Nền kinh tế các nước APAC sẽ ra sao khi thế giới đang đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19?

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) được đánh giá là những điểm sáng nhất so với các khu vực khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn đang tiềm ẩn khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã xảy ra tại một số khu vực trên thế giới.

Theo nhà kinh tế trưởng của APAC, ông Steve Cochrane, nền kinh tế hầu hết các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang dần hồi phục sẽ tăng trưởng nhanh vào năm 2021.

Trong bài báo "Khi các mảnh ghép hoàn chỉnh, kinh tế khu vực APAC sẽ dần hồi phục" của công ty tài chính Moody’s Analytics, ông Cochrane chỉ ra rằng ngoại trừ Philippines, kinh tế các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ phục hồi tích cực trong quý 3. 

Philippines là nước có thời gian đóng cửa nền kinh tế lâu nhất trong khu vực. Chỉ trong tháng này, số ca nhiễm tại Philippines đã tăng lên đáng kể.

Tại Indonesia, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu và ngày càng nghiêm trọng. Nếu không thực hiện các chính sách hạn chế xã hội một cách chặt chẽ hơn, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á này sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề trong quý 3.

Việt Nam, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc là một trong các nước mở cửa trở lại nền kinh tế sớm nhất. Các quốc gia này đã thực hiện áp dụng các biện pháp hạn chế từ rất sớm, nhờ đó tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong đều đạt mức thấp.

Thời gian gần đây, Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng đã thực hiện nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nền kinh tế các quốc gia này đang có những dấu hiệu hồi phục trong quý 3.

Báo cáo cho biết thêm, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ thúc đẩy tăng trưởng quý 3 ở các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc. Do Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của các nước trong nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghệ, ô tô và phụ tùng ô tô. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn về dầu thô và dầu cọ đối với Malaysia.

Tuy nhiên, ngành du lịch sẽ là thành phần kinh tế phục hồi chậm nhất trong khu vực APAC. Bởi các biện pháp đóng cửa nền kinh tế có thể sẽ kéo dài đến năm 2021.

Trong tương lai, chi phí ngành du lịch sẽ tăng cao và mô hình kinh doanh du lịch cũng sẽ thay đổi. Những yếu tố này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch của các nước.

Điều này có sẽ có tác động rất lớn đối với các nền kinh tế mở như Singapore hay các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Philippines và Thái Lan.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch đóng góp 10% GDP ở Thái Lan, 9% GDP tại Philippines và Việt Nam, 5% GDP đối với các nước như Malaysia và Singapore. 

Thêm vào đó, số lượng việc làm trong ngành du lịch ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Malaysia chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nước, đạt mức 14%. Tại Singapore và Hàn Quốc, con số này chiếm 13%. Tỷ lệ việc làm trong ngành du lịch tại Nhật Bản và Úc đạt hơn 12%. Tại New Zealand và Thái Lan, tỷ lệ này chiếm 11%.

Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý tại các quốc gia APAC đã yêu cầu một số ngân hàng gia hạn thời gian thanh toán nợ từ 6 đến 12 tháng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với các khoản vay tiêu dùng thế chấp.

Nền kinh tế các nước APAC sẽ ra sao khi thế giới đang đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Ông Steve Cochrane

Ông Cochrane cho biết, tính đến thời điểm này, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Úc và Nhật Bản đã có những chính sách tài khoá mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Singapore cần được hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa, do nền kinh tế các nước đang phụ thuộc lớn vào du lịch và thương mại. 

Nhìn chung, triển vọng của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) được đánh giá là những điểm sáng nhất so với các khu vực khác trên toàn cầu. Nền kinh tế những quốc gia này sẽ tiếp tục phục hồi, tuy nhiên vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuối năm nay và năm tới.

"Kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng nhanh khi nhu cầu thị trường trên thế giới phục hồi vào cuối năm nay. Đến lúc đó, nền kinh tế khu vực châu Âu và Hoa Kỳ cũng sẽ được cải thiện", ông Cochrane cho biết.

Ông Cochrane nói thêm: "Tuy vậy, tương tự như các khu vực khác trên thế giới, tình trạng tăng trưởng vẫn sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố. Đầu tiên đó là thời điểm có vắc-xin. Một yếu tố quan trọng nữa đó là thời điểm mà nền kinh tế các quốc gia APAC mở cửa và kích thích du lịch".

Hiện tại, nhiều rủi ro vẫn đang tiềm ẩn khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã xảy ra tại Hoa Kỳ cũng như một số nước khác trên thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) cần xem xét kỹ càng những rủi ro để tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và các ngành công nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Q.L

Tin mới