Mừng tuổi là một phong tục có từ rất lâu, với nhiều ý nghĩa tốt đẹp và là biểu tượng sự may mắn cho một năm mới. Ảnh minh họa/ Nam Nguyễn
Nên mừng tuổi theo khả năng kinh tế, "mối quan hệ" hay theo "mặt bằng chung"?
Mừng tuổi đầu năm vốn là một phong tục đẹp, tuy nhiên hiện nay đã có những quan điểm thay đổi khi chú trọng đến mệnh giá của tiền mừng tuổi. Để có những ứng xử hợp lý và phù hợp với văn hóa truyền thống trước những thay đổi này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với T.S Nguyễn Mai Hương – giảng viên tâm lý và văn hóa của trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.
+ Mừng tuổi là một phong tục có từ rất lâu, với nhiều ý nghĩa tốt đẹp và là biểu tượng sự may mắn cho một năm mới. Thường tiền mừng tuổi là số tiền tượng trưng và người trao – người nhận không quá bận tâm với mệnh giá đó. Nhưng dường như trong cuộc sống hôm nay, bên cạnh ý nghĩa đẹp của tiền mừng tuổi thì đã có một số thay đổi khi người trao – người nhận "để ý" hơn đến mệnh giá tiền mừng tuổi. Mệnh giá tiền tỉ lệ thuận với sự yêu quý. Là một giảng viên về tâm lý và văn hóa, bà có cảm nhận thấy đây là một "điểm khác" đang tồn tại trong Tết thời nay không?
- Theo tôi, có sự khác biệt rất lớn trong việc "mừng tuổi" cho người già và trẻ nhỏ bây giờ.
+ Bà có thể cắt nghĩa vì sao lại có sự thay đổi này?
- Trong vòng quanh cuộc sống hối hả ngày nay, có rất nhiều nét văn hóa truyền thống của Việt Nam đã bị thay đổi, trong đó có nét văn hóa "mừng tuổi" người già và trẻ nhỏ bằng tiền. Đối với một số người muốn đáp lại sự giúp đỡ của người khác mà không tiện quy ra bằng tiền mặt được thì nhân dịp năm mới họ cũng thường sử dụng hình thức cảm ơn bằng bao lì xì - "mừng tuổi", dùng hình thức này thì người nhận, lúc này là người già và trẻ nhỏ không thể chối từ được. Tuy nhiên điều đó cũng gây ra rất nhiều hệ lụy khó nói về sau và thường làm hỏng mất đi nét đẹp truyền thống "mừng tuổi" thật sự của dân tộc.
Đã có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười trong việc phải nhận tiền mừng tuổi theo kiểu này. Có những người ngại hỏi người già tiền mừng tuổi của ai là bao nhiêu để còn đáp lễ, có những trẻ nhỏ khi nhận tiền mừng tuổi thì đánh mất hoặc giấu kỹ, hoặc khăng khăng đó là tiền mừng tuổi của con phải cho con tiêu. Chính những số tiền lớn mà trẻ nhỏ nhận được trong những ngày Tết mà không được sự quản lý chặt chẽ của bố mẹ cũng gây ra rất nhiều thói quen xấu trong việc tiêu tiền của trẻ nhỏ, tiêu xài hoang phí cho những nhu cầu không chính đáng của bản thân.
+ Với những người được nhận tiền mừng tuổi là trẻ em thì gia đình có thể dạy các em không chú trọng vào mệnh giá tiền mừng tuổi mà chú trọng vào ý nghĩa, nhưng còn với người lớn – người mừng tuổi thì họ lại có những băn khoăn, không biết nên mừng tuổi theo khả năng kinh tế gia đình, theo "mối quan hệ" hay theo "mặt bằng chung" của mọi người, ý kiến của bà như thế nào?
- Đúng là người lớn chuẩn bị tiền mừng tuổi cho các cháu nhỏ năm nào cũng phải băn khoăn vấn đề tiền mừng tuổi là bao nhiêu. Tôi cũng chắc như nhiều các phụ huynh chuẩn bị tiền mừng tuổi theo nhiều loại khác nhau ở nhiều vùng miền khác nhau. Chẳng hạn, nếu như về quê ăn Tết, các cháu trong họ, cũng như trong làng rất đông thì có thể cùng bao lì xì "theo mặt bằng chung ở quê". Nếu đối với các cháu nhỏ trên thành phố thì theo các mối quan hệ nhưng phải phù hợp với kinh tế gia đình.
+ "Mừng tuổi kiểu đáp lễ" cũng là một trong những tâm lý của phụ huynh dịp Tết, vì họ không muốn người mừng tuổi cho con cái mình phải "so bì" hay ảnh hưởng đến "kinh tế", nên ai mừng tuổi con mình bao nhiêu thì bản thân sẽ mừng lại con họ bấy nhiêu. Bởi vậy rất có thể có nhiều mức tiền khác nhau để mừng tuổi trong cùng một dịp Tết. Theo bà thì có nên mừng tuổi kiểu đáp lễ như vậy không?
- Phong tục "mừng tuổi" ngày nay đã mất dần ý nghĩa thực sự của nó nhưng trên chúng ta cũng đã cùng nhau phân tích. Theo tôi, những ngày Tết đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, phong tục "mừng tuổi " bằng phong bao lì xì mầu đỏ và đồng tiền mệnh giá nhỏ mới tinh ở trong đó kèm theo lời chúc tốt lành đầu năm sức khỏe may mắn với người già, hay ăn chóng lớn đối với trẻ nhỏ trong không khí vui tươi trong gia đình các thế hệ thật là ấm áp, nghĩa tình. Mỗi gia đình nên luôn luôn dạy bảo con nhỏ trong nhà về ý nghĩa của phong tục tốt lành đó. Đối với tôi và một số gia đình trí thức bây giờ không mừng tuổi kiểu đáp lễ như vậy.
+ Có không ít người thành thật cho rằng, tiền mừng tuổi dịp Tết cũng là một mối bận tâm của không ít người, nào là chọn bao lì xì, đổi tiền mới, hay quy ra mua quà cần phù hợp với sở thích, nhu cầu người được mừng tuổi, giá trị bao nhiêu…Vậy làm thế nào để mừng tuổi mỗi dịp Tết không trở thành một nỗi lo, không ảnh hưởng quá nhiều đến kinh tế mà vẫn đem lại ý nghĩa cũng như sự vui vẻ cho tất cả mọi người?
- Chuẩn bị tiền mừng tuổi cũng là một mối bận tâm của mỗi gia đình trong những ngày Tết. Nhiều người đã quên mất nguồn gốc và ý nghĩa của việc "mừng tuổi". Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng một tất cả gia đình mọi người sẽ quây quần lại bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi chúc Tết, trước tiên con cháu sẽ chúc thọ và "mừng tuổi" ông bà, bố mẹ. Sau đó, con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao lì xì đỏ, bên trong sẽ có một ít tiền mới đấy gọi là lấy may chứa đựng sự mong muốn của ông bà là con cháu sẽ hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới trong năm mới.
Tương tự như vậy khi có khách đến chơi nhà vào những dịp Tết, nếu gia đình gia chủ có con nhỏ thì khách sẽ không quên mừng tuổi cho cháu của gia chủ kèm theo những lời chúc phúc, may mắn đầu năm, đồng thời gia chủ cũng gửi lại những lời chúc sức khỏe, may mắn phát đạt cho khách. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở "tiền" mà là lòng mong ước cầu chúc cho các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn những người lớn tuổi thì có thật nhiều sức khỏe để có thể bên con cháu thật lâu.
Nếu mỗi gia đình đều có ý thức giữ gìn truyền thống phong tục "mừng tuổi" với ý nghĩa tốt lành như vậy thì việc "mừng tuổi" mỗi dịp Tết không trở thành một nỗi lo và không ảnh hưởng quá nhiều đến kinh tế gia đình mà vẫn đem lại ý nghĩa và sự vui vẻ cho mỗi gia đình.
Cảm ơn những chia sẻ của cô.