Mùa đông có một "KHUNG GIỜ ĐỘC" không nên tập thể dục vì dễ gây đột quỵ, đặc biệt có 4 nhóm người cần phải cẩn trọng

ĐỖ ĐỖ | 07-01-2021 - 19:58 PM

(Tổ Quốc) - Bác sĩ Trần Quang Thắng (Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương) cho biết những thói quen xấu trong thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Dự báo thời tiết vào hôm nay (ngày 7/1) cho thấy, từ đêm nay ở các tỉnh Trung Bộ cũng có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trời chuyển rét đậm, rét hại.

Trong những ngày lạnh giá, căn bệnh đáng báo động nhất đó chính là đột quỵ. Tại khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương những ngày lạnh thường tiếp nhận lượng bệnh nhân đột quỵ tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường.

du-bao-thoi-tiet-19-1-khi-lanh-tang-cuong-ha-noi-ret-dam.jpg

Những thói quen xấu trong thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ Trần Quang Thắng (Trưởng khoa Cấp cứu - Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương) cho biết những thói quen xấu trong thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ và ra ngoài đường tập thể dục lúc sáng sớm là một trong số đó.

Sáng sớm (4-6h sáng) là thời điểm không nên ra ngoài tập thể dục

Tập thể dục là một hình thức rèn luyện thể chất và nâng cao sức khỏe rất tốt, nhưng đã có không ít trường hợp người già phải đến bệnh viện cấp cứu do đột quỵ trong khi đang đi tập thể dục lúc 4-5 giờ sáng. Ở Bệnh viện Bạch Mai trước đây đã từng tiếp nhận nam bệnh nhân 50 tuổi bị đột quỵ do đi tập thể dục quanh Hồ Tây từ 4 giờ sáng.

Theo các bác sĩ, trong thời gian rét đậm, rét hại, nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng. Nhiều người già có thói quen dậy sớm và đi tập thể dục từ 4-6 giờ sáng nhưng thời điểm này có thể khiến cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, dẫn đến đột quỵ.

4 nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… cần phải cẩn trọng vì sức đề kháng yếu, dễ bị tăng huyết áp, từ đó dễ gây các biến chứng tắc, đứt mạch máu não.

mac-am.jpg

4 nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…

Không chỉ tập thể dục buổi sáng, người cao tuổi còn thường xuyên có thói quen thức dậy vào ban đêm hoặc nửa đêm về sáng để đi vệ sinh, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cũng rất dễ xảy ra đột quỵ.

Chuyên gia khuyến cáo người cao tuổi khi dậy giữa đêm cần chú ý mặc ấm, đặc biệt giữ ấm phần đầu, nên đi vệ sinh trong phòng kín gió. Nếu dậy sớm thì có thể vận động đi lại trong nhà, quét nhà, pha trà… chứ không nên đi ra ngoài trời.

Vậy mùa đông nên tập thể dục vào thời điểm nào là an toàn?

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn (Trưởng phòng Cấp cứu 1, BV Bạch Mai): Vào những ngày trời rét đậm rét hại, tất cả mọi người nên đổi giờ tập thể dục từ 4-5h sáng thành khung giờ 7-9h.

Tùy thuộc vào tình hình thời tiết mà quyết định nên tập ở ngoài trời hay trong nhà. Nếu đi ra ngoài, mỗi người cần trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...

trang-phuc_1.jpg

Trước khi tập, rất nên khởi động kỹ để làm ấm cơ thể và giúp các khớp linh hoạt hơn, tránh tình trạng chuột rút hay chấn thương trong khi tập. Ngoài ra, thời tiết mùa đông sẽ khiến cơ thể dễ bị mất nước. Thiếu nước sẽ nhanh chóng làm cho cơ thể bị mệt mỏi, đuối sức. Vì vậy khi đi tập thể dục vào buổi sáng, bạn nên cầm theo một chai nước lọc bên mình để bù nước kịp thời.

Sau khi tập thể dục, bạn nên nghỉ ngơi khoảng 20 phút, khi thân nhiệt ổn định trở lại, mồ hôi ráo, nhịp tim và hơi thở điều hòa, lau khô người rồi hãy đi tắm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM