(Tổ Quốc) - Trong đời sống đương đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi dân tộc, địa phương. Tại Đà Nẵng, đồng bào Cơ Tu đã đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, quảng bá và lan tỏa đến du khách trong, ngoài nước.
Trong không gian sinh hoạt nhà Gươl tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, già trẻ, gái trai đồng bào Cơ Tu khoác lên mình trang phục thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, trình diễn điệu múa tung tung da dá truyền thống chào đón du khách.
Đây là một điệu múa đẹp, vui nhộn, thu hút nhiều người tham gia, cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nam và nữ, mà theo người dân nơi đây là sự tượng trưng cho “âm, dương trong vũ trụ”. Người Cơ Tu mặc định với nhau rằng, "tung tung" là điệu múa của đàn ông, con trai, còn "da dá" là điệu múa của đàn bà, con gái. Nó thể hiện khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn vươn lên tầm cao mới, mong cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi con người.
Là người Cơ Tu trẻ tham gia đoàn văn nghệ, em Đinh Thị Thu Thanh (trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) bày tỏ niềm vui khi có cơ hội giới thiệu đặc trưng văn hóa dân tộc mình đến với mọi người, đóng góp vào công cuộc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Cơ Tu trong thời điểm hiện nay.
Theo Thu Thanh, điệu múa tung tung da dá thường được biểu diễn vào dịp mừng lúa mới, vụ mùa bội thu; đám cưới; các lễ hội như đâm trâu, dựng làng, dựng nhà Gươl; đặc biệt là dịp Tết,… "Từ khi được biểu diễn phục vụ du khách, chúng tôi phần nào khôi phục điệu múa, không sợ vũ điệu này bị mai một nữa. Đồng thời người dân có thêm công ăn việc làm, đời sống kinh tế dần được cải thiện", Thu Thanh bày tỏ.
TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 1.500 người dân tộc Cơ Tu, sinh sống chủ yếu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thuộc huyện Hòa Vang. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Cơ Tu nơi đây vẫn lưu giữ, bảo tồn, phục dựng được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng như trang phục truyền thống, nhà Gươl, nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng, hát lý, nói lý, múa tung tung da dá,… từ đó trở thành “một bảo tàng sống” với tầng tầng lớp lớp giá trị văn hóa đặc sắc.
Ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, cho hay những năm qua, việc bảo tồn văn hóa cộng đồng Cơ Tu của địa phương tập trung vào đối tượng Già làng và những nghệ nhân, là vai trò nòng cốt để truyền đạt, nhắc nhở đến người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của nhà nước.
Theo ông Tân, người Cơ Tu đang cởi mở tiếp nhận những yếu tố mới để làm giàu văn hóa của mình, loại bỏ dần những yếu tố không còn phù hợp. Tuy nhiên, nguy cơ thất truyền, mai một của các loại hình di sản văn hóa, phong tục, lễ hội của đồng bào Cơ Tu vẫn còn hiện hữu trước áp lực của sự phát triển, hội nhập.
"Già làng và những nghệ nhân là những người trực tiếp trao truyền văn hóa cho thế hệ sau trong chương trình bảo tồn văn hóa", ông Tân nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm rằng cộng đồng người Cơ Tu đã chung sức cùng chính quyền tổ chức nhiều hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa của mình.
Tháng 4/2023, huyện Hòa Vang đã tổ chức buổi liên hoan, tạo sự kết nối giữa đồng bào Cơ Tu và du khách, biểu diễn điệu múa tung tung da dá, trình diễn cồng chiêng đầy âm hưởng của núi rừng; nghi thức kết nghĩa độc đáo. Qua đó cũng giúp đồng bào củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết của cộng đồng mình.
Đặc biệt, cuối năm 2023, đồng bào Cơ Tu Đà Nẵng vinh dự đại diện cho dân tộc Cơ Tu ở miền Trung tham gia Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Một trong những người tham gia Ngày hội, chị Bùi Thị Hạnh, Phó Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) phấn khởi nhớ lại, đoàn Đà Nẵng được tham gia hoạt động, từ trình diễn văn nghệ, trang phục truyền thống, cây nêu, đến trưng bày, giới thiệu ẩm thực,... "Thông qua Ngày hội, bà con đã học hỏi, rút ra kinh nghiệm để áp dụng trong phát triển văn hóa gắn với du lịch ở địa phương", chị Thanh vui mừng.
Khu du lịch Núi Thần Tài nằm tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, nơi có phần lớn đồng bào Cơ Tu sinh sống. Nhiều năm qua, khu du lịch này hoạt động theo phương châm kinh doanh gắn liền với giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, cụ thể là nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
Vào các dịp lễ lớn hoặc những sự kiện quan trọng, Khu du lịch Núi Thần Tài luôn lồng ghép hoạt động tham quan, vui chơi và trải nghiệm những buổi biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc của đồng bào Cơ Tu. Từ đó, nhiều du khách biết đến những giá trị văn hóa của bà con dân tộc ở xã Hòa Phú, đời sống người dân theo đó dần được cải thiện.
