NSND Nguyễn Hữu Phần: Trong giai đoạn mới, Phòng trào cần những yếu tố mới
NSND Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn nổi tiếng với bộ phim Ma làng được nhiều khán giả yêu thích chia sẻ: Tôi không phải là một nhà nghiên cứu, nhà lý luận về văn hóa mà chỉ là người quan sát, phản ánh thực tế cuộc sống của người dân trong các mối quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội… Những sản phẩm nghệ thuật mà tôi đã làm (trong đó có mảng phim về đề tài nông thôn) cũng là cách để tôi thể hiện sự quan tâm đến đời sống văn hóa cộng đồng và góp phần vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Hai mươi năm thực hiện Phong trào, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng đời sống văn hóa đã được thực hiện trong các vùng miền đất nước, các cộng đồng dân cư, khu vực kinh tế, các địa phương, gia đình… tạo ra những thay đổi đáng kể về đời sống văn hóa toàn dân.
Tuy nhiên trong thực tế đời sống vẫn còn nhiều tồn tại đáng lo ngại. Những hiện tượng, lối sống, hành động lệch chuẩn văn hóa vẫn đang tồn tại, văn hóa công sở, khu dân cư, cộng đồng làng xóm, gia đình vẫn còn khá nhiều điều đáng quan ngại. Những số liệu về tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự, vi phạm pháp luật ngày càng tăng cao đến mức báo động, cuộc sống của người dân có phần bất ổn, mất niềm tin…
Nói như vậy không phải để phủ nhận những thành tựu của Phong trào mà toàn Đảng, toàn dân ta đã làm trong hơn chục năm qua. Tôi đặt một câu hỏi, thử tưởng tượng xem, nếu không có các cuộc vận động hay phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thì cuộc sống của người dân sẽ như thế nào?. Tôi thường hay về nông thôn, giả dụ ở các làng xã không có Nhà văn hóa, Khu Thể dục thể thao rèn luyện thể chất thì liệu làng xóm, người dân, đặc biệt là giới trẻ có được thụ hưởng đời sống tinh thần, vật chất như hiện nay?.
Về những tồn tại, những biểu hiện thiếu văn hóa trong đời sống, theo NSND Nguyễn Hữu Phần, những nguyên nhân cơ bản là do sự phát triển của kinh tế thị trường chứa đựng nhiều mặt trái, phá vỡ những chuẩn mực văn hóa truyền thống, làm cho một bộ phận người dân có những thay đổi về nhận thức, lối sống, cách hành xử, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, kéo theo tình trạng mất phương hướng, suy giảm lòng tin trong giới trẻ.
Theo NSND Nguyễn Hữu Phần, với cách nhìn của ngày hôm nay, chúng ta cần bổ sung những yếu tố mới để Phong trào phù hợp với tình hình mới.
Trong đó, NSND Nguyễn Hữu Phần đề xuất, với thời đại 4.0, nên thay đổi tên gọi cho dễ hiểu, ngắn gọn, đổi mới thay vì tên cũ còn mang tính phong trào, thiếu chế tài. "Chúng ta đã có 20 năm để "vận động", phát động "phong trào " rồi, bây giờ, nên chuyển sang một thời kỳ mới với những "yêu cầu", "đề nghị", "bắt buộc" các tập thể, cá nhân, cộng đồng địa phương phải sống có văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa và có chế tài xử lý những gì đi ngược lại chuẩn mực văn hóa"- NSND Nguyễn Hữu Phần nhấn mạnh.
NSND Lan Hương: Nâng cao vai trò người nghệ sĩ trong xây dựng đời sống văn hóa
Còn NSND Lan Hương, người mẹ nổi tiếng trong bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" thì chia sẻ, nghệ sĩ, diễn viên được chuyển tải bằng yếu tố thẩm mỹ về những vấn đề đạo đức xã hội thông qua số phận của từng nhân vật, từ đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Khi cảm thụ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, công chúng đánh giá - tiếp nhận không chỉ cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài… trong cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật mà qua đó chính các tác phẩm nghệ thuật đã góp phần bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam trong suốt sự hình thành và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam.
Từ văn học nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người. Qua các tác phẩm, sự diễn xuất của diễn viên, những hoàn cảnh, những tình huống đã lột tả những tính cách, số phận của con người được tái hiện chân thực, sinh động, vừa mang tính cụ thể, khái quát cao. Qua các tác phẩm, các nghệ sĩ, diễn viên có vị trí quan trọng trong chuyển tải các lý tưởng, nguyên tắc đạo đức tới mọi đối tượng một cách nhẹ nhàng, nhưng lại hết sức sâu sắc. Với sự nghiệp cao cả đó đã đặt ra cho người nghệ sĩ phải có trách nhiệm lớn lao là đem tác phẩm nghệ thuật để giáo dục, bồi dưỡng hình thành nhân cách, vun trồng đời sống tâm hồn trong sáng, phong phú, tinh tế, nhân hậu cho con người.
NSND Lan Hương đặt ra vấn đề, trước sự xuống cấp của đạo đức xã hội, văn học nghệ thuật và người nghệ sĩ phải làm gì?. Đó chính là trách nhiệm công dân, nghĩa vụ, đạo đức của giới nghệ sĩ, diễn viên, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhấn mạnh vai trò của người nghệ sĩ trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, NSND Lan Hương cho rằng, cần nâng cao chất lượng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật bằng cách bồi dưỡng tài năng nghệ thuật, ưu đãi theo nghề và lao động biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các liên hoan phim, liên hoan sân khấu và các cuộc thi để nâng cao trình độ biểu diễn cho các nghệ sĩ, diễn viên qua đó trao đổi học tập kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ biểu diễn và trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
NSND Quốc Trị: Nâng cao vai trò gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa
Thực trạng mỗi gia đình về đạo đức lối sống không nằm ngoài quá trình phát triển của xã hội. Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, rừng núi, hải đảo, để thích nghi với sự phát triển của đất nước, nảy sinh những bất cập, được mất mà mỗi gia đình, mỗi thành viên, nói cụ thể là mỗi con người phải lựa chọn.
NSND Quốc Trị (Ảnh: Tiin, Người nổi tiếng)
Trong cuộc sống hôm nay, lối sống gia đình ở thành phố bị thu hẹp, nếp sống đoàn tụ "tam đại đồng đường", "tứ đại đồng đường" hầu như không còn. Hầu hết các gia đình, trẻ con đi học, người lớn đi làm, bữa trưa trong một gia đình đã gần như không tồn tại. Sau những bữa cơm tối, ai nấy về phòng nghỉ, trẻ con không được nghe lời ru của mẹ, ít được bố mẹ chăm sóc mà thay vào đó là osin. Vợ chồng vì sức ép của công việc mà cũng không có thời gian tâm sự, thay vào đó là nhắn tin, điện thoại. Các cháu ở tuổi nhi đồng, thanh niên cần sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ thì không mấy khi được đón nhận. Các cháu lại tự tìm đến những trò chơi trên điện thoại, mạng internet… Ở nông thôn, nhiều vùng chỉ còn lại người gia và trẻ nhỏ. Đó là những thách thức trong xây dựng đời sống văn hóa.
Kết cấu gia đình không vững thì văn hóa gia đình, văn hóa của trẻ em không được bồi đắp. Bây giờ, ra đường không gặp các cháu nhỏ khoanh tay chào người lớn, những điểm sinh hoạt vui chơi mang tính cộng đồng không được quan tâm, không khơi dậy được tình thương yêu, đoàn kết, chia sẻ trong các cháu nhỏ. Đó là một điều đáng lo ngại. Để xây dựng đời sống văn hóa, theo NSND Quốc Trị, cần nâng cao vai trò của các gia đình. Tháo gỡ những vướng mắc, bật cập để đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người được nâng cao./.