Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Người Argentina phần lớn không “ưa” Messi vì anh quá hoàn hảo, hiền lành và kín tiếng. Nhưng sau trận thắng Hà Lan ở tứ kết World Cup 2022, tất cả đã xoay chuyển 180 độ, chỉ vì M10… nổi giận như “một gã Rosario chính hiệu”.

Sau trận tứ kết giữa Argentina - Hà Lan hôm 9/12, Lionel Messi nhìn về phía tiền đạo Wout Weghorst (ghi 2 bàn khiến trận đấu bước vào loạt sút luân lưu), với vẻ cau có khi đang trả lời phỏng vấn.

“Mày nhìn cái gì, thằng đần? Cút ra chỗ khác nhanh!”, Messi tức giận mắng Weghorst.

Lời mắng chửi của Messi, cùng hành động khiêu khích HLV Van Gaal, ăn mừng trước cabin tuyển Hà Lan, khiến người hâm mộ Argentina thích thú.

Các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng bắt trend, in câu mắng của Messi lên nhiều loại sản phẩm như áo, mũ, cốc… để bán. Nó trở thành câu cửa miệng trêu đùa nhau suốt nửa tháng qua ở đất nước Nam Mỹ.

Vốn gắn liền với hình ảnh hiền lành, điềm tĩnh và kín tiếng, cơn tức giận và “ngôn từ không đúng mực” của Messi bỗng chốc làm 47 triệu người dân Argentina “choáng váng”. Bởi, đấy là thời điểm họ nhận ra thiên tài rời quê hương năm 13 tuổi cuối cùng đã trở về đúng bản ngã của “một gã Rosario chính hiệu”, có phần giống với huyền thoại Maradona, người nổi tiếng với những khoảnh khắc nóng giận cả trong và ngoài sân cỏ.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 1.

 “Cậu có thấy Messi mắng “thằng đần” ngày hôm đó không?”, Raul Oliveri, 63 tuổi, người bảo vệ câu lạc bộ bóng đá thời thơ ấu của Messi tại Rosario suốt 25 năm qua, mỉm cười hỏi phóng viên. “Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho xuất xứ của Messi. Cậu ấy sinh ra ở đây, và mãi là một gã Rosario chính hiệu”.

Trước ngày 9/12/2022, Raul Oliveri chưa từng nói như vậy, dù chỉ 1 lần.

Sinh ra tại Rosario, nhưng đến năm 13 tuổi, Messi đã lên đường sang La Masia (Barcelona) để nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp, đồng thời điều trị căn bệnh thiếu hụt hormone tăng trưởng. Kể từ đó, mỗi dịp trở lại, anh như người khách lạ trên chính quê hương mình.

“Chúng tôi đã đi khắp thế giới và nhận thấy mọi người ai cũng yêu mến Lionel. Nhưng ở đây, tại sân bay của chúng tôi, họ thậm chí còn không chào đón cậu ấy”, Adrian Coria, huấn luyện viên thời thơ ấu của Messi nói.

Từ khi trưởng thành và nổi tiếng, Messi thường sống khép kín, ít giao tiếp với bên ngoài. Vào mỗi mùa hè và kỳ nghỉ lễ, anh vẫn thường quay về Rosario. Nhưng siêu sao 35 tuổi sẽ di chuyển bằng xe riêng từ sân bay, về thẳng căn biệt thự ở ngoại ô.

Ở quê nhà, Messi chi gần 5 triệu USD để xây tổ hợp biệt thự có tên “Pháo đài”, được xây dựng trên ba khu đất liền kề thuộc một dự án bất động sản cao cấp. Cái tên nói lên tất cả, “Pháo đài” là nơi Messi cùng gia đình tận hưởng cuộc sống riêng với 25 phòng ngủ, rạp chiếu phim, phòng gym, hầm để xe, bể bơi và sân bóng.

Nhưng người dân Rosario và Argentina không thích tính cách quá bình lặng và hình ảnh bóng bẩy của Messi. Họ muốn thấy “một gã Rosario chính hiệu”, ngang tàng, phóng khoáng và ồn ào cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 2.

