Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Đạo đức là một trong những nhân tố nền tảng của đời sống xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, pháp luật... Hiểu theo nghĩa rộng, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, hiểu theo nghĩa hẹp, đạo đức là tập hợp những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị mà mỗi con người thể hiện trong ý thức và hành vi của mình. Đạo đức thể hiện một phần tính cách, ứng xử, thái độ, bổn phận, trách nhiệm của con người. Chính vì vậy, đạo đức đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội và góp phần duy trì ổn định xã hội.

Làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức hiện nay?

(Tổ Quốc) - Đạo đức là một trong những nhân tố nền tảng của đời sống xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, pháp luật... Hiểu theo nghĩa rộng, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, hiểu theo nghĩa hẹp, đạo đức là tập hợp những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị mà mỗi con người thể hiện trong ý thức và hành vi của mình. Đạo đức thể hiện một phần tính cách, ứng xử, thái độ, bổn phận, trách nhiệm của con người. Chính vì vậy, đạo đức đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội và góp phần duy trì ổn định xã hội.

LTS: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau Đại hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ VHTTDL. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu toàn ngành VHTTDL phải quyết liệt hành động, có khát vọng cống hiến, đưa ngành VHTTDL từng bước phát triển, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Trước những quyết sách lớn của ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự ủng hộ và tham gia nhiều ý kiến nhằm "hiến kế" cho ngành VHTTDL phát triển. Báo điện tử Tổ Quốc xin trân trọng giới thiệu những bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến độc giả. Dưới đây là bài viết của GS.TS. Từ Thị Loan- Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức hiện nay - Ảnh 1.

Khác với quy phạm pháp luật mà việc tuân thủ chúng do các cơ quan nhà nước duy trì và kiểm tra, đạo đức dựa trên phong tục, tập quán, truyền thống, lương tâm, được điều tiết bởi dư luận và tác động của xã hội. Đạo đức giúp con người ta phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, thiện - ác, chính nghĩa - gian tà, thành thực - giả dối, lương tâm - vô lương..., từ đó định hướng ý thức, hành vi, cách ứng xử trong đời sống. Như vậy, bên cạnh những định chế, chế tài mang tính cưỡng bức của "pháp trị" thì tinh thần tự giác, tự nguyện trong "đức trị" là một kênh bổ sung quan trọng giúp cho việc quản lý, điều hành đất nước được hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có một truyền thống đạo đức lâu đời. Đạo lý, tình thương, lẽ phải vẫn là những định hướng đạo đức cốt lõi của con người Việt Nam. Các tấm gương đạo đức tốt đẹp vẫn hằng ngày xuất hiện trong mọi tầng lớp nhân dân, từ các bậc trí giả đến những người lao động bình dị. Các giá trị đạo đức được thể hiện trong thái độ sống, lẽ sống, trong tinh thần tự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, ở những nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa, hướng về cội nguồn, nhường cơm sẻ áo. Cả nước cưu mang giúp đỡ đồng bào vùng bão lụt, thiên tai, nạn nhân chất độc da cam, tấm lòng từ thiện dành cho ng­ười cô đơn, nghèo khổ, mắc bệnh hiểm nghèo, những cảnh đời bất hạnh... Những sự giúp đỡ vật chất và tinh thần ấy thuộc đủ các giai tầng, giới tính, lứa tuổi, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc và tính nhân văn sâu sắc của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, trong cơn lốc của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề đạo đức trong xã hội Việt Nam cũng đang chịu những tác động nhiều chiều, mạnh mẽ, có những diễn biến phức tạp, thậm chí là có biểu hiện xuống cấp, tha hóa. Tổng kết tình hình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua, Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhận định: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng". Kết quả một cuộc điều tra xã hội học tại ba thành phố lớn ở ba miền là Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đa số người dân đánh giá sự xuống cấp đạo đức ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động (chiếm tới 53.0%) và trầm trọng (25.8%), một bộ phận cho rằng cần phải có biện pháp ngăn chặn ngay (17.3%), chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cho là ở mức độ bình thườngkhông đáng lo ngại (dưới 2.0%)1. Như vậy, có thể thấy sự suy thoái, xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện nay là một thực trạng đáng báo động và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức hiện nay - Ảnh 2.

