Kho báu vô giá lưu trữ lịch sử Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV thuộc Cục Văn thư – Lưu trữ nhà nước cho biết, tại Việt Nam đã có các di sản tư liệu thế giới được công nhận như: Mộc bản triều nguyễn, Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu, và gần đây là Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế... Đây là những di sản tư liệu này ghi chép những thông tin đặc biệt quý giá từ quá khứ.
Mộc bản Triều Nguyễn là công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và mang đậm dấu ấn thời cuộc. Đây là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.
Dưới triều Nguyễn do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt nuộc thần dân phải tuân theo cũng như để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử, triều đình đã cho biên soạn và khắc in rất nhiều các tác phẩm chính văn chính sử để truyền bá đi các nơi, trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó chính là Mộc bản Triều Nguyễn.
Theo các nhà sử học, thành phần của tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, bao gồm những tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của các vua Triều Nguyễn, và một phần rất quan trọng của tài liệu Mộc bản được khắc trước Triều Nguyễn, được chuyển từ Văn Miếu Quốc tử Giám - Hà Nội, về lưu giữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Huế dưới triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị.
Nội dung của tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam dưới thời Phong kiến trên chín chuyên đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.
Theo nguồn từ Cục Di sản văn hóa, về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có tính chính xác cao. Trong 34.619 tấm Mộc bản, có một bản khắc bài "Nam quốc sơn hà". Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ "Nam quốc sơn hà" còn lại cho đến ngày nay. Bài thơ "Nam quốc sơn hà" khẳng định chân lý: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Về địa lý: có hai bộ sách gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý của nước Việt Nam đã thống nhất và ghi chép về hoàng thành Huế. Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những bản khắc mộc bản mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về các sự kiện xảy ra từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, trải qua chín đời chúa (1558 - 1777), đã khẳng định: quần đảo Hoàng Sa (tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi
Về chính trị xã hội: có năm bộ sách gồm 16 quyển, ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Về quân sự: có năm bộ sách gồm 151 quyển, ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.
Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển, ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.
Về văn hóa - giáo dục: có 31 bộ sách gồm 93 quyển, ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn.
Về tư tưởng triết học - tôn giáo: có 13 bộ sách gồm 22 quyển, ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.
Về văn thơ: có 39 bộ gồm 265 quyển, ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam.
Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách gồm 50 quyển, giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm.
Hình thức thể hiện của Mộc bản Triều Nguyễn rất đặc biệt, tài liệu Mộc bản được khắc bằng chức Hán, chữ Nôm cổ khắc ngược, phần lớn khối tài liệu Mộc bản được khắc bằng chữ Hán chân, đôi khi khắc bằng chữ Hán thảo, có những lúc là bản vẽ hay sơ đồ và rất nhiều họa tiết hoa văn, … Nét chữ khắc trên tài liệu Mộc bản rất tinh xảo và điêu luyện, chuyển tải tâm tư, tình cảm và tâm huyết của người thợ khắc in.
Trong hồ sơ di sản, Mộc bản triều Nguyễn đánh giá như sau: "34.555 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Chính vì những tính chất quan trọng và giá trị cao mà trong thời kỳ phong kiến và các nhà nước trong lịch sử của Việt Nam đã rất chú tâm để bảo quản những tài liệu này."
Như vậy có thể thấy rằng Mộc bản Triều Nguyễn là khối di sản tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện như vật mang tin, phương pháp chế tác và đặc biệt về nội dung ghi chép, phản ánh lịch sử Việt Nam qua các thời đại, từ thời Hùng Vương dựng nước đến Triều Nguyễn. Ngoài ra tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn còn có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu lịch sử, văn hóa của một số nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp...
Sự tồn tại của Mộc bản Triều Nguyễn đến hôm nay cũng góp phần khẳng định triều Nguyễn đã đưa nền sử học nước nhà thời quân chủ phát triển đến đỉnh cao.
Hiện nay, toàn bộ khối tài liệu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tại số 2, Yết Kiêu, phường 5, thành phố Đà Lạt,tỉnh Lâm Đồng.
Phát huy giá trị của Mộc bản Triều Nguyễn trong đương đại
Hiện nay, khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng.
Từ năm 2004, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước đã cho phép biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để bảo tồn và phát huy giá trị.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới." Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm bảo quản an toàn tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ tài liệu lâu dài; phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về vai trò của công tác lưu trữ, giá trị của tài liệu lưu trữ thông qua khối Di sản tư liệu thế giới quý hiếm này.
Giới thiệu Mộc bản Triều Nguyễn tại Triển lãm "Khoa bảng Việt Nam thời phong kiến qua di sản tư liệu thế giới". Ảnh: Gia Linh
Không dừng ở việc lưu trữ, bảo quản, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "các cơ quan lưu trữ không chỉ là nơi để gìn giữ mà còn là nơi phổ biến những di sản tư liệu quý. Đây là việc làm vô cùng có ý nghĩa không chỉ của ngành văn hóa mà còn của ngành lưu trữ."
Có một thực tế là việc đưa di sản này tới giới trẻ là công việc không đơn giản. Cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến kho báu này thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, để hấp dẫn công chúng, trước tiên họ phải được giới thiệu, tuyên truyền để hiểu về những giá trị quý báu của các tài liệu lưu trữ trong đó có Mộc bản Triều Nguyễn, một di sản mà chúng ta đã gìn giữ qua nhiều thăng trầm của thời cuộc và thời tiết.
Hàng năm, nhiều cuộc triển lãm giới thiệu những giá trị của di sản Mộc bản Triều Nguyễn đã được Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức. Riêng trong năm 2018 phải kể đến một số triển lãm nổi bật như: Triển lãm "Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản triều Nguyễn"; Trưng bày di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia "Tổ chức bộ máy Nhà nước qua các thời kỳ"; Triển lãm "Khoa bảng Việt Nam thời phong kiến qua di sản tư liệu thế giới"…
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, bên cạnh các cuộc triển lãm còn cần đa dạng các hình thức giới thiệu như làm sách, làm phim và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, thậm chí là trên mạng xã hội để mọi người có thể tiếp cận gần hơn tới di sản./.