Messi sinh ra tại Argentina nhưng đã trưởng thành ở châu Âu. Anh phá vỡ nhiều kỷ lục và giành đủ danh hiệu cao quý cùng Barcelona, nổi bật là “cú ăn 6” vô tiền khoáng hậu mùa 2008/09: vô địch La Liga (Tây Ban Nha), Copa del Rey (Cúp nhà Vua Tây Ban Nha), UEFA Champions League, siêu cúp Tây Ban Nha, siêu cúp châu Âu và Cúp vô địch thế giới các CLB; cùng 7 Quả bóng vàng cá nhân (Ballon d’Or). Tuy nhiên, khi trở về đội tuyển quốc gia, Messi không thể tái hiện phong độ ở câu lạc bộ.

“Messi là một kẻ thất bại”, một người hâm mộ nói sau trận chung kết Copa America 2016, nơi Messi đá hỏng quả luân lưu 11m, khiến Argentina thua Chile. “Kể từ khi Messi xuất hiện, chúng tôi không giành được bất cứ danh hiệu nào”.

Họ còn ngờ vực lòng trung thành của Messi khi anh không hát quốc ca, hoài nghi anh rời quê sớm nên không thuộc lời ca khúc “Marcha Patriótica”, rằng anh đã trở thành một người Catalunya, không xứng đáng khoác lên mình chiếc áo Albicelestes. Họ kết luận, anh không chơi hết mình cho Argentina như khi chơi cho Barcelona.

Hệ quả, Messi đã tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia sau Copa 2016, giải đấu thứ 3 liên tiếp Argentina thua trận chung kết (World Cup 2014, Copa America 2015 và 2016). Anh quá mệt mỏi, suy sụp trước sức ép phải vô địch các giải đấu, nhưng trên hết là sự bất lực vì những màn la ó của cổ động viên nhà.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 3.

Rất may cho người hâm mộ Argentina và chính bản thân Messi, anh đã rút lại quyết định đầy tranh cãi chỉ sau đó vài ngày. Năm ngoái, Messi cùng Argentina lên ngôi vô địch Copa America 2021, chấm dứt 28 năm không danh hiệu của đội bóng Nam Mỹ.

Nhưng cho đến trước World Cup 2022, Messi vẫn loay hoay với bài toán, tại sao anh là cầu thủ Argentina giỏi nhất nhưng không mang tính cách Argentina, như hình mẫu Maradona?

“Cậu bé vàng” Maradona dẫn dắt Argentina đến chức vô địch World Cup 1986, nổi tiếng với tính cách thẳng thắn, luôn cư xử theo cảm xúc, phóng khoáng đến mức… phóng túng - những đặc điểm mà người Argentina nhìn thấy ở chính họ. Messi thì không!

“Tôi không biết phải giải thích như thế nào”, Messi nói trước báo giới năm 2021. Dù không được chào đón nồng nhiệt ở quê nhà như ở các địa điểm khác, anh vẫn cảm thấy mình có mối liên kết đặc biệt với quê hương: “Tôi thích về Rosario, được ở bên người thân của mình, gặp gỡ bạn bè, gia đình, ăn thịt nướng với họ. Có lẽ tôi đã rời đi khi còn nhỏ và không trải qua thú vui gắn bó với bạn bè, quê hương đủ lâu”.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi, chỉ sau một trận đấu, chính xác là một câu mắng chửi của Messi.

Trong nhiều năm, Messi và ma thuật với trái bóng của anh thường bị những trận cầu căng thẳng, áp lực từ khán đài “nuốt chửng”. Nhưng ở World Cup 2022, có thể nhận thấy một Messi trưởng thành hơn, có kinh nghiệm và điềm tĩnh hơn. Anh không chỉ đóng góp lớn về mặt chuyên môn cho đội bóng, mà còn là “lão đại” ở mỗi điểm nóng bên đường biên.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 4.

Anh bảo vệ các đồng đội trong trận đấu có tới 17 thẻ vàng, đứng ra khiêu khích và phản pháo HLV Van Gaal cùng những cầu thủ đánh giá thấp tuyển Argentina. Đỉnh điểm là lời mắng Weghorst: “Mày nhìn cái gì, thằng đần? Cút ra chỗ khác nhanh!”.

Sau sự kiện này, báo chí nhận định Messi đang hành động “Maradonian” (giống, thuộc về Maradona). Còn người dân Argentina trích dẫn câu nói một càng tự hào. Cụm từ này cũng được thêm vào một bức tranh tường ở khu phố gần nhà cũ Messi.

Cơn sốt Messi chưa bao giờ lên cao đến thế sau trận thắng Hà Lan. Hãng đồ dùng thể thao adidas cho biết, áo đấu của M10 đã bán hết trên toàn thế giới, điều chưa từng xảy ra trước đó với bất cứ ngôi sao nào.

“Không đứa trẻ Argentina nào là không có áo của anh. Anh đã để lại dấu ấn trong cuộc sống mỗi người và với tôi, điều đó còn quan trọng hơn cả chức vô địch World Cup. Không ai có thể lấy đi điều đó từ anh và đây là lòng biết ơn của tôi đối với niềm hạnh phúc to lớn mà anh đã mang đến cho rất nhiều người”, nữ phóng viên Sofia Martinez của đài truyền hình Publica kết lại cuộc phỏng vấn Messi sau trận bán kết. Đây cũng là đoạn video lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội những ngày qua.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 5.

"Tôi thực sự hy vọng anh khắc ghi những lời này bởi tôi tin điều đó quan trọng hơn vô địch World Cup. Với chúng tôi, anh đã có chức vô địch đó rồi, cảm ơn đội trưởng", nữ phóng viên khiến Messi liên tục mỉm cười hạnh phúc và tỏ ra xúc động.

Vô địch World Cup hay không, Messi vẫn là cầu thủ vĩ đại nhất ở thế hệ của anh. Thế nên, với cúp vàng trong tay sau màn rượt đuổi tỷ số căng thẳng với tuyển Pháp ở chung kết, Messi xứng đáng đứng trên đỉnh vinh quang của bóng đá thế giới. Anh cũng có thể tự hào tuyên bố, mình là cầu thủ Argentina giỏi nhất, đậm chất Argentina nhất!

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 6.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 7.

"Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện". Câu này thích hợp với Messi.

Leo Messi sinh ngày 24/6/1987 tại Rosario, tỉnh Santa Fe, Argentina. Một năm trước đó, Diego Maradona, được biết đến như một anh hùng dân tộc, đã dẫn dắt Argentina giành chức vô địch World Cup lần thứ hai trong lịch sử đội tuyển, và câu chuyện bóng đá của Messi mới bắt đầu.

Gia đình đã mở ra thế giới bóng đá cho Messi và giúp anh tìm thấy tình yêu của đời mình. Năm 1991, khi mới 4 tuổi, Messi gia nhập câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư Grandoli do cha anh là Jorge Messi huấn luyện.

Trong số các bạn bè đồng trang lứa, Messi luôn là cậu nhóc nhỏ bé nhất, nhưng anh vẫn nổi bật nhờ tài năng chơi bóng. Trong bộ phim tài liệu "Messi", người bạn thời thơ ấu của chàng Leo nhớ lại: "Anh ấy chơi với những đứa trẻ lớn hơn, nhưng dễ dàng vượt qua chúng".

Lionel Messi gia nhập đội trẻ Newell's Old Boys vào năm 1994. Đây là đội bóng 5 lần vô địch giải hạng Nhất Argentina khi ấy, là nơi ươm mầm tài năng các huyền thoại bóng đá Argentina như Pochettino và Batistuta.

Tưởng chừng mọi thứ sẽ luôn suôn sẻ với Messi, thì số phận lại trêu người anh. Năm 1997, Messi, khi đó mới 10 tuổi, được chẩn đoán mắc chứng thiếu hormone tăng trưởng. Anh cần tiêm thuốc định kỳ để đảm bảo cơ thể tiếp tục phát triển.

