(Tổ Quốc)- Mù Cang Chải mỗi độ lúa chín chắc hẳn không còn nhiều xa lạ với những người ưa xê dịch. Một Mù Cang Chải đầy "quy chuẩn" với ruộng bậc thang hình mâm xôi ở La Pán Tẩn, với mùi cốm thơm nức lòng nơi Tú Lệ, hay bao mái nhà tường trình tại Chế Cu Nha... tất cả đều đã trở thành những hành trình quen thuộc mỗi lần người ta nhắc đến Mù Cang Chải.
Nhưng một Mù Cang Chải ngang trời, cheo leo trên con đèo Khau Phạ đâu chỉ có vậy! Còn bao thửa ruộng bậc thang lộng lẫy với một vẻ đẹp không lẫn nơi đâu, bao bản làng hoang sơ ít khách phương xa lui tới, bao con dốc dựng trời nơi rừng thông trầm lặng... Đó là một Mù Cang Chải đầy lạ lẫm, đầy huyền hoặc mà một "đứa trẻ miền xuôi" như tôi chưa bao giờ được biết đến qua sách báo. Đó là Mù Cang Chải của những đôi chân dám bước, những vòng xe dám đi và của những trải nghiệm không thể mua được bằng tiền...
Đặt chân đến thị xã Nghĩa Lộ lúc 2h sáng sau chuyến xe đêm từ Hà Nội, chúng tôi chọn một chỗ nghỉ chân ven đường để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến hành trình dài. Rạng sáng hôm sau, khi ngoài trời vẫn chỉ là một màu đen tĩnh mịch, đoàn chúng tôi đã chuẩn bị xuất phát cho chuyến hành trình dài 100km từ thị xã Nghĩa Lộ đến thị trấn Mù Cang Chải. Trên những chiếc xe máy được thuê sẵn từ đêm hôm trước, hành trình đến với mảnh đất ngang trời của chúng tôi bắt đầu.
Khi ánh nắng của ngày mới đã trải dài trên khắp nẻo đường đi cũng là lúc tôi được chứng kiến bao sắc vàng trù phú của những triền ruộng bậc thang tại nơi đây.
Ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải là những thửa ruộng nằm theo sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia với tổng diện tích lên tới khoảng 2.200 ha. Năm 2007, 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được xếp hạng là di tích quốc gia như là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.
Nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, Mù Cang Chải mang đến cho những du khách một trải nghiệm tuyệt diệu khi có thể thu trọn vào tầm mắt những bao la nơi đại ngàn rực rỡ. Đi theo con đèo Khau Phạ - một trong "Tứ đại đỉnh đèo" của phía Bắc Việt Nam, những thung lũng, những bản làng người Mông, người Thái dần hiện lên như những thước phim quay chậm.
Thung lũng Lìm Mông nhìn từ bản Lìm Mông – một bản làng người Mông yên bình, ít dấu chân du khách nằm ở độ cao 1500m so với mực nước biển. Với 90% dân số là người Mông, Mù Cang Chải là vùng đất mang đậm dấu ấn cư trú của tộc người này. Từ những nghề thủ thông truyền thống như rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức... cho tới tập quán sinh hoạt và những nét văn hóa rất đặc trưng.
Mù Cang Chải không có con sông lớn nào mà chỉ có hàng chục khe suối bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn tạo thành hệ thống khe suối dày đặc dài hàng chục kilomet.
.