• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI

Thời sự 15/04/2021 16:12

(Tổ Quốc) - Theo công bố của VCCI, lần thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên PCI 2020.

Theo Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân với 75,09 điểm. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhóm nghiên cứu của VCCI đã chỉ ra các giải pháp mà Quảng Ninh đã triển khai để đạt được kết quả nổi bật này trong 4 năm qua.

Năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI  - Ảnh 1.

Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI năm thứ 4 liên tiếp - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Cụ thể, điểm số PCI năm 2020 của Quảng Ninh tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trên cả nước vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

VCCI cho rằng, kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020, khi chính quyền địa phương này đã đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19.

Các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 gồm: Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh. Trong đó, TP Hà Nội xếp thứ 9 với 66,93 điểm; TP HCM xếp thứ 14 với 65,7 điểm.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại.

Đại diện VCCI đánh giá cao các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Điều này cũng phát đi tín hiệu những động lực và thực tiễn cải cách tốt đã được lan tỏa.

Kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, DN Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu –  một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016…

Dù vậy, Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy cần phải tiếp tục nỗ lực trong cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, bức tranh cải cách đã có nhiều sắc màu tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những con số làm chúng ta chưa thể yên lòng. Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI. 

Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ Nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.

Năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI  - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng PCI 2020

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, năm 2021 cũng là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới – một nội các với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo đã từng rất thành công trong điều hành kinh tế ở cấp địa phương.

“Chúng ta kỳ vọng Chính phủ mới sẽ là một Chính phủ hành động, tiếp bước khát vọng cải cách của Chính phủ tiền nhiệm, quan tâm hơn nữa đến môi trường kinh doanh ở các địa phương và triển khai tốt hơn các chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như xây dựng một niềm tin và tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