GS.TS Từ Thị Loan

Sự xuống cấp ấy được thể hiện vô cùng đa dạng ở mọi lĩnh vực, mọi hình thức: Đó là lối sống buông thả, hưởng lạc, sa đọa hoặc vị kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; thói dối trá, đạo đức giả; thói làm ăn phi pháp, bất chính; thói gian lận trong học hành, bằng cấp; các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội… len lỏi vào các cơ quan công quyền, thậm chí ở cả những cơ quan quyền lực cao nhất. Đạo đức nghề nghiệp sa sút ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như: y tế, giáo dục, luật pháp, báo chí… Các tệ nạn xã hội từ bạo lực, tống tiền, giết người, cướp của đến cờ bạc, nghiện hút, mại dâm...có chiều hướng lan rộng. Một bộ phận người dân dù bị xã hội lên án vẫn sử dụng hóa chất, phụ gia độc hại vào lương thực, thực phẩm.Vì danh lợi người ta sẵn sàng chà đạp tình nghĩa, đạo lý, nhân phẩm. Đạo đức học đường cũng có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, từ bạo lực học đường, hành xử thiếu văn hóa đến gian lận, dối trá trong thi cử, bệnh thành tích, lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu. Trong gia đình thì bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, cha mẹ ít quan tâm giáo dục đạo đức cho con cái, chỉ chăm lo phát triển vật chất và trí tuệ, nhiều gia đình không còn là tổ ấm, tế bào lành mạnh của xã hội. Đặc biệt, sự suy thoái về đạo đức, tha hóa về nhân cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, qua tổng kết của các kỳ Đại hội Đảng ngày càng phát triển với ba cái hơn: "phổ biến hơn", "tinh vi hơn", "nghiêm trọng hơn". Các phương tiện thông tin đại chúng đã phải dùng nhiều "hắc từ" để chỉ hiện tượng đó như: "quốc nạn", "vấn nạn", "giặc nội xâm", "bệnh làm nghèo" đất nước...

Nhiều nhà hoạt động văn hóa phải lên tiếng cảnh báo về sự trượt dốc của nhân tình thế thái trong xã hội Việt Nam. Theo họ, tình hình xuống cấp đạo đức hiện nay đã rất nghiêm trọng, không thể xem thường, là hiện tượng bất bình thường, một sự phản phát triển, sự vận động thụt lùi vô cùng nguy hại, có thể dẫn tới phá huỷ, bào mòn các nền tảng tinh thần của xã hội. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mọi lĩnh vực của quốc gia, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, giáo dục, pháp luật…, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 33 đã nêu ra là phải nhanh chóng "ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội".

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, xuống cấp đạo đức ở Việt Nam hiện nay. Một số ý kiến nhìn nhận ở tầm vĩ mô, cho rằng đó là mặt trái của kinh tế thị trường, cái giá phải trả của hiện đại hóa và toàn cầu hóa…

Tuy nhiên, nhìn từ phương diện văn hóa, có thể lý giải một số nguyên nhân chính như sau. Trước hết, đó là sự đứt gãy của đạo đức truyền thống trong quá trình phát triển nóng sang xã hội hiện đại. Các giá trị đạo đức cũ không còn thích hợp, bị giải thể, "giải cấu trúc", trong khi các giá trị đạo đức mới đang hình thành, chưa được củng cố, định hình, dẫn đến những "lệch chuẩn", sự đảo lộn các giá trị, làm tan rã, hủy hoại các giá trị truyền thống.

Văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử trong môi trường công cộng còn nhiều tồn tại

Thứ hai là công cuộc giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa phù hợp, chưa hiệu quả, mới thiên về "dạy chữ", dạy nghề mà chưa chú trọng đúng mức đến việc "dạy người", giáo dục đạo đức cá nhân, đạo đức công dân.

Thứ ba là các thiết chế xã hội, các mô tế bào cơ bản như gia đình, làng xã không còn giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát, điều chỉnh, uốn nắn đạo đức cá nhân. Khoảng cách thế hệ, sự rạn nứt trong quan hệ giữa người với người, sự tiếp thu xô bồ văn hóa ngoại nhập dẫn tới những ứng xử bất chấp cả chuẩn mực đạo lý lẫn chuẩn mực pháp lý.

Thứ tư là văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt vai trò giáo dục, điều chỉnh đạo đức. Chức năng quan trọng của văn hóa nghệ thuật là "giáo hóa", cảm hóa con người, thu phục nhân tâm, bồi bổ tâm hồn, giáo dục những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Nhưng chức năng đó hiện đang bị suy giảm khá mạnh, một phần do chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, mặt khác là do sự cạnh tranh của các hình thức giải trí vô cùng đa dạng trong xã hội hiện đại.

