Loại hình dự án BĐS nào được gia hạn nộp tiền thuê đất theo Nghị định 41?

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, trong đó có lĩnh vực BĐS. Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Tp.HCM, Nghị định này không áp dụng cho tất cả các dự án BĐS, chỉ một vài trường hợp là đối tượng được hưởng từ việc gia hạn.

Theo Nghị định này, thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với cá nhân, doanh nghiệp là 5 tháng.

Nghị định nêu rõ, bên cạnh hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực là đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất thì còn có dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động kinh doanh BĐS…

Trao đổi với chúng tôi về việc đối tượng các doanh nghiệp BĐS được hưởng việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 lần này cụ thể như thế nào, Luật sư Trần Đức Phượng cho biết, trong Nghị định nêu rõ, căn cứ vào Quyết định và Hợp đồng thuê đất thì không phải tất cả các dự án, doanh nghiệp BĐS là đối tượng của Nghị định lần này.

Loại hình dự án BĐS nào được gia hạn nộp tiền thuê đất theo Nghị định 41? - Ảnh 1.

Luật sự Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư Tp.HCM

Cụ thể, với Nghị định 41, trong lĩnh vực BĐS thì chỉ một số dự án du lịch (không bán căn hộ du lịch, không nộp tiền thuê đất 1 lần) là đối tượng thực sự được áp dụng việc gia hạn tiền thuê đất.

Theo Hợp đồng thuê đất thì các dự án du lịch với đất thương mại dịch vụ theo quy định hiện nay được trả tiền thuê đất hàng năm là đối tượng được hưởng từ Nghị định 41. Ngay cả doanh nghiệp thuê đất hàng năm (đóng tiền thuê đất hàng năm) để làm văn phòng, trụ sở công ty vẫn được hưởng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định.

Còn các dự án BĐS du lịch, bao gồm condotel nộp tiền sử dụng đất 1 lần không được hưởng lợi từ Nghị định 41.

Bên cạnh đó, một số dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng không thuộc đối tượng của Nghị định này. Tức, các dự án tự bồi thường (bồi thường cho dân trước khi có quyết định phê duyệt dự án) qua hình thức nhờ cá nhân nhận chuyển nhượng mà không phải do công ty đứng tên, không trực tiếp thuê đất từ Nhà nước.

Luật sư Phượng lấy ví dụ, chẳng hạn như dự án du lịch của người dân hoặc Công ty nho nhỏ không làm theo dự án mà làm theo kiểu phê duyệt bằng cách nhận chuyển nhượng rồi xây dựng khách sạn lên thì không phải đối tượng của Nghị định 41.

Ngoài ra, các dự án nhà ở thuộc diện đất ở là đất được giao (đấu giá, hoặc giao đất không qua đấu giá), không phải là đất thuê, do đó không phải là đối tượng gia hạn theo Nghị định 41.

"Như vậy, với các doanh nghiệp, dự án nào làm đúng tư tưởng ban đầu theo Quyết định và Hợp đồng thuê đất của Nhà nước thì là đối tượng được hưởng từ Nghị định này còn doanh nghiệp nào "nhanh tay", doanh nghiệp mạnh đóng tiền sử dụng đất 1 lần thì không phải đối tượng", Luật sư Phượng tóm tắt.

Loại hình dự án BĐS nào được gia hạn nộp tiền thuê đất theo Nghị định 41? - Ảnh 2.

Theo vị Luật sư này, thực tế theo Nghị định 41 mà Chính phủ ban hành thì các doanh nghiệp BĐS được hưởng đúng theo quy định ít lắm. Đó phải là những doanh nghiệp làm đúng theo quy trình, lúc khó khăn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

“Nhìn khách quan thì Nghị định này không tác dụng nhiều đến doanh nghiệp BĐS nói chung, mà chỉ 1 số doanh nghiệp BĐS du lịch được hưởng. Hơn nữa, vấn đề là Nghị định này chỉ gia hạn cho doanh nghiệp trong vòng 5 tháng, hiệu quả với thị trường BĐS là không rõ nét. Mà BĐS hiện nay đang mong chờ cái khác”, Luật sự Phượng nhấn mạnh.

Khi hỏi đâu mới là giải pháp tháo “nút thắt” cho thị trường BĐS ở thời điểm này, Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, điểm vướng nhất của các dự án BĐS hiện nay là về thủ tục. Vì thế, phải có bước đột phá để gỡ về thủ tục thì thị trường mới được khơi thông. Hiện nay Tp.HCM phải ra được quy trình dự án nhà ở, hiện tại chưa có quy trình này thì chưa thể giải quyết được vướng mắc. Cách giải quyết có thể là tổ công tác duyệt một lúc 3-4 sở chẳng hạn.

“Nếu diễn biến dịch còn phức tạp thì về thủ tục pháp lý cũng phải đối xử với dự án, thị trường một cách nhanh chóng chứ không phải “câu nệ” như thủ tục như ngày trước nữa. Tóm lại, thủ tục pháp lý mới là vấn đề quan trọng với thị trường BĐS”, Luật sư Trần Đức Phượng nhấn mạnh.

Loại hình dự án BĐS nào được gia hạn nộp tiền thuê đất theo Nghị định 41? - Ảnh 3.

Hạ Vy - Nhịp Sống Kinh Tế

Tin mới