Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Phát huy những mặt tốt, giảm những mặt còn tồn tại của mùa lễ hội 2018 là mục tiêu của công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2019. Mùa lễ hội 2019 cũng là lễ hội đầu tiên, Nghị định về Quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống. Với sự quyết liệt chỉ đạo của Bộ VHTTDL, sự quyết tâm và tích cực vào cuộc của các địa phương, hy vọng, mùa lễ hội 2019 sẽ diễn ra tươi vui, an toàn. Để đạt được kỳ vọng đó chúng tôi xin thực hiện loạt bài với ý kiến tham vấn, đánh giá của các cơ quan quản lý cũng như chuyên gia văn hóa.

Chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương

Năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Kỳ vọng mùa lễ hội 2019 an toàn khi Nghị định 110 đi vào đời sống - Ảnh 1.

Hướng đến mùa lễ hội 2019 an toàn, đảm bảo thuần phong mỹ tục, góp phần đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân

Để mùa lễ hội 2019 diễn ra an toàn, thể hiện thuần phong mỹ tục, góp phần đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, ngay từ tháng 1/2019, Bộ VHTTDL đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019; Công văn số 5709-CV/BTGTW ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - văn nghệ Xuân Kỷ Hợi 2019 và Nghị định về Quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018) của Chính phủ.

Thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội theo đúng quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Kỳ vọng mùa lễ hội 2019 an toàn khi Nghị định 110 đi vào đời sống - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ VHTTD Trịnh Thị Thủy tại buổi Triển khai công tác lễ hội năm 2019

Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, bộ, ngành Trung ương cũng được chú trọng triển khai và có hiệu quả, cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành liên quan trong việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý và sử dụng đồng tiền Việt Nam mệnh giá nhỏ tại các di tích, lễ hội đạt hiệu quả; Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải... tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời định hướng các cơ quan truyền thông tuyên truyền những nét đẹp văn hóa trong lễ hội và kịp thời đưa tin công tác chỉ đạo tổ chức chức lễ hội năm 2019.


Kỳ vọng mùa lễ hội 2019 an toàn khi Nghị định 110 đi vào đời sống - Ảnh 3.

Các địa phương đã lên kế hoạch cụ thể và chi tiết để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019

Kiên quyết loại bỏ các hành vi, lễ hội không đúng mỹ tục

Triển khai các chỉ đạo của Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nhiều địa phương đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh.Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019 đã được UBND các địa phương lên kế hoạch cụ thể và triển khai tới các cơ quan có trách nhiệm. Tại TP Nam Định, nơi có lễ hội đền Trần - một trong những lễ hội lớn của miền Bắc có phong tục khai ấn, mùa lễ hội 2019 là năm thứ 8 lễ hội đền Trần thay đổi giờ phát ấn (từ 23 giờ 30 phút đêm 14 tháng Giêng âm lịch chuyển sang 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng). Sự thay đổi này tạo nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong mùa lễ hội 2018 không còn tình trạng dẫm đạp lên nhau để tranh cướp ấn, cướp lộc hoặc tung tiền vào các nơi thờ tự, nhất là khi địa phương bố trí hợp lý các vòng kiểm soát an ninh, lắp camera giám sát cũng như công tác tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, loa đài để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm của người dân và du khách...


Kỳ vọng mùa lễ hội 2019 an toàn khi Nghị định 110 đi vào đời sống - Ảnh 4.

Nhiều phương án đặt ra nhằm đảm bảo an toàn, an ninh lễ hội

Tại buổi họp báo về lễ hội đền Trần năm 2019, bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP Nam Định cho biết: "Việc đổi mới công tác quản lý tổ chức lễ hội, trong đó có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành mang lại kết quả tích cực. Đặc biệt, việc lắp đặt camera tại khu vực đền Trần tạo thuận lợi cho ban tổ chức nhắc nhở kịp thời các hành vi vi phạm. Cán bộ, công chức của tỉnh cũng không đi lễ hội trong giờ hành chính...". Bà Phạm Thị Oanh cũng cho biết: "Sẽ kiên quyết chấn chỉnh, để mùa lễ hội 2019 hạn chế tối đa những hình ảnh chưa đẹp hoặc ứng xử kém văn minh tại lễ hội đền Trần".

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Đền Trần- Chùa Tháp (Nam Định) cho biết: Từ khi Nghị định 110 của Chính phủ được ban hành, đã giúp các địa phương nói chung và UBND Phường Lộc Vượng, Ban quản lý di tích lịch sử Đền Trần- Chùa Tháp nói riêng có sự quản lý đi vào nề nếp, bài bản hơn. Đó là nhờ sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước trên cơ sở Nghị định. Từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các cấp chính quyền đã có một công cụ quản lý để giúp cho công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội được hiệu quả hơn. Chúng ta đã có một định hướng bằng công cụ pháp luật để văn hóa đi vào đời sống. Với những ý kiến của người dân, chúng ta có Nghị định để giải thích, để hướng dẫn và làm theo, như vậy, chắc chắn công tác quản lý sẽ tốt hơn. Đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân khi tham gia lễ hội.

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Đền Trần- Chùa Tháp (Nam Định)

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội khẳng định, trong mùa lễ hội 2019, những vấn đề tiêu cực sẽ tiếp tục được hạn chế tối đa. Công tác cấp phép tổ chức lễ hội sẽ được siết chặt, những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức... sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tham vấn ý kiến cộng đồng, các chuyên gia để lựa chọn hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Những hành động phản cảm, tiêu cực, như: Tranh cướp lộc bạo lực; đốt vàng mã quá nhiều… cũng có các giải pháp chủ động, quyết liệt hơn để xóa bỏ.

Năm 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các địa phương. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh. Tăng cường phối hợp liên ngành, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia. Tăng cường kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội để mùa lễ hội 2019 thực sự đảm bảo an toàn, vui tươi, tạo không khí phấn khởi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của nhân dân”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy

Kỳ vọng mùa lễ hội 2019 an toàn khi Nghị định 110 đi vào đời sống - Ảnh 7.

Trước những văn bản yêu cầu chấn chỉnh kịp thời các hành vi chưa đúng với thuần phong mỹ tục, bảo đảm an ninh, an toàn, văn minh trong công tác quản lý tổ chức lễ hội của UBND thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao TP Hà Nội, nhiều quận, huyện có các lễ hội lớn và thu hút lượng lớn du khách đã rốt ráo triển khai kế hoạch. Theo ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Sóc 2019, năm nay nghi lễ rước và tế lễ được thực hiện giống với mùa lễ hội năm 2018 nhưng tổ chức sớm hơn (vào 6 giờ sáng). Riêng việc phát lộc sẽ đổi mới, sau khi lễ Thánh buổi sáng, lộc hoa tre và trầu cau sẽ đưa vào hậu cung bảo vệ cẩn thận, những người quản lý lễ vật tuyệt đối không được phát lộc khi chưa có ý kiến của ban tổ chức. Phẩm vật sẽ được chia nhỏ để phát lộc cho người dân và du khách vào khu vực này hành lễ sẽ được hướng dẫn theo thứ tự.

Kỳ vọng mùa lễ hội 2019 an toàn khi Nghị định 110 đi vào đời sống - Ảnh 8.

Hội chọi trâu Đồ Sơn nổi tiếng của Hải Phòng, mặc dù tận tháng 8 âm lịch mới diễn ra, nhưng cũng đã được địa phương này trình kịch bản tổ chức lễ hội với các phương án bảo đảm an ninh, an toàn ngay những ngày đầu năm. Trước khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2019 cũng sẽ không bán vé, không xẻ thịt trâu chọi để bán. Theo đại diện lãnh đạo huyện Phù Ninh (Phú Thọ): Năm nay sẽ dừng tổ chức lễ hội chọi trâu để triển khai nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đánh giá giá trị truyền thống chọi trâu của địa phương…

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, mùa lễ hội 2019, Nghị định về Quản lý và tổ chức lễ hội đã đi vào đời sống. Chính phủ đã quy định rất rõ, giao trách nhiệm cho tất cả các ngành, từ công an, y tế, giao thông đến văn hóa, thông tin và truyền thông… Trong các hoạt động đó, các ngành phải chủ động để xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực của mình./.

Hoàng Nguyên