Lại ồn ào chuyện thu học phí online: Phụ huynh cũng có quyền lên tiếng về những bất cập, nhưng nói sao cho “được việc”?

(Tổ Quốc) - Tối qua, lần đầu tiên sau 3 năm con bắt đầu đi học. Tôi, chồng tôi (và nhiều phụ huynh khác trong lớp của con tôi) đã có một đêm gần như thức trắng.

Đầu tháng 8, tại các thành phố lớn, trong lúc các trường công vẫn đang đóng cửa thì điện thoại của các phụ huynh cho con học trường tư rung bần bật. Thông báo liên tục trên các group phụ huynh là chương trình học "ngay và luôn" cùng lộ trình học phí mới.

Những đứa trẻ hôm qua còn bị cấm rờ tới ipad, hạn chế laptop, tv thì nay để tiếp tục con đường học tập, mỗi ngày chuẩn bị dán mắt vào màn hình ít nhất là đôi ba tiếng để học.

Nếu học cấp 2, cấp 3 thì không nói làm gì. Đằng này các trường tiểu học, thậm chí lớp 1 cũng yêu cầu phụ huynh chuẩn bị máy tính, cài cắm phần mềm (cùng sự kiên trì và bình tĩnh vô hạn) để con bước vào kì học online.

Ồn ào chuyện học phí Online: Nói đi, đừng sợ? - Ảnh 1.

Những đứa trẻ hôm qua còn bị cấm rờ tới ipad, hạn chế laptop, tv thì nay để tiếp tục con đường học tập. Ảnh minh họa

Và đó là lúc những đêm khó ngủ bắt đầu…

Trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, có trường chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm tắt mic. Như muốn ngầm thông báo: Ở đây chúng tôi cung cấp dịch vụ 1 chiều. Mọi phản hồi trong lúc này là vô ích!

Ở các buổi trao đổi tiếp theo, khi nhận được câu hỏi thành phố đang thực hiện chỉ thị 16 không thể đi ra ngoài để in ấn hay mua sách vở, cô giáo trả lời rằng cứ ghi tất vào 1 cuốn cũng chẳng sao. Chương trình học năm mới, sách giáo khoa chưa có? Không lo, chúng ta ôn toàn bài cũ, toàn kiến thức cũ. Chưa học đến bài mới đâu mà sợ.

Chương trình học cả ngày ở trường từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều bị rút xuống còn tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Học phí trường thu 75%- 80%, phí cơ sở vật chất, dã ngoại không thiếu khoản nào. Trong thông báo học phí chỉ dẫn rõ cách rút hồ sơ học bạ làm sao cho nhanh gọn, bao gồm cả số điện thoại và cách liên hệ.

Những ý kiến trái chiều "được" đại diện phụ huynh khỏa lấp và phủ nhận một cách khéo léo. Khiến cho người ta không hiểu vị đại diện đó đứng về phía ai? Hay có lẽ nên đổi tên "Ban Phụ Huynh" thành "Ban đại diện nhà trường" cho nó đúng tính chất?

Các học sinh lớp 1 còn chưa biết viết ngơ ngác nhìn thấy bạn mới qua 1 ô zoom (đôi khi) nhòe tiếng. Cô viết mẫu chiếu trên zoom, các trợ giảng bất đắc dĩ canh me 2 bên xem con học gì, tối còn uốn chữ dạy lại.

Các buổi học đương nhiên vẫn diễn ra sau những đêm khó ngủ. Đã xác định, đã chọn lựa mãi cho con mới quyết định nhập trường, chẳng lẽ giờ nghỉ ngang. Những buổi học ồn ào trong tiếng mèo kêu chó sủa, em nhỏ khóc, tiếng họp ồm ồm của bố, tiếng gọi cửa lộc cộc ship nhu yếu phẩm, tiếng loa phường oang oang cảnh báo người dân ở yên trong nhà…

Ồn ào chuyện học phí Online: Nói đi, đừng sợ? - Ảnh 2.

Dĩ nhiên, cuộc chiến với Covid vẫn còn kéo dài, mỗi người đều phải thích nghi để có thể tiếp tục tiến lên. Bố mẹ thì làm việc online (và cầu mong lương đừng bị cắt giảm) và các con cũng cần trưởng thành trong tình hình mới. Nhưng vội vàng tổ chức học ngay trong tháng 8, khi bệnh dịch căng thẳng, chỉ để học lại bài cũ thì có nên không? Kể cả đó là chương trình mới, thì lùi lại thêm 1 tháng cuộc sống ổn định lại một chút cũng có "chết ai"?

