• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lực lượng Quản lý thị trường: “Trong đại dịch, không có vùng cấm trong nhiệm vụ được giao”

Kinh tế 27/08/2021 17:19

(Tổ Quốc) - "Chúng tôi hiểu rằng, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lực lượng QLTT mới được Chính phủ, Bộ Công Thương trực tiếp giao cho trọng trách nằm ngoài quy định trong chức năng, nhiệm vụ. Chính vì vậy, toàn lực lượng QLTT đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng các cách làm mới... nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản theo mùa vụ tại thị trường nội địa", ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ.

Tại Bắc Giang, vải thiều năm nay thu hoạch sản lượng rất lớn, lên đến 180.000 tấn vào đúng thời điểm tỉnh này trở thành tâm dịch. Nhiều chính sách được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh của tỉnh Bắc Giang và các địa phương lân cận khiến người dân lo ngại một năm “vải rụng đỏ vườn”. Trước tình hình đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) dưới sự chỉ đạo trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân dưới nhiều hình thức, mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.

Lực lượng Quản lý thị trường: “Trong đại dịch, không có vùng cấm trong nhiệm vụ được giao” - Ảnh 1.

Lực lượng QLTT đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, suy nghĩ, vận dụng các cách làm mới, áp dụng hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ vải...

Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT về nội dung này:

-Thưa ông, chúng tôi từng rất bất ngờ khi nhận được thông tin Tổng cục Quản lý thị trường kết nối tiêu thụ vải thiều cho nhân dân Bắc Giang trong vụ mùa năm nay, bởi, đây không phải là nhiệm vụ chuyên môn được giao của lực lượng Quản lý thị trường, ông có thể chia sẻ về điều này?

+ Vụ vải thiều Bắc Giang rơi đúng vào thời điểm tâm dịch và căng thẳng nhất. Từng là một địa phương mạnh về các đơn hàng xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang đã có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, khi cả thế giới lao đao về dịch bệnh, Bắc Giang cũng không tránh khỏi khó khăn. Trước tình hình đó, cả nước đã cùng chung tay hướng về Bắc Giang.

Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước đối với các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ trưởng đã giao cho Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị tới lực lượng QLTT cả nước; chỉ đạo lực lượng QLTT tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường tại các địa phương...; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lời bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mặt hàng nông sản trên thị trường.

Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các địa phương, dù nhiệm vụ đó có không được quy định cụ thể trong chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường nhưng chúng tôi vẫn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi hiểu rằng, chỉ trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp thì lực lượng QLTT mới được Chính phủ, Bộ Công Thương trực tiếp giao cho trọng trách nằm ngoài quy định trong chức năng, nhiệm vụ. Chính vì vậy, toàn lực lượng QLTT đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, suy nghĩ, vận dụng các cách làm mới, áp dụng hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ tại thị trường nội địa.

Tôi cho rằng, trong đại dịch, không có "vùng cấm" trong nhiệm vụ được giao.

-Vì không phải là công tác nằm trong chức năng, nhiệm vụ được giao, vậy thực tế triển khai, các đơn vị có lúng túng trong quá trình thực hiện không, thưa ông?

+ Khi nhận nhiệm vụ được giao, Tổng cục Quản lý thị trường đã nhanh chóng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường địa phương bắt tay khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của từng tỉnh, từ đó dự toán số lượng vải thiều có thể tiêu thụ trong tỉnh. Qua đó, Tổng cục đã cam kết sẽ hỗ trợ kết nối, tiêu thụ cho toàn tỉnh Bắc Giang 3.000 tấn vải. Đây là một con số không hề nhỏ so với sản lượng vải thiều mùa vụ 2021 của Bắc Giang lúc bấy giờ.

Vì là nhiệm vụ mới nên nhiều Cục Quản lý thị trường cũng khá hoang mang, hồi hộp xen lẫn cảm giác lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo của từng cá nhân, đơn vị, bằng trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với người nông dân vùng dịch, toàn lực lượng QLTT đã nhanh chóng bắt tay triển khai để tìm ra phương án hỗ trợ tiêu thụ hữu hiệu nhất.

- Ông có thể chia sẻ những cách làm hay, những đơn hàng mà ông thấy ấn tượng nhất trong "nhiệm vụ chính trị" mà lực lượng Quản lý thị trường triển khai trong vụ vải thiều năm nay?

+ Phải nói rằng chúng tôi cũng khá bất ngờ trước phương pháp cũng như hiệu quả mà anh em trong toàn lực lượng đã triển khai đối với nhiệm vụ lần này.

Điển hình phải kể đến, trong lúc dịch bệnh, việc xuất khẩu gặp khó, bị ngưng trệ, phải tìm đầu ra trong nước thì chính anh em Quản lý thị trường Lạng Sơn lại kết nối thành công 02 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, mang về hợp đồng xuất khẩu với tổng sản lượng trên 570 tấn.

Tiếp đến là Cục Quản lý thị trường Hòa Bình đã sáng tạo trong việc kết hợp vận chuyển xe nông sản từ thiện, hỗ trợ bà con trong vùng dịch Bắc Giang, khi xe quay đầu thì sẽ trở vải thiều về tiêu thụ cho bà con nông dân tại địa phương.

Lực lượng Quản lý thị trường: “Trong đại dịch, không có vùng cấm trong nhiệm vụ được giao” - Ảnh 2.

Trên 5.000 tấn vải đã được lực lượng QLTT trên cả nước đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thành công. Con số này gấp gần 200% so với chỉ tiêu đặt ra lúc đầu.

Các đơn vị khác như Hà Nội, Lào Cai, Đắk Lắk, Bình Dương… cũng tổ chức các gian hàng online, bán hàng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất….

- Được biết số lượng vải thiều mà lực lượng Quản lý thị trường đã kết nối, tiêu thụ năm nay vượt xa so với kế hoạch ban đầu, thưa ông?

+ Sau hơn 01 tháng triển khai, ngày 31/7/2021, chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã chính thức kết thúc. Theo đó, trên 5.000 tấn vải đã được lực lượng QLTT trên cả nước đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thành công. Con số này gấp gần 200% so với chỉ tiêu đặt ra lúc đầu.

Đây là kết quả vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Bởi, đây là chương trình lần đầu tiên toàn lực lượng tham gia với vai trò kết nối, hỗ trợ tiêu thụ, đặc biệt trong điều kiện không bình thường, mọi thứ đều rất khó khăn. Thông qua những hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi thể hiện tấm lòng tương thân tương ái của mình đối với đồng bào cả nước, trách nhiệm của mỗi cá nhân công chức QLTT đối với cộng đồng và xã hội. Hy vọng rằng, nỗ lực của lực lượng QLTT sẽ góp phần giảm bớt áp lực và gánh nặng cho việc tiêu thụ nông sản của bà con nhân dân các địa phương đang gặp khó khăn.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