Thứ năm là các cơ quan báo chí, truyền thông chưa làm tròn vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức về đạo đức; còn thiên về phản ánh những phương diện tiêu cực trong xã hội, chạy theo mục tiêu thương mại và giải trí, chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, bảo vệ cái tốt cái đúng, nêu gương người tốt việc tốt.

Trước hết, đó là sự đứt gãy của đạo đức truyền thống trong quá trình phát triển nóng sang xã hội hiện đại. Các giá trị đạo đức cũ không còn thích hợp, bị giải thể, "giải cấu trúc", trong khi các giá trị đạo đức mới đang hình thành, chưa được củng cố, định hình, dẫn đến những "lệch chuẩn", sự đảo lộn các giá trị, làm tan rã, hủy hoại các giá trị truyền thống.

GS.TS Từ Thị Loan

Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác đến từ các phương diện kinh tế, xã hội, pháp luật như: những bất cập về thể chế kinh tế-xã hội; năng lực quản lý và điều hành đất nước còn non yếu, tạo kẽ hở cho các tiêu cực về đạo đức hoành hành; kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, pháp luật chưa được thượng tôn; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu gương về đạo đức để xã hội noi theo…

Làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức hiện nay - Ảnh 5.

GS.TS Từ Thị Loan



Từ việc nhìn nhận đầy đủ, khách quan bức tranh thực trạng và nguyên nhân căn cốt của sự xuống cấp đạo đức đó, có thể đưa ra một hệ thống các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Về cơ bản, bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô như: tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để không tạo điều kiện cho những tham nhũng, hối lộ, vi phạm đạo đức; nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước; đẩy mạnh dân chủ hóa, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương xã hội; nêu cao vai trò đầu tầu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo và cán bộ đảng viên..., thì ngành văn hóa cần tập trung vào các giải pháp "từ văn hóa" và "bằng văn hóa" chủ yếu như sau:

Một là, hoàn thiện thể chế văn hóa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức và xây dựng nền đạo đức mới. Ban hành các khung chuẩn mực đạo đức, tiêu chí đánh giá đạo đức, các Bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực, làm căn cứ để đánh giá, xếp loại các cá nhân và hoạt động nghề nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, của văn nghệ sĩ trong xây dựng đạo đức xã hội. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật phải trở thành công cụ đắc lực giáo dục ý thức đạo đức, lẽ sống, niềm tin, trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm, phẩm giá của con người. Các văn nghệ sĩ phải là lực lượng nòng cốt trong giáo dục đạo đức, là hiện thân của những nhân cách văn hóa, hướng con người tới khát vọng chân, thiện, mỹ, giúp thanh lọc tâm hồn, thức tỉnh phần nhân văn trong con người.

Ba là, đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu, vào thực chất, thực sự phát huy được vai trò của các cộng đồng làng xã, khu dân cư, các thiết chế xã hội trong việc giám sát và điều chỉnh đạo đức, hành vi, ứng xử của các cá nhân và tập thể.

Gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng, rèn giũa đạo đức con người

Bốn là, phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng, rèn giũa đạo đức cá nhân. Gia đình là chiếc nôi quan trọng tạo dựng nhân cách con người, là tế bào của xã hội. Đạo đức của gia đình tốt thì đạo đức của toàn xã hội mới tốt.

Năm là, đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục đạo đức. Việc giáo dục đạo đức phải sinh động, hiệu quả, không là những điều cao siêu, giáo điều, xa rời thực tế, mà là những gì gắn bó mật thiết với cuộc sống hôm nay. Bên cạnh việc giáo dục về tình cảm đạo đức, ý thức đạo đức cần đồng thời rèn luyện các hành vi đạo đức, thực hành đạo đức ngay trong đời sống thực tại.

Sáu là, nêu cao vai trò của truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục các khuôn mẫu đạo đức. Các phương tiện truyền thông phải phát huy tối đa vai trò "quyền lực thứ tư" trong sự nghiệp xây dựng đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân.

Tựu trung, tình trạng xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay là rất đáng báo động và việc ngăn chặn, đẩy lùi đang đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá thực trạng đó một cách khách quan, bình tĩnh, không tô hồng, né tránh, cũng không quá bi quan, cường điệu. Công cuộc xây dựng đạo đức trước hết phải bắt đầu từ văn hóa và bằng văn hóa. Tuy nhiên, sự nghiệp này không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ và các điều kiện khác về kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật, giáo dục… Do vậy, xây dựng đạo đức, chống xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện nay là công việc khó khăn, lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội./.