"Tôi đứng trước viễn cảnh phải nói lời chia tay bóng đá. Lúc đó, căn bệnh là cực hình khiến tôi khó chịu vô cùng. Tôi thường nhìn những đứa trẻ có cơ thể bình thường chơi bóng một mình ngoài sân. Tôi không vui, nhưng đó là số phận của tôi", Messi nhớ lại.

Vào thời điểm đó, bố của Messi làm ở nhà máy thép, còn mẹ làm việc trong một xưởng sản xuất nam châm. Nguồn tiền gia đình cạn kiệt dần và không thể duy trì chi phí 1.000 USD mỗi tháng cho quá trình trị liệu của Messi. Họ tìm đến các câu lạc bộ trong nước như Newell's Old Boys và River Plate nhờ giúp đỡ nhưng không có kết quả.

Như định mệnh sắp đặt, CLB Barcelona đã vươn cành ô liu cho anh với một buổi thử việc vào tháng 9/2000. Giám đốc Charly Rexach đã phát hiện ra tài năng của Messi, nhưng ban lãnh đạo cấp cao của câu lạc bộ luôn do dự trong việc ký hợp đồng và trả tiền điều trị cho Messi.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 8.

Vào ngày 14/12, một tối hậu thư được đưa ra để Barcelona chứng minh cam kết của họ, và Rexach, không có giấy tờ nào khác trong tay, đã đề nghị một hợp đồng ký trên tờ giấy ăn.

Những ngày đầu tiên đến lò đào tạo trẻ của Barcelona, cuộc sống của Messi không hề suôn sẻ. Với thể hình thấp bé, anh bị đồng đội phớt lờ, cộng với rào cản ngôn ngữ, Messi thường xuyên cảm thấy cô đơn: “Thời điểm ấy, tôi không có thể trạng tốt, gia đình mỗi người một nơi, cuộc sống quả thực quá khó khăn. Niềm vui duy nhất lúc ấy với tôi là gọi điện thoại nói chuyện với mẹ. Tôi luôn nghĩ mình sẽ bị trục xuất, nhưng không ngờ lại đi xa đến thế”.

Cuối cùng, Messi được ghi danh vào Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF) tháng 2/2002. Sau khi hoàn thành đợt điều trị hormone tăng trưởng ở tuổi 14, anh trở thành một phần không thể thiếu của "Baby Dream Team", đội trẻ vĩ đại nhất từ trước đến nay của Barcelona.

Messi đã chơi 31 trận cho đội trẻ Barcelona, ghi 38 bàn và giúp đội giành 3 chức vô địch. Tháng 2/2004, Messi ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Barcelona, chính thức được đôn lên đội một vào tháng 10 cùng năm, mở ra thời kỳ huy hoàng chưa từng có trong lịch sử câu lạc bộ.

Trong 17 năm thi đấu cho Barcelona, Messi đã có 778 lần ra sân, ghi 672 bàn thắng và 305 đường kiến tạo, giúp Barcelona giành 35 chức vô địch, trong đó có 4 chức vô địch Champions League, 10 chức vô địch La Liga. Cá nhân anh giành 7 Quả bóng vàng, 6 Chiếc giày vàng châu Âu trong giai đoạn này.

Messi từng nói: "Tôi muốn ở lại Barcelona đến hết đời. Tôi sẽ ở lại đến khi nào câu lạc bộ muốn. Tôi nợ Barcelona nhiều hơn những gì họ cho tôi. Họ đã thay đổi cuộc đời tôi".

Nên duyên nhờ một tờ giấy ăn, Messi cũng rời Barcelona với tờ giấy thấm đẫm nước mắt trong ngày họp báo chia tay. Do tình hình tài chính tồi tệ của câu lạc bộ, Barcelona đã thông báo vào tháng 8/2021 rằng họ sẽ chia tay Messi, mở đường cho anh sang Paris Saint Germain.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 9.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 10.

