Nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống đuối nước cho trẻ em
Theo thống kê của Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, tai nạn đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tai nạn thương tích hàng đầu ở trẻ em. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà ở, trường học, nơi làm việc... Vì vậy, mỗi người cần nâng cao vai trò trách nhiệm, trang bị thêm cho mình kiến thức về cách phòng tránh và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước để vận dụng vào thực tế khi gặp các tình huống này xảy ra.
Nỗ lực giảm tỉ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em
Theo số liệu nghiên cứu, ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 236.000 người chết vì đuối nước, chiếm 7% tổng số ca tử vong liên quan đến thương tích. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, Việt Nam có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao thứ 5 trong số các nước Tây Thái Bình Dương. Trung bình mỗi ngày có 5 trẻ tử vong do đuối nước.
Những nguyên nhân được chỉ ra là do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khách quan như: Sông, hồ, suối, ao…không có biển cảnh báo nguy hiểm; Mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên; Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Lần đầu tiên chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em được thực hiện với hỗ trợ 2,1 triệu USD và can thiệp thí điểm tại 8 tỉnh có gánh nặng đuối nước trẻ em cao nhất cả nước.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự chung tay của các bộ ngành địa phương trong việc triển khai Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em, tỉ lệ tử vong do đuối nước trong 5 năm qua có xu hướng giảm (cả về số mắc và số tử vong).
Chương trình đã hỗ trợ nhiều địa phương tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, kỹ năng an toàn cho trẻ em, đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách, chương trình về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước.
Trong 5 năm qua, chương trình đã đạt được kết quả đáng kể với 800 nhân viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng chống đuối nước; 29.849 trẻ từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và 50.200 trẻ em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại trường học.
Cùng với đó, chương trình đã xây dựng 14 bể bơi thông minh, huy động 73 bể bơi địa phương để phục vụ các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ đồng thời triển khai các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ ngành giáo dục về quản lý và điều phối chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tại một số địa phương, sau khi có can thiệp, kiến thức của người dân về vấn đề đuối nước có sự cải thiện rõ rệt: nhận thức về nguy cơ tử vong do đuối nước ở khu vực can thiệp tăng từ 63,3% lên 73,5%; nhận thức về nhóm tuổi trẻ bị đuối nước tăng từ 47,1% lên 68,1%.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, địa phương tại Việt Nam. Luật trẻ em đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với can thiệp toàn diện, đa ngành về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Trong đó đặc biệt tập trung mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.
Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giữa Bộ LĐTBXH và Quỹ từ thiện Bloomberg với sự quản lý trực tiếp của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá / Tổ chức Vận động Chính sách y tế toàn cầu, sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức y tế thế giới trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: 30.000 trẻ em từ 6-15 tuổi đã được dạy bơi an toàn và 54.000 trẻ em từ 6-15 tuổi được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đã đào tạo được 915 hướng dẫn viên dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 14 bể bơi di động đã được lắp đặt tại các địa bàn triển khai dự án.
Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vẫn được các địa phương tiếp tục triển khai cuộc nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em.
UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt kế hoạch triển khai bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2022 – 2030.
Tham gia lớp tập huấn có 162 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên thể dục thể thao, những người trực tiếp làm công tác thể dục thể thao cơ sở. Lớp tập huấn do các hướng dẫn viên đến từ Liên đoàn Thể thao dưới nước Thành phố Hồ Chí Minh và các huấn luyện viên bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Trà Vinh phụ trách.
Thời gian diễn ra lớp tập huấn từ ngày 4 - 6/10, các học viên sẽ được hướng dẫn về bơi an toàn phòng, chống đuối nước năm 2023. Trong đó tập trung đi sâu chuyên đề về cứu hộ, cứu đuối cho hướng dẫn viên cơ sở, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em. Đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn do đuối nước cho những người trực tiếp làm công tác thể dục thể thao cơ sở.
Cụ thể, về Lý thuyết các học viên được trang bị chuyên đề về an toàn, rủi ro và quản lý rủi ro; quy định đối với hướng dẫn viên; an toàn trong lớp học; các kỹ năng an toàn trong môi trường nước… Về Thực hành, có các chuyên đề kỹ thuật nổi nước, đứng nước, kỹ thuật bơi, kỹ thuật cứu đuối gián tiếp, trực tiếp; các tư thế nhảy cứu nạn nhân và phương pháp sơ cấp cứu nạn nhân đuối nước.
Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết, tai nạn đuối nước đang là vấn đề được nhiều sự quan tâm, lo lắng của của mỗi gia đình và xã hội. Chính vì vậy, thông qua lớp học này, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức bổ ích, những kỹ năng cơ bản trong cứu hộ, cứu nạn do đuối nước để áp dụng vào thực tế. Qua đó góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng ngừa, cứu nạn do đuối nước, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, thúc đẩy phong trào bơi tại địa phương ngày càng phát triển.
Đắk Mil (Đắk Nông) là huyện miền núi có số lượng ao, hồ, suối, đập nhiều và thực tế nơi đây hàng năm xảy ra không ít vụ tai nạn đuối nước, để lại nỗi đau cho gia đình, người thân nên vấn đề phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp nghỉ hè đã trở thành nỗi trăn trở của các cấp chính quyền và lực lượng Công an huyện Đắk Mil. Bởi vậy cùng với việc tăng cường tuyên tuyền, cảnh báo nguy hiểm thì việc ưu tiên hàng đầu là dạy các em biết bơi và cách ứng cứu khi rơi xuống nước.
Với mong muốn tạo cho các em kỹ năng bơi lội để phòng, chống đuối nước, Công an huyện Đắk Mil đã triển khai chương trình "Hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em" với sự phối hợp tham gia của Ban chỉ huy Quân sự huyện, Phòng Giáo dục huyện và một số đơn vị liên quan nhằm tạo môi trường, sân chơi lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, giúp các em tránh xã các tai tệ nạn xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích, góp phần chung tay đẩy lùi các vụ tai nạn thương tâm do đuối nước trên địa bàn.
Từ 2022 đến nay, Công an huyện Đắk Mil đã chủ trì tổ chức 8 lớp thực hiện chương trình "Hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em" tại 3 hồ bơi trên địa bàn xã Đắk Lao, thị trấn Đắk Mil và xã Đắk R'la. Qua đó đã hướng dẫn cho gần 700 em nhỏ có độ tuổi từ 6-14 tuổi tham gia trải nghiệm. Kết quả có khoảng 90% các em tham gia chương trình đã biết bơi và 100% các em được trang bị những kĩ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và cách xử lý khi gặp người bị đuối nước…
Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trong độ tuổi thanh thiếu nhi; đẩy mạnh phong trào bơi lội, rèn luyện và nâng cao sức khỏe, thể chất, giúp các em hoàn thiện kỹ năng phòng vệ, tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm do đuối nước gây ra; giúp phòng tránh và hạn chế tối đa những trường hợp tai nạn đuối nước thương tâm gây ra cho trẻ em.
Đuối nước hoàn toàn có thể phòng chống nếu mỗi gia đình và cá nhân chủ động quan tâm hơn nữa và đảm bảo an toàn cho các con. Biết bơi là quan trọng nhưng chưa đủ, trẻ cần có kỹ năng an toàn trong môi trường nước để chủ động bảo vệ bản thân trong những tình huống xấu./.
Hà An
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện