Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở
(Tổ Quốc)- Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
Với mong muốn tiếp nhận thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa về những vấn đề mà họ quan tâm, góp thêm tiếng nói tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp được Ban Tuyên giáo và Bộ VHTTDL tổ chức, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân (GS, TS, NGND) Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
+ Thưa GS, TS, NGND Trần Văn Bính, năm 1946, trong bối cảnh mới thành lập nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, giặc Pháp vẫn lăm le xâm lược nước ta thêm một lần nữa, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
GS.TS.NGND Trần Văn Bính: Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội và hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc đã đến dự.
Đây là một sự kiện quan trọng đối với một giai đoạn văn hóa của Việt Nam ngay sau Cách mạng tháng Tám.
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Người nói tiếp đến văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại.
Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng.
Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến nhi đồng. Người thiết tha nói với các nhà văn hoá: "Tôi tin văn hóa Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng".
Kết luận, Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Dẫn lại những tư liệu về Hội nghị để thấy, Bác Hồ đã xác định, văn hóa là cái gốc, là nền tảng để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
+ Trong từng giai đoạn lịch sử, những chính sách về văn hóa của Đảng ta cũng có những phát triển phù hợp. Theo đánh giá của ông, những giá trị về văn hóa đã có chuyển biến như thế nào?
GS.TS.NGND Trần Văn Bính: Sau Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1946, cả nước lần đầu tiên triển khai thực hiện những định hướng, phương châm về văn hóa. Văn hóa Việt Nam thời điểm đó là Dân tộc, Khoa học và Đại chúng.
Quan điểm Dân tộc để làm gì? Để chống lại nguy cơ đồng hóa của thực dân Pháp đối với dân tộc mình và nguy cơ coi nhẹ những giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc chúng ta.
Quan điểm Khoa học. Chế độ phong kiến, thực dân đã làm cho dân tộc ta nghèo nàn cả về vật chất và tinh thần. Cho nên, phải đưa nhân tố khoa học vào, để dân tộc mình phát triển, mở rộng trình độ, tư duy. Ví dụ, quan niệm sống thiếu vệ sinh, không khoa học, mê tín dị đoan…phải được giảm.
Quan điểm Đại chúng là dễ hiểu, ai cũng hiểu được. Văn hóa là của đa số nhân dân chứ không phải chỉ của tầng lớp tinh hoa.
Ba tiêu chí của phương châm này đề ra trong Đề cương văn hóa năm 1943 và đến năm 1946 chúng ta tổ chức Đại hội để triển khai những tư tưởng đó.
Từ sau đổi mới, Đảng ta đã có những nhận thức đổi mới về văn hóa. Đổi mới trên cơ sở tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng của dân tộc, của cha ông và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, Văn hóa là một mặt trận… tiếp tục được kế thừa, phát triển.
Từ sau đổi mới, ngoài kế thừa những tư tưởng đó, chúng ta còn tiếp thu tư tưởng của tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là quan điểm của UNESCO- Tổ chức Văn hóa khoa học, giáo dục của thế giới- về văn hóa. UNESCO khẳng định mấy luận điểm cực kỳ quan trọng: Coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, là mục tiêu của sự phát triển kinh tế, xã hội; Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Sự kết hợp những giá trị truyền thống với những giá trị của nhân loại đã kết tinh thành quan điểm của Đảng. Điều đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của người dân.
Tuy nhiên, trong thay đổi đó có nhiều mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế và đáng lo ngại. Những hạn chế do xu thế toàn cầu hóa diễn ra một cách quá nhanh và mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động đến nhân cách, đời sống tâm lý của con người, đạo đức xã hội….
Đi vào cụ thể, chúng ta thấy rằng, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, Đảng ta đã có những quyết sách lớn về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 05 khóa 8 xác định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đó là sự phát triển của những tư tưởng mới trong tình hình mới của đất nước.
Trong những thành tựu chung đó, có những vấn đề chúng ta làm tốt nhưng cũng có vấn đề chúng ta làm chưa tốt.
Chưa tốt ở chỗ, thứ nhất, chúng ta chưa dự tính và dự báo được tính chất phức tạp của đời sống tinh thần của xã hội khi bước vào toàn cầu hóa. Chúng ta tưởng là một màu đẹp thôi. Nhưng thực ra nguy cơ rất nhiều. Bởi vì trong toàn cầu hóa như vậy, nguy cơ xâm nhập văn hóa xấu đến đời sống tinh thần là nguy cơ có thật. Thậm chí còn nguy cơ là xâm lăng về văn hóa.
Chúng ta cũng chưa hình dung ra được mặt trái của kinh tế thị trường nó dữ dội như thế nào. Chúng ta cứ tưởng kinh thế thị trường như chiếc đũa thần nhưng không phải như vậy. Nó có mặt tích cực nhưng có mặt tiêu cực. Bởi vậy, khi triển khai những tư tưởng mới, chúng ta thiếu những biện pháp cụ thể, những chế tài, quy định pháp luật để làm cho tư tưởng mới về văn hóa được triển khai sâu rộng trong đời sống.
Kinh nghiệm của Bác Hồ khi thực hiện, Bác có chủ trương rất rõ. Ví dụ, khi phải nâng cao trình độ văn hóa của người dân thì Bác phát động phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa rồi xây dựng, phát triển mạng lưới giáo dục quốc dân sau cách mạng.
+ Với Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra, ông mong muốn Hội nghị có sự quan tâm đến những vấn đề gì?
GS.TS.NGND Trần Văn Bính: Những tư tưởng lớn về văn hóa đã được Đảng đưa thành Nghị quyết trong các kỳ đại hội rất đầy đủ. Vấn đề là đưa những tư tưởng đó triển khai sâu rộng trong đời sống và có chế tài để giám sát thực hiện. Ví dụ muốn kinh tế không tác động xấu đến môi trường phải có luật, xử phạt công minh, đích đáng, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng.
Người Việt ta cơ bản vẫn giữ được lòng yêu nước, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nét nổi bật nhất, theo tôi, đó chính là lòng nhân nghĩa vẫn được phần lớn dân ta trân trọng, gìn giữ và phát huy. Khi nơi nào đó gặp hoạn nạn, thiên tai, lũ lụt, đồng bào ta luôn biết nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, bất hạnh. Nhiều phong trào từ thiện, những việc làm nhân ái xuất hiện ngày càng nhiều chứng tỏ người dân Việt Nam không mất đi truyền thống tương thân tương ái trong xã hội hiện đại. Những giá trị tốt đẹp đó cần phải được tuyên truyền, khích lệ, phát huy.
Một vấn đề quan trọng mà chúng ta phải tìm cách khắc phục là văn hóa gia đình hiện nay. Văn hóa gia đình hiện nay rất yếu. Nếu văn hóa gia đình yếu thì đừng mong văn hóa xã hội tốt. Vấn đề văn hóa xã hội là tổng hợp những mặt tích cực của văn hóa gia đình. Có thể coi văn hóa gia đình là cơ sở của văn hóa xã hội. Nhưng hiện nay, quan hệ gia đình hết sức lỏng lẻo. Khi quan hệ gia đình lỏng lẻo thì con người mất môi trường văn hóa của mình từ thủa ấu thơ, khi lớn lên thành người mất phương hướng, bất định.
+ Xin trân trọng cảm ơn GS.TS.NGND Trần Văn Bính!