Từ năm 2008, Messi có quan hệ tình cảm với Antonella Roccuzzo, một người đồng hương ở Rosario. Cả hai quen nhau khi anh chưa là gì trong thế giới bóng đá, cùng vượt qua những lúc khó khăn nhất, khi Messi mắc bệnh từ nhỏ.

Messi biết Roccuzzo từ khi mới 5 tuổi, vì cô là em họ người bạn thân thời thơ ấu của anh. Vốn là cậu bé nhút nhát, ít nói nhưng khi gặp Antonella, trái tim Messi đã xao xuyến. Sau này kể lại, Messi cho biết từ nhỏ đã đặt mục tiêu sẽ cưới Roccuzzo.

Sau khi giữ kín mối quan hệ, Messi lần đầu tiên xác nhận chuyện tình lãng mạn trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2009. Đó là thời điểm Antonella bay sang Barcelona và sống chung với Messi cho tới nay. Tháng 6/2017, Messi và Roccuzzo tổ chức hôn lễ tại khách sạn quê hương City Center Rosario.

Messi và Roccuzzo có 3 cậu con trai: Thiago (sinh 2012), Mateo (sinh 2015) và Ciro (sinh 2018). Cậu con trai lớn của Messi - Thiago Messi thần tượng Ronaldo. Điều này được chính cầu thủ người Argentina chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với báo chí. Ngoài ra Thiago còn hâm mộ Mbappe và Neymar.

Mỗi khi Messi thi đấu không tốt hoặc Barca thua trận, cậu cả và cậu hai sẽ hùa nhau trêu chọc và phê bình ông bố nổi tiếng. Mateo được biết đến là một anti-fan chính hiệu của đội bóng xứ Catalan.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 11.

Bên trong sân vận động, Messi dốc toàn lực, giành được vô số danh hiệu để báo đáp Barcelona, còn ngoài sân, anh thậm chí gánh vác trọng trách xã hội nhiều hơn.

Năm 2007, Messi thành lập quỹ từ thiện của riêng mình để giúp đỡ những trẻ em bệnh tật ở Argentina. Năm 2010, anh được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí toàn cầu của UNICEF và quyên góp 100.000 euro cho Hội chữ thập đỏ quốc tế; năm 2020, Messi quyên góp 1 triệu euro cho các bệnh viện ở Barcelona và Argentina để chống lại đại dịch Covid-19. Ngoài ra, M10 đã đi khắp thế giới để tham gia các sự kiện từ thiện.

Tầm ảnh hưởng của Messi cùng hình ảnh “thiên thần” giúp anh trở thành gương mặt đại diện cho nhiều nhãn hiệu thương mại. Trong hành trình World Cup 2022, anh có tới 9 hợp đồng làm đại sứ thương hiệu.

Theo trang web thị trường chuyển nhượng của Đức (transfermarkt), Messi, đã bước vào giai đoạn hoàng hôn sự nghiệp, chỉ có giá 50 triệu euro (khoảng 1.258 tỷ đồng), thua xa những ngôi sao đang lên như Erling Haaland (170 triệu euro) và Kylian Mbappé (160 triệu euro). Nhưng nhờ thu nhập 130 triệu USD (3.080 tỷ đồng) mỗi năm, anh vẫn đứng đầu bảng xếp hạng VĐV toàn cầu của Forbes năm 2022. Tổng thu nhập sự nghiệp của M10 đã vượt quá 1 tỷ đô la.

Giá trị tài sản ròng của Messi ước tính khoảng 600 triệu USD (14.220 tỷ đồng), theo công ty theo dõi tài sản Celebrity Net Worth.

"Cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn nhờ bóng đá. Tôi nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên chơi bóng. Trong trái tim tôi, nó giống như một viên kẹo vậy", Messi từng nói. Sau khi vô địch World Cup, Messi chưa muốn dừng lại thú vui “kẹo ngọt ấy”, dù đã chuẩn bị bước sang tuổi 36.

Messi: Từ đứa con thất lạc, bị hắt hủi đến người hùng dân tộc Argentina - Ảnh 12.

 

Ngô Thắng
Thành Đạt