Lý giải nguyên do khiến hàng triệu người Hồng Kông (Trung Quốc) không chịu tiêm vắc xin Covid-19

(Tổ Quốc) - Người dân tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) có quyền lựa chọn tiêm vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất hoặc Pfizer-BioNTech của phương Tây. Tuy nhiên, họ vẫn từ chối tới các điểm tiên chủng, khiến nhiều ống thuốc sắp hết hạn.

Tất cả người dân trên 16 tuổi tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc đều có quyền tiêm vắc xin miễn phí. Mọi người chỉ cần đặt lịch thông qua trang web của Chính quyền. Có 29 điểm tiêm chủng rải rác khắp thành phố, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận. Thậm chí, họ cũng không buộc phải sử dụng vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất mà có thể lựa chọn Pfizer-BioNTech, loại vắc xin hiệu quả nhất thế giới.

Theo Bloomberg, Đặc khu Hành chính này đủ vắc xin tiêm cho 11,6% trong 7,5 triệu dân của mình kể từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, nghịch lý lại đang xảy ra. Ở Hồng Kông, có quá nhiều liều vắc xin sắp sửa hết hạn sau khi người dân từ chối tiêm chủng. Cuối tuần vừa qua, chỉ có chưa tới 9.000 người đặt lịch tiêm dù chúng rất dễ dàng và hoàn toàn miễn phí.

Trong khi các nền kinh tế phát triển như Đức, Anh và Mỹ chỉ xuất hiện tình trạng nghi ngờ vắc xin sau khi tiêm chủng hàng loạt, Hồng Kông đã phải đối mặt với sự hoài nghi này ngay từ đầu. Hàng loạt vấn đề nổi cộm ở đặc khu hành chính này khiến người dân tỏ ra không tin tưởng.

Việc người dân từ chối tiêm vắc xin khiến ngày Hồng Kông trở lại bình thường rất xã xôi. Trong khi đó, vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông cũng bị tổn hại. Tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia buộc phải xem xét lại kế hoạch mở cơ sở tại đặc khu hành chính này.

Ngoài ra, việc Hồng Kông ngăn chặn khá thành công đại dịch Covid-19 khiến người dân không quá sợ hãi với con virus này. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 12.000 ca mắc Covid-19 ở Hồng Kông và 210 trường hợp tử vong. Rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực có tỷ lệ mắc cao hơn rất nhiều.

Trong số các vấn đề đã nêu ra, niềm tin của người Hồng Kông dành cho Chính quyền là điều khó giải quyết nhất. Các chính sách mạnh tay của Bắc Kinh cùng một chính quyền được thành lập không thông qua bầu cử khiến một bộ phận người Hồng Kông nghĩ rằng quyền tự do chính trị quan trọng của họ bị xói mòn.

"Tôi sẽ không tiêm vắc xin vì tôi và bạn bè mình không muốn tuân theo bất cứ khuyến nghị nào từ Chính quyền. Tôi không tin bất cứ thứ gì họ nói. Chúng tôi sẽ phản đối bằng mọi cách có thể", một học sinh 16 tuổi tên Chau chia sẻ.

 Với các cuộc biểu tình kéo dài suốt nhiều năm qua, người Hồng Kông không chỉ hoài nghi việc tiêm vắc xin mà còn đặt ra thuyết âm mưu với bất kỳ sáng kiến y tế cộng đồng nào có liên quan đến Chính quyền Đặc khu. Ngoài ra, việc các sự cố tử vong ở những người đã tiêm vắc xin cũng được thông tin rộng rãi dù có rất ít trong số đó liên quan tới tiêm chủng.

Để khuyến khích mọi người tiêm phòng, Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã nới lỏng nhiều quy định với những người đã tiêm vắc xin, chẳng hạn như cho họ đến quán bar và tụ tập thành nhóm lớn trong các nhà hàng. Bong bóng du lịch với Singapore cũng chính thức được triển khai vào cuối tháng này với điều kiện đầu tiên là hành khách đã phải tiêm vắc xin.

Linh Anh

Tin mới