(Toquoc)- Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, với một bài thơ lục bát không dài, một thể loại thơ truyền thống rất Việt Nam đã cho đem đến những người yêu thích thơ ca được thưởng thức một tuyệt phẩm, vừa để tỏ lòng tri ân với đức tổ Hùng Vương, vừa nhắc nhở muôn đời con cháu luôn phải biết hướng về nguồn cội như các cô gái trên xóm núi Thậm Thình xưa.
Qua Thậm Thình
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Báng chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi
Đẹp lòng vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình...
Cối thơm thơm cả nghĩa tình nước non.
Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao nắng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây... Thậm Thình!
Nguyễn Bùi Vợi
(Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam - Nxb Văn học, 1995)
Nghìn năm nước non vọng tiếng Thậm Thình
Bài thơ viết cách đây gần hai mươi năm và người thơ cũng đã về với thiên cổ từ lâu. Vậy mà khi đọc lên ta cảm thấy hình như bài thơ vừa mới được viết và người thơ như còn ở đâu đây quanh xóm núi Thậm Thình. Đấy là hồn cốt của thơ vậy.
Hẳn ai cũng biết, cho đến nay thơ viết về các Vua Hùng và vùng đất Tổ Phong Châu không phải là ít. Nhưng những bài đọng lại trong tâm trí ta lại không nhiều. Thế mới biết để viết được một bài thơ hay sống mãi với thời gian quả là chỉ có sự may mắn. Cái may mắn ấy là sự tương phùng, tương ngộ giữa người và cảnh, giữa cảnh và tình, sao cho trong cảnh có người, trong người có tình và trong tình có cảnh. Ấy là sự khó của thơ từ thiên cổ.
Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều), tức là cảnh đấy cũng là người đấy, người đấy cũng là tình đấy. Ở đây nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã làm được một điều tương tự mà không phải ai cũng có thể.
Bài thơ như một bức tranh tả cảnh thiên nhiên của xóm núi có tên Thậm Thình. Tuy nhiên chỉ cần xướng lên, người đọc đã nghe âm vang gợi nhớ tiếng chày xưa giã bánh dầy giò, những động tác lao động có từ ngàn xưa của ông cha ta, một hoạt động rất đặc trưng của những cư dân lúa nước. Đấy là nguyên cớ phát lộ và dẫn dắt xúc cảm của người thơ Nguyễn Bùi Vợi. “Đi qua xóm núi Thậm Thình/ Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm”. Và mạch thơ cứ thế tuôn trào một cách tự nhiên, không cần uốn éo, cầu kỳ, sắp đặt câu chữ rườm rà, rắc rối gì: “Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này”. Chuyện vua chúa ngày xưa đi săn, mỏi chân nghỉ lại một nơi nào đó, không phải là chuyện hiếm lạ. Ngày nay, ngay cả ông Tổng thống nước Nga, Putin còn đi săn nữa là.
Thế nhưng đến hai câu tiếp theo mạch thơ đã tạo nên một sự bất ngờ thú vị. Lẽ thường, Vua đi đâu có bầu đoàn thê tử đi hầu hạ, nâng khăn sửa túi cho Ngài, chẳng ai phải bận lo. Nhưng khi: “Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi” đã làm Ngài cảm kích trước tấm lòng thơm thảo của người dân. Còn người dân thì chỉ nghĩ một cách giản đơn, mộc mạc là giữa trưa bóng nắng tròn xoe đỉnh đầu mà có người ngồi đó. Vậy là họ thương vua đói như thương người ruột thịt, thân thiết. Điều này thể hiện tấm lòng vị tha, hỉ xả “thương người như thể thương thân”, một truyền thống lâu đời, một ứng xử văn hóa cao cả, chắc chỉ có ở người dân xóm núi Thậm Thình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Bức tranh chưa vẽ xong và câu chuyện về vị Vua đi săn chưa dừng lại ở đấy. Mạch thơ vừa tuôn trào, vừa được đẩy đến cao trào của cảm xúc khi câu chuyện dường như muốn tìm một lối rẽ khác, nhưng vẫn trong nguồn mạch cảm xúc ấy. “Đẹp lòng vua phán bầy tôi/ Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà”. Quyết định của Vua cũng là tuân theo lẽ thường tình vậy: “đất lành, chim đậu”.
Giã gạo để gói bánh chưng, bánh dầy là một dạng thức lao động mệt nhọc, vất vả. Nhưng ở đây đã được nhà thơ đưa vào trong khung cảnh huyền tích, nên động tác giã gạo trong tay hàng trăm cô gái như những nàng tiên sa trở thành những điệu múa vừa uyển chuyển, mềm mại, không những làm giảm đi cảm giác mệt mỏi, mà còn tạo nên một bức tranh nghệ thuật giàu chất thơ: “Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình”.
Đến đây từ hình tượng đến ngôn ngữ, giọng điệu thơ được đẩy lên một cao trào mới vừa cụ thể: “Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình...” vừa có tính khái quát cao: “Cối thơm thơm cả nghĩa tình nước non”. Các cô gái giã gạo không còn là một động thái lao động thường nhật, giản đơn mà giã gạo dâng hiến cho Vua, người đứng đầu quốc gia, dân tộc, nên ý nghĩa của việc giã gạo ấy đã vượt qua không gian của xóm núi và thời gian hàng ngàn năm để đến với muôn đời con cháu về sau.
Hôm nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dấu tích xưa có thể bị thời gian xóa mờ. Nhưng tấm lòng thơm thảo của người dân đối với vị Vua có công lập quốc thì vẫn còn đây. Hàng năm, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười, tháng Ba”, người dân cả nước lại lên đây thắp ném tâm nhang tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với vị Vua đầu tiên lập ra nhà nước Văn Lang. Và hơn thế còn biết ơn một ông Tổ đã có công truyền nghề trồng lúa nước, dệt vải để đem lại cuộc sống no đủ cho muôn dân trăm họ.
Nhưng dù vật đổi, sao dời, nghĩa tình vua tôi tự ngàn năm vẫn ấm nồng như ánh nắng, trong xanh như trời cao và tiếng chày thậm... thình còn vang vọng mãi đến sau xa: “Không còn dấu cũ lầu son/ Phía sau thành phố khói vờn trong mây/ Trời cao nắng tỏa đường cây/ Nhịp chày xưa thoảng đâu đây... Thậm Thình!
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, với một bài thơ lục bát không dài, một thể loại thơ truyền thống rất Việt Nam đã cho đem đến những người yêu thích thơ ca được thưởng thức một tuyệt phẩm, vừa để tỏ lòng tri ân với đức tổ Hùng Vương, vừa nhắc nhở muôn đời con cháu luôn phải biết hướng về nguồn cội như các cô gái trên xóm núi Thậm Thình xưa./.
Ngọc Đỗ