Người bệnh tiểu đường có được uống nước mật ong không? Chuyên gia đưa ra câu trả lời và gợi ý 4 thức uống giúp đường huyết ổn định

(Tổ Quốc) - Ăn đồ ngọt mà vẫn an toàn với đường huyết là niềm mong mỏi của nhiều bệnh nhân đái tháo đường. Một số người tìm đến mật ong như một giải pháp thay thế cho đường thông thường.

Tiểu đường là căn bệnh có yêu cầu phải chế độ ăn uống khắt khe. Nếu người bệnh tiêu thụ đồ ăn không hợp lý có thể gây biến động đường huyết, ảnh hưởng xấu đến việc kiểm soát bệnh tình đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác nhau. 

Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường muốn khỏe mạnh thì cần đặc biệt chú trọng lựa chọn các loại thực phẩm nạp vào cơ thể. Ngoài những món ăn quen thuộc, nhiều người phân vân không biết người tiểu đường có được sử dụng mật ong hay không?

Vốn dĩ người bệnh đã phải kiêng khem đồ ngọt nên việc không thể tránh khỏi tình trạng thèm những món có đường. Một số người cho rằng mật ong không phải là đường nên người bị đái tháo đường có thể sử dung. Một số khác lại cho rằng mật ong ngọt nên sẽ ảnh hưởng đường huyết, tốt nhất không nên ăn.

Người tiểu đường có được uống nước mật ong không?

Vì mật ong là một loại đường tự nhiên và có carbohydrate nên nó vẫn ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết ở mức nhất định. Tuy nhiên, khi so sánh với đường ăn, mật ong có ảnh hưởng ít hơn.

Một nghiên cứu năm 2004 đã đánh giá tác động của mật ong và đường ăn đối với lượng đường trong máu. Nghiên cứu này đã thực hiện khảo sát cả ở những người bình thường và bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở nhóm những người mắc bệnh tiểu đường, mật ong gây ra sự gia tăng lượng đường trong máu trong vòng 30 phút sau khi tiêu thụ. Tuy nhiên, đường huyết của người tham gia sau đó đã giảm và duy trì ở mức thấp hơn trong hai giờ. 

Người bệnh tiểu đường có được uống nước mật ong không? Chuyên gia đưa ra câu trả lời và gợi ý 4 thức uống giúp đường huyết ổn định - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Healthline

Bệnh nhân tiểu đường có thể uống nước mật ong nhưng nên uống mật ong có đường fructose (đường đơn). Thành phần chính của mật ong là đường fructose và glucose, hàm lượng đường saccharose trong mật ong tự nhiên rất nhỏ không quá 5%.

Fructose cũng giống như glucose, dễ tiêu hóa và hấp thụ nhưng sau khi hấp thụ sẽ không chuyển hóa trực tiếp thành đường trong máu. Quá trình chuyển hóa đường fructose không cần sự tham gia của insulin nên bệnh nhân tiểu đường có thể uống một ít mật ong.

Đối với những người muốn thêm mật ong vào chế độ ăn uống của mình, mọi người nên ưu tiên chọn mật ong nguyên chất, hữu cơ hoặc mật ong thô tự nhiên. Những loại này an toàn hơn cho người bị bệnh tiểu đường vