Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải cộng sinh với nhau

(Tổ Quốc) - Thị trường M&A Việt Nam, nơi các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn là những con sếu đầu đàn dẫn dắt cuộc chơi và được hỗ trợ bởi hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup tại Hội thảo M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị.

Dịch bệnh kéo dài với nhiều biến số khó lường trong hoạt động kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải chủ động phương án để thích nghi. Đây cũng chính là lúc các thị trường M&A nóng lên, các tập đoàn, các doanh nghiệp bắt đầu tìm "bạn" để cộng sinh. Ông nhận định như thế nào về thị trường M&A thời điểm này?

Cá nhân tôi nhìn nhận COVID-19 tạo ra những khó khăn, như là khúc cua trên cung đường đua F1. Các doanh nghiệp lớn sẽ nắm bắt cơ hội đó để vươn lên, vượt nhau tại những khúc cua này chứ không phải trên đường thẳng.

Còn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, COVID-19 đương nhiên là rất khó khăn. Bởi họ chưa có quy mô, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, hoặc gặp vấn đề về đội ngũ con người, hệ thống… Giai đoạn COVID-19 vừa qua, rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mà tôi biết còn muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Và hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn đã được họ đặt ra.

Thời điểm này, vai trò và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều. Không còn là câu chuyện từ thiện, mà là trách nhiệm tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh.

Thực tế, các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, hay dành quá nhiều thời gian cho doanh nghiệp SME được. Họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp SME. Ngược lại, các doanh nghiệp SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại trường tồn hơn, thì phải cộng sinh với doanh nghiệp lớn. Câu chuyện đặt lên hệ quy chiếu có hai chiều như vậy.

Với tư tưởng cộng sinh, cộng hưởng, với trách nhiệm xã ngày càng lớn trong các doanh nghiệp, tôi tin tất cả sẽ cùng vun đắp để tạo cộng đồng doanh nghiệp mạnh hơn.

Để thực hiện chiến lược kinh doanh tầm nhìn đến 2030, NovaGroup dự kiến đẩy mạnh M&A trong các lĩnh vực nào và tại sao lại như vậy?

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh M&A trong lĩnh vực bất động sản, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp – hàng tiêu dùng, công nghệ, công nghiệp...

Khi đặt ra các mục tiêu này, tập đoàn đã dựa trên hàng loạt yếu tố vĩ mô thuận lợi. Chẳng hạn, sự dịch chuyển tỷ trọng các ngành kinh tế tại Việt Nam, phù hợp với sự luân chuyển phát triển kinh tế thế giới từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Cùng với sự dịch chuyển đó, tỷ trọng tầng lớp trung lưu sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, như dự báo của WB. Nhóm dân số có thu nhập cao này sẽ thúc đẩy sức mua bất động sản và nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ cao cấp của NovaGroup.

NovaGroup: Tìm kiếm sự cộng hưởng trong các thương vụ M&A

Ngoài ra, có hàng loạt yếu tố thuận lợi khác. Chẳng hạn, khi sân bay Long Thành và Phan Thiết được xây dựng hoàn thiện, khả năng tiếp cận các dự án NovaGroup của khách du lịch đến từ các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và du khách quốc tế sẽ tăng lên. Chưa kể, khi hệ thống cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, khả năng tiếp cận của NovaGroup đối với các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được thúc đẩy.

Vị trí, vai trò cũng như các yếu tố địa chính trị cũng là yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ như NovaGroup. Đồng thời, các yếu tố nội tại bao gồm khát vọng của Founders NovaGroup, sự quyết tâm và năng lực (nhân lực, tài lực) của đội ngũ hiện tại và tương lai sẽ giúp chúng tôi sớm đạt được mục tiêu.

Để thực hiện chiến lược ấy, NovaGroup đã chuẩn bị những gì, ông có thể bật mí?

Để thực hiện chiến lược này, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Thứ nhất là mô hình và cơ cấu quản trị minh bạch, rõ ràng. Đây là tính sống còn của Tập đoàn với nhiều tổng công ty thành viên.

Thứ hai là cơ cấu về tài chính, sự rạch ròi minh bạch giữa các doanh nghiệp luôn phải độc lập, tách biệt khỏi nhau.

Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải cộng sinh với nhau - Ảnh 2.

Khu đô thị Aqua City hiện đại và giàu sức sống đang dần hình thành chỉ sau 2 năm ra mắt.

Thứ ba là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để từng tổng công ty "giảm bớt mỡ thừa". Sau 30 năm phát triển, doanh nghiệp lớn trở thành "cơ thể ì ạch" hơn. Nếu tập quán làm việc không thay đổi thì có rất nhiều "mỡ thừa". Các doanh nghiệp lớn đều đang áp dụng công nghệ để "giảm mỡ thừa", để xoay chuyển tình thế để khi đi vào các khúc cua trong tương lai sẽ nhanh nhẹn hơn. Cơ thể càng lớn thì sự xoay chuyển càng chậm chạp, càng dễ tổn thương hơn với sự thay đổi của thị trường. Chúng tôi xác định, "vắc-xin" quan trọng của NovaGroup chính là công nghệ. Lúc đó khả năng bật dậy, đi xa, đi dài sẽ tốt hơn.

Hậu M&A, câu chuyện hợp lực bền vững - nói thì dễ, nhưng làm được thì khó khăn vô cùng. Hệ thống quản trị; tài chính; nhân sự; hòa nhập văn hóa..., vấn đề nào cũng đặt ra thách thức. NovaGroup đã chuẩn bị những gì để tự tin thực hiện các thương vụ M&A mà ông vừa chia sẻ, thưa ông?

Hậu M&A, doanh nghiệp sẽ sự cân nhắc, tính toán rất kỹ nên sự đổ vỡ sẽ ít hơn.

Với xu thế M&A như hiện nay, cả bên mua và bên bán đều kiếm tìm sự cộng hưởng. Để tiến tới các đối tác tiềm năng, NovaGroup đề cao tính "thực chiến" trong từng giao dịch. Điều đó có nghĩa, trước khi bước chân vào một "cuộc hôn nhân dài hạn", chúng tôi xác định rõ những điểm có thể đem lại cho "bạn đồng hành": doanh thu/lợi nhuận, khả năng quản trị hệ thống, tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn…, khả năng đem lại giá trị một cách thực chất cho "bạn đồng hành".

Việc xác định rõ những "kỳ vọng" ở nhau một cách rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho việc hợp tác và phát triển "đứa con chung" được thuận lợi và dễ đi đến đồng thuận hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ánh Dương

Tin mới