Loại rau nhỏ xíu là ‘kho’ dinh dưỡng, có tác dụng giảm đường huyết, bổ tim mạch nhưng ít người biết để dùng

Lam Chi | 01-04-2023 - 11:43 AM

(Ảnh: Ramona’s Cuisine)

Đây là một loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cực cao và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.

Rau mầm là những loại rau non, được thu hoạch chỉ sau vài ngày kể từ khi gieo hạt. Rau mầm được biết đến là loại rau giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều giá trị đối với sức khỏe. Nhiều người còn tin rằng ăn rau mầm có thể giúp giải quyết một số vấn đề sức khỏe.

Thông tin dinh dưỡng của rau mầm

Theo WebMD, một cốc (tương đương khoảng 240g) rau mầm cỏ linh lăng tươi có chứa: 8 calo, 1g protein, 1g chất béo, 1g carb, 1g chất xơ, 1g đường tự nhiên.

Các loại rau mầm cũng rất giàu canxi, kali, magiê, folat, beta-carotene. Rau mầm cũng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin K, loại vitamin thiết yếu đối với sự phát triển của bộ xương khỏe mạnh, quá trình đông máu và nhiều chức năng khác của cơ thể.

Lợi ích sức khỏe của rau mầm

Rau mầm rất giàu một số chất dinh dưỡng quan trọng. Mặc dù tỷ lệ cụ thể của các chất dinh dưỡng khác nhau tùy thuộc vào loại hạt rau, nhưng nhìn chung chúng đều chứa hàm lượng cao folate, magiê, phốt pho và vitamin K. Hàm lượng dinh dưỡng có trong rau mầm còn cao hơn hẳn so với các cây rau cùng loại khi trưởng thành.

Emily Ho, giáo sư dinh dưỡng và Giám đốc của Viện Linus Pauling tại Đại học bang Oregon (Mỹ), cho biết: "50 cốc súp lơ xanh mới có lượng dinh dưỡng bằng với 1 cốc mầm súp lơ xanh".

Loại rau nhỏ xíu là ‘kho’ dinh dưỡng, có tác dụng giảm đường huyết, bổ tim mạch nhưng ít người biết để dùng - Ảnh 1.

Hàm lượng dinh dưỡng có trong rau mầm còn cao hơn hẳn so với các cây rau cùng loại khi trưởng thành. (Ảnh: Shutterstock)

Hơn nữa, một số loại sản phẩm mầm rau, chẳng hạn như mầm đậu nành có nhiều protein hơn nhưng ít chất béo hơn so với các sản phẩm khác làm từ cùng hạt đậu nành.

Giảm lượng đường trong máu

Tờ WebMD thông tin những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn bằng cách ăn rau mầm. Các nghiên cứu cho thấy rau mầm có thể làm giảm lượng đường trong máu. Đây có thể là kết quả của hai quy trình riêng biệt.

Trước tiên, so với các loại hạt và ngũ cốc chưa nảy mầm, rau mầm từ các hạt đó có hàm lượng carbohydrate thấp hơn, từ đó giúp kiểm soát lượng insulin trong cơ thể. Ngoài ra, các enzym có trong rau mầm cũng giúp phân hủy carbohydrate.

Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa

Ăn rau mầm là một cách đơn giản để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Theo nhiều nghiên cứu, hàm lượng chất xơ có trong rau mầm tăng hơn đáng kể so với các loại hạt của rau. Hơn nữa, phần lớn chất xơ này là chất xơ "không hòa tan", hoạt động như một lợi khuẩn đường ruột, giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn "tốt" trong ruột. Những vi khuẩn này rất quan trọng để duy trì một hệ tiêu hóa ổn định, khỏe mạnh và có thể giúp giảm các triệu chứng như đầy hơi và khó tiêu.

Loại rau nhỏ xíu là ‘kho’ dinh dưỡng, có tác dụng giảm đường huyết, bổ tim mạch nhưng ít người biết để dùng - Ảnh 2.

Rau mầm là những loại rau non, được thu hoạch chỉ sau vài ngày kể từ khi gieo hạt. (Ảnh minh họa)

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Thêm rau mầm vào chế độ ăn uống là một cách để tăng cường sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ rau mầm có thể làm giảm mức cholesterol ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc béo phì. Một nghiên cứu khác cho thấy ăn rau mầm liên quan tới sự gia tăng cholesterol "tốt" HDL cũng như giảm chất béo trung tính và cholesterol "xấu" LDL. Mức cholesterol thấp hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và xơ vữa động mạch .

Lưu ý khi ăn rau mầm

Rau mầm giàu dinh dưỡng, thường được ăn sống nhưng cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó, khi mua rau mầm, nên chọn những rau còn tươi, bao bì chưa bị rách và bảo quản rau ở ngăn mát của tủ lạnh. Trước khi ăn, nên rửa sạch rau mầm và luôn rửa tay mình thật sạch trước khi động vào rau.

Nếu tự làm rau mầm tại nhà, cần lựa chọn hạt rau thật kỹ, mua hạt ở những nơi uy tín và cẩn trọng với quy trình làm rau.

(Nguồn: WebMD, American Heart Association)