Ngỡ ngàng với vẻ xa hoa, tráng lệ của "thành phố lăng mộ" nghìn tỷ bậc nhất Việt Nam
(Tổ Quốc) - Tuy không phải là địa danh du lịch, nghĩa trang làng An Bằng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn thu hút sự tò mò của nhiều du khách với những khu lăng mộ được xem là xa hoa, tráng lệ bậc nhất ở Việt Nam.
Làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) lâu nay được nhiều người biết đến là nơi có khu lăng mộ được xây dựng xa hoa, tráng lệ bậc nhất Việt Nam. Dù không phải là một địa danh du lịch, làng vẫn nổi tiếng và được nhiều người tìm đến bởi biệt danh từng lên các trang báo nước ngoài: "thành phố lăng mộ".
Theo tìm hiểu, An Bằng xưa vốn là một làng chài nghèo của xã Vinh An. Cuộc sống của người dân làng An Bằng bắt đầu thay đổi khi khoảng năm 1990, nhà nước cho phép người Việt định cư ở nước ngoài gửi tiền về cho người thân ở trong nước. Nhiều con em làng An Bằng sinh sống ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ) đã gửi tiền về cho người thân. Từ nguồn tiền này, người dân có điều kiện tậu xe, làm nhà, chăm lo cho đời sống nhiều hơn.
Cuộc sống dần sung túc, đầy đủ, "phú quý sinh lễ nghĩa", người dân An Bằng cũng bắt đầu suy nghĩ về việc chăm sóc mồ mả, kiến thiết lăng mộ cho ông bà, tổ tiên. Với tâm lý "sống cái nhà, thác cái mồ", mình sống trên này nhà cao cửa rộng thì người đã mất cũng phải được chôn cất ở nơi khang trang, đẹp đẽ hơn. Những lăng mộ xa hoa, tráng lệ từ đó đua nhau mọc lên như nấm trong khu nghĩa địa của làng.
"Thành phố lăng mộ" An Bằng hiện nay rộng khoảng 40ha nằm trải dài trên phần đất 4 thôn: Bằng Thượng, Trung Hải, Đình Hải và An Mỹ với hàng ngàn lăng mộ nằm chen chúc nhau. Thậm chí, những người thợ nề chuyên xây lăng mộ ở đây cũng không thể nhớ nổi con số chính xác là bao nhiêu.
Đi dọc theo con đường vào làng An Bằng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với những lăng mộ tráng lệ đủ kích cỡ, kiểu dáng nằm hai bên đường, xen lẫn với khu dân cư. Có những lăng mộ cao đến 7-8m, rộng gần 400m2, cao gần bằng căn nhà 2 tầng.
Nét độc đáo của khu lăng mộ không chỉ nằm ở quy mô mà còn bởi bởi kiến trúc xây dựng khi đa dạng phong cách từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo đến Nho giáo… kết hợp những nét đặc trưng kiến trúc lăng mộ ở Huế được các thợ xây sáng tạo theo ý nguyện của gia chủ.
Nhìn chung các lăng mộ đều thiết kế như lăng tẩm vua chúa, cũng tam quan với mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành... Các hạng mục lăng mộ rực rỡ sắc màu với những tác phẩm khảm sành sứ từ bàn tay khéo léo của những người thợ giỏi nhất trong vùng.
Cũng bởi đồ sộ về quy mô, cầu kỳ về kiến trúc mà chi phí để làm nên những lăng mộ tại An Bằng rất cao, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, bình quân 1-1,2 tỷ đồng/lăng. Có những "siêu lăng" giá 4-5 tỷ đồng, phải mất hơn nửa năm thi công với đội thợ hàng chục người mới hoàn thiện.
Họa tiết được khảm sành sứ ở các lăng khá giống với cách trang trí tại lăng Khải Định khiến nhiều người phải trầm trồ về sự cầu kỳ và bàn tay khéo léo của những người thợ.
Khác với sự lạnh lẽo thường thấy như những nghĩa trang khác, "thành phố lăng mộ" An Bằng gây cho nhiều người sự tò mò và hiếu kỳ. Không ít người khi nghe tên đã tìm đến tận nơi để được mục sở thị. Tham quan khu nghĩa trang này nếu không quen đường hoặc nhờ người dân chỉ dẫn giúp thì chuyện bị lạc cũng không lấy gì làm lạ.
Một điều khá đặc biệt ở "thành phố lăng mộ" là nhiều người còn xây sẵn lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Những bậc cao niên làng An Bằng cho hay, việc xây lăng trước là để khi nhà có người nhà quy tiên không còn phải xây nữa. Hơn nữa, việc xây lăng trước thì lúc nào cũng đàng hoàng, cẩn thận hơn.
Sự xa hoa tráng lệ của "thành phố lăng mộ" cũng phần nào giúp nhiều người dân trong vùng có công ăn việc làm. Ở đây công việc xây dựng, sửa chữa lăng mộ hầu như diễn ra quanh năm, trừ những lúc mưa gió nên những người thợ xây, thợ kép, phụ nề luôn có việc. Nhiều đội thợ còn không dám nhận nhiều vì sợ làm không hết.
Một số người dân khác thì kiếm thêm được thu nhập từ việc vận chuyển đất đá, gạch, cát bằng xe trâu để phục vụ việc xây sửa lăng hay được thuê để trông nom, hương khói cho những lăng mộ có gia chủ ở xa.
Được biết, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tăng cường vận động người dân không nên quá lãng phí tiền bạc để xây dựng lăng mộ. Tuy quy mô, số lượng có phần giảm, nhưng để bỏ hẳn được tâm lý này quả thật không hề dễ dàng.
Lê Chung