Anh Trần Quốc Toàn, 29 tuổi, hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành ở Hội An (Quảng Nam), bày tỏ sự ấn tượng khi thưởng thức điệu múa tung tung da dá của đồng bào Cơ Tu tại Khu du lịch này.
Anh Toàn theo đoàn khảo sát tour cho khách du lịch, cho rằng các nam thanh nữ tú Cơ Tu mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, chân bước uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng mang đến sự thú vị lạ kỳ. “Họ xếp thành một vòng tròn, nếu vẫn dư người múa thì tạo thêm một vòng tròn khác, nhưng luôn tuân nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Đặc biệt là du khách cũng được tham gia hoạt động biểu diễn văn nghệ”, anh Toàn chia sẻ.
Đứng cạnh anh Toàn, chị Nguyễn Thu Thủy, đến từ Hà Nội cùng nhóm bạn người Hàn Quốc cho biết thấy “mãn nhãn” với vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu. Chị Thủy cho rằng, nhiều người dân trong nước cũng chưa biết về điệu múa tung tung da dá, không riêng du khách nước ngoài, việc các khu du lịch như Núi Thần Tài lồng ghép vào hoạt động tham quan mang đến rất nhiều ý nghĩa, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước.
“Tôi thích nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng và cảm nhận rằng người Cơ Tu khi thể hiện "vũ điệu dâng trời" này tức là họ gửi lời cầu nguyện tới thần linh và tổ tiên. Văn hóa các dân tộc trên khắp đất nước mình thật phong phú, đa dạng”, chị Thủy nói.
Theo bà Lê Thị Bích Hương - Giám đốc phụ trách truyền thông và marketing Khu du lịch Núi Thần Tài, điểm đến này luôn cố gắng đổi mới, phát triển nhiều hạng mục vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe để hấp dẫn du khách.
Theo thống kê, dịp cuối tuần mùa cao điểm, Khu du lịch Núi Thần Tài đón khoảng 8.000 du khách/ngày. Việc duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào, trong đó có việc lan tỏa tung tung da dá đến đông đảo du khách gần xa đã góp phần quảng bá thêm nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trong lòng du khách trong và ngoài nước.
“Du khách rất thích chương trình biểu diễn nghệ thuật tung tung da dá và tham gia hòa chung vũ điệu này. Nhiều khoảnh khắc đáng yêu của du khách đã được chúng tôi lưu lại, họ rất hào hứng với nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu”, bà Hương nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ khu dân cư thôn Phú Túc, bày tỏ niềm vui khi các khu du lịch trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu. Đời sống của bà con được nâng lên, có 25-30 thanh niên được nhận vào đội múa tung tung da dá, mang lại thu nhập hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày. Từ đó tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.
“Các khu du lịch góp phần thu hút du khách tới địa phương, giúp bà con có cơ hội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống, bản làng từ đó thêm phần rộn ràng. Chúng tôi cũng đang khôi phục nghề dệt thổ cẩm và tạc tượng gỗ để giới thiệu đến du khách trong cũng như ngoài nước”, ông Nghĩa nói thêm.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, vũ điệu tung tung da dá thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, hình thể, trang phục; đồng thời truyền tải tâm tư, tình cảm và ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Cơ Tu.
Việc các khu điểm du lịch như Khu du lịch Núi Thần Tài đưa chương trình nghệ thuật tung tung da dá vào phục vụ du khách sẽ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố mong muốn các khu điểm đến khác tiếp tục đưa vào những sản phẩm mới, dịch vụ mới để thu hút và tăng sự trải nghiệm của du khách khi đến tham quan du lịch Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, những năm qua, huyện luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu trên địa bàn, trong đó triển khai đồng thời hai nhiệm vụ: phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa.
Từ năm 2023, Hòa Vang đã tập trung đào tạo, nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng cho người dân bản địa, nhất là nội dung dạy kỹ năng kể chuyện nguồn gốc văn hóa Cơ Tu với đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên người DTTS, chủ các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, còn mở những lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, các điệu lý, điệu múa dân tộc Cơ Tu.
Theo ông Dũng, những điệu múa, lời ca, tiếng hát của đồng bào Cơ Tu đang được bà con gìn giữ, phát huy giá trị, trình diễn vào dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, nghề truyền thống của người Cơ Tu cũng được khôi phục, cho ra những sản phẩm chất lượng, được thị trường đón nhận.
“Cộng đồng người Cơ Tu là chủ thể trong hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bà con luôn nỗ lực, nêu cao ý thức để phát huy bản sắc văn hóa, từ đó nâng cao đời sống cộng đồng”, ông Dũng chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Thu Trang - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng), năm 2022, UBND thành phố đã ban hành đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030”. Sở Văn hóa và Thể thao đã hỗ trợ trang bị nhạc cụ truyền thống; thiết bị tập luyện thể thao cho các thôn vùng đồng bào Cơ Tu; tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số. Sau hai năm triển khai, với sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội, đời sống văn hóa, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu được nâng cao rõ rệt.
Thông tin thêm về Đề án nêu trên, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, mục tiêu của Đề án đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Cùng với đó, 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận; 100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ Tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. 100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng các CLB văn hóa - văn nghệ truyền thống; được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60-70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu…
Đề án nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…/.