh hùng, thành Tướng - Ảnh 3.

Tại đây, tôi đã được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu)- bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường. Đêm hôm đó, má Sáu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh. Gia đình má Sáu là gia đình cách mạng, chồng má là Hai Nhượng đã bị địch bắt, tù đày và hy sinh năm 1968, sự việc đau lòng đó má giấu kín trong lòng để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Má là cô giáo dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn. Tấm bản đồ này má ghi lại tất cả những điểm quan trọng trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân giải phóng.

Mục đích chính là giúp quân giải phóng tránh được những chỗ địch cài mìn, bố trí tuyến phòng thủ, chốt chặn… Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thắng vào Bộ tư lệnh Thiết Giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng Y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4. Sau này, má Sáu Ngẫu được cả quân đoàn gọi bằng tên yêu thương "Bà má tham mưu" và nhạc sĩ Văn Thành Nho đã có bài hát "Tấm bản đồ má trao" để lưu giữ lại những kỷ niệm đáng quý đó.

Ký ức không quên của Anh hùng 26 tuổi: Chúng tôi ra trận không ai nghĩ mình trở thành anh hùng, thành Tướng - Ảnh 4.

Trưa hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui, hạnh phúc được tích tụ, kìm nén bấy lâu như được vỡ òa. Phút chốc rừng cờ hoa và dòng người hân hoan đổ xô ra đường. Trong giờ phút lịch sử ấy, một cảm xúc khó diễn tả ngập tràn trong tôi. Tôi nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh, nhớ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, biểu tượng của các bà má Nam Bộ sẵn sàng hy sinh để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng…

+ Để đi đến chiến thắng ngày 30/4 lịch sử, suốt dặm đường hành quân gian khổ và cả khi đối mặt với quân địch, chắc hẳn ông đã chứng kiến không ít những mất mát, hy sinh?

- Thế hệ chúng tôi ra trận chả ai nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng, trở thành tướng đâu.

Tôi đã từng gắn bó, từng bế trên tay, từng mai táng bao đồng đội của mình. Ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh nhưng tất cả những người lính đều không ai bận lòng. Bao năm vào sinh ra tử nơi "túi bom, vựa đạn", đằng sau những chiến công oanh liệt, là những tấm gương kiên trung, mưu trí, anh dũng của những chiến sỹ Trung đoàn 27. Chiến đấu giữa lòng địch, từng phút, từng giờ đối mặt với đạn, pháo, song những người lính trẻ vẫn lạc quan, yêu đời, vững tin vào chiến thắng. Cũng từ chân lý ấy, mà biết bao đồng đội của tôi nguyện hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào.

Đó là những hình ảnh bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng về phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ; là minh chứng cao đẹp về truyền thống hào hùng của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Hành quân trên đường Trường Sơn và Người dân Đà Nẵng, Sài Gòn ùa ra đón đoàn quân Giải phóng (ảnh tư liệu)

Ngay sáng 30/4, trong lúc chiến đấu, xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị trúng đạn, hư hỏng. Đồng chí Mạc liền nhảy ra khỏi xe tiếp tục chỉ huy tổ B40, B41 tiếp tục chiến đấu và đồng chí đã bị thương nặng.

Để đồng đội được cùng chứng kiến giờ phút chiến thắng lịch sử, tôi quyết định đưa Hoàng Thọ Mạc lên xe và tiếp tục cuộc tiến công. Nhưng người đồng đội đã hy sinh ngay trước giây phút chiến thắng. Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Hoàng Thọ Mạc là người chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

Trên đường hành quân, chúng tôi cũng bị địch đánh bom nhiều chứ. Có lần cùng một lúc hy sinh 1 trung đội công binh 36 người. Nhưng chúng tôi không biết mệt nhọc, không biết sợ. Người bị thương được đưa về hậu phương, người ngã xuống nhưng đội hình vẫn phải tiến lên phía trước. Để thực hiện lời căn dặn của Bác "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, bắc nam sum họp xuân nào vui hơn".

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (clip Việt Hùng)

Anh bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân miền Nam

+ Điều ấn tượng nhất mà ông cảm nhận được ngay sau những ngày giải phóng là gì?

- Tình cảm mà người dân Sài Gòn dành cho quân giải phóng. Ngay khi chúng tôi tiến vào giải phóng, đồng bào đã ùa ra đường vẫy cờ hoa. Chắc chắn họ sống trong chế độ ngụy quyền đã nghe tuyên truyền không hay, không tốt về bộ đội Cụ Hồ.

Nhưng người dân đã có được niềm tin. Không dễ gì một thành phố mấy chục năm dưới chế độ cũ lại có thể có tình cảm với quân giải phóng như thế nếu trong thời gian ấy, những người lính giải phóng không chứng minh được bằng việc làm, đó là sự vô tư, trong sáng, không tơ hào của dân. Hình ảnh quân giải phóng là tấm gương để người dân tin, yêu, giúp đỡ.

Ký ức không quên của Anh hùng 26 tuổi: Chúng tôi ra trận không ai nghĩ mình trở thành anh hùng, thành Tướng - Ảnh 6.

Trong tháng đầu giải phóng, việc giữ hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ được làm rất nghiêm. Chúng tôi cũng tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, tuyệt đối không hề lấy của dân dù cái kim, sợi chỉ. Mặc dù lúc đó vào 1 thành phố hoa lệ như thế, tràn ngập quyến rũ.

Vì vậy, lúc đồng bào tràn ra chào đón chúng tôi khi chúng tôi quay trở lại Lái Thiêu thăm Má Sáu, đồng bào đưa ra rất nhiều hoa trái nhưng chúng tôi chấp hành nghiêm các quy định, chỉ lấy đại diện 1 phần, còn lại cảm ơn đồng bào, không dám nhận cả đâu.

+ Nhân dân, đại đoàn kết dân tộc luôn được xem là sức mạnh lớn lao làm nên những chiến thắng và chiến công vĩ đại của dân tộc ta. Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần ấy cần hiểu và áp dụng thế nào, thưa Thượng tướng?

- Nói rộng ra thì quan điểm của Đảng ta về hòa hợp dân tộc là từ thời Bác Hồ. Ngay từ lúc đất nước còn chia cắt, Bác Hồ đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Sau này, Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm Vĩnh Linh, Quảng Trị có nói rằng, ngày toàn thắng đang tới gần, Bắc - Nam sẽ sớm đoàn tụ một nhà. Giang sơn gấm vóc của tổ tiên thu về một mối. Sau khi thống nhất đất nước thì điều đầu tiên chúng ta phải bàn, phải làm đó là hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Ký ức không quên của Anh hùng 26 tuổi: Chúng tôi ra trận không ai nghĩ mình trở thành anh hùng, thành Tướng - Ảnh 7.

Sau ngày 30/4/1975, chúng ta có chính sách khoan hồng dành cho những người của phía bên kia đi cải tạo, cải tạo để trở thành người công dân chân chính. Ngày đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam có quy định bắt buộc sĩ quan quân đội và viên chức thuộc chính quyền Sài Gòn đi học tập cải tạo. Dù với không ít người trước đó gây nhiều nợ máu, gây thảm sát, giết hại nhiều người song Đảng, Nhà nước ta đã thực sự khoan hồng, không ai bị xét xử với các tội danh như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người. Sau học tập cải tạo, những người này được phục hồi đầy đủ quyền công dân… Một số người còn được cho phép đi ra nước ngoài theo nguyện vọng, nếu có.

Ví dụ, như ông Phạm Hà Thanh, lúc đó là Chuẩn tướng, Cục trưởng Cục Quân y của chế độ cũ do chính đơn vị của tôi bắt giữ. Sau khi cải tạo xong, ông Phạm Hà Thanh xin đi Mỹ thì Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để ông ra đi theo nguyện vọng. 

Từ thời Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo đã viết: "Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo". Và đây cũng là một ví dụ cho sự khoan hồng, đại độ của Đảng, Nhà nước ta, cũng như chính sách hòa hợp dân tộc ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tất cả đều bắt nguồn từ văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam; nhân hậu và bao dung của con người Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khi trở về cuộc sống thường nhật

Ngay như hiện tại, chúng ta đang làm rất tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng một điều sâu xa hơn chúng ta làm được, đó là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tự hào vì không chỉ chúng ta đang có những thành công trong công tác phòng dịch, chống dịch, dập dịch và điều trị, mà còn bởi vì chúng ta đang thực hiện những chính sách vô cùng nhân văn. Đó là điều trị cho tất cả mọi người, dù sang hay hèn, những người Việt Nam từ nước ngoài trở về hay những người nước ngoài ở Việt Nam, tất cả đều được chăm sóc và tạo điều kiện chữa trị tốt nhất.

Tất cả những điều trên, đều bắt nguồn từ tinh thần lấy dân làm gốc mà Đảng ta kế thừa từ lịch sử, trải qua bao thế hệ.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Hồng Hà
Minh Khánh
Việt Hùng
29/04/2020 00:00