Chương trình học tháng 8 là chương trình không bắt buộc của Bộ GD-ĐT, các trường tư được phép tự quyết định. Mỗi quyết định của từng trường trong tháng 8 này đều ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi học sinh, mỗi gia đình, và đương nhiên, cũng vô cùng ảnh hưởng đến hình ảnh của trường.

Kinh tế đi xuống, thu nhập của phụ huynh và nguồn thu của những ngôi trường tự chủ kinh tế đều bị ảnh hưởng. Sự san sẻ là cần thiết. Nhưng sự san sẻ đó không nên đến từ những quyết định "ép uổng" mang tính 1 chiều.

Kinh tế đi xuống, thu nhập của phụ huynh và nguồn thu của những ngôi trường tự chủ kinh tế đều bị ảnh hưởng. Sự san sẻ là cần thiết. Nhưng sự san sẻ đó không nên đến từ những quyết định "ép uổng" mang tính 1 chiều.

Nhà trường cũng đừng nên tỏ thái độ "tiễn" phụ huynh khi họ có ý kiến về vấn đề học phí. Chọn được 1 ngôi trường cho con là 1 quá trình dày công tìm hiểu, cân nhắc và đặt niềm tin. Không phải chọn cái áo cái quần mà bảo thấy chán quá nóng quá bí quá mai không mặc nữa. Bao nhiêu nỗi lo khi muốn chuyển trường cho con: Môi trường mới có tốt hơn không hay tệ đi, con có bị lạ cô lạ bạn mà trở nên khép kín, có lẽ suy nghĩ này chỉ là bộc phát - chờ dịch dã qua đi rồi mọi thứ lại đâu vào đó cả thôi?

Có lẽ chính vì những tâm tư ấy mà nhà trường, nhất là những trường "có danh tiếng" chút ít dường như không ngại chuyện trả học bạ nhanh chóng cho học sinh và khiến phụ huynh e ngại đưa ra ý kiến.

Thế nhưng, phụ huynh cũng có quyền lên tiếng trước những bất cập. Đừng sợ con cái bị trù dập, đừng sợ bản thân khác người. Sự thẳng thắn bao giờ cũng là chuyện nên làm. Khi bạn đã suy xét và cảm thấy bất hợp lý, hãy lên tiếng. Nhưng nói sao cho "được việc" thì cũng cần "lên kế hoạch" rõ ràng. 

Đừng chỉ bức xúc "cho vui"

Đầu tiên, điều tối quan trọng, một tiếng nói không bao giờ làm nên chuyện. Sức mạnh đến từ cộng đồng. Hãy "gom nhóm" với những người có cùng quan điểm như bạn. Nếu trong nhóm đó có trưởng ban phụ huynh càng tốt, không có cũng không sao.

Ồn ào chuyện học phí Online: Nói đi, đừng sợ? - Ảnh 3.

Phụ huynh cũng có quyền lên tiếng trước những bất cập. Đừng sợ con cái bị trù dập, đừng sợ bản thân khác người. Ảnh minh họa

Nhóm cần họp lại đưa ra kế hoạch cụ thể bao gồm các bước: 

1. Chốt thông điệp gửi lên nhà trường (giảm học phí, lùi lịch học, tăng/ giảm giờ học…).

2. Gia tăng số lượng thành viên đại diện từ các lớp, các khối.

 3. Thu thập tổng hợp ý kiến đưa lên nhà trường. Chuẩn bị đủ tài liệu, lý lẽ, ứng xử văn minh khi được "mời" đến trường để trao đổi.

Các bước trên nói thì dễ nhưng để làm là 1 quá trình dài và cần sự kiên nhẫn cao độ. Nhiều phụ huynh đã "tặc lưỡi" bỏ cuộc vì nản. Nhưng nếu làm được, bạn sẽ có 1 cộng đồng phụ huynh lớn mạnh và không bị phụ thuộc bởi các chỉ đạo 1 chiều.

Cuối cùng thì, vẫn hy vọng những ngày bình yên sẽ sớm đến với chúng ta. Đường phố lại nhộn nhịp và những đứa trẻ lại được tung tăng cắp sách đến trường, gặp lại bạn bè thầy cô bằng xương bằng thịt.

Mai Phương

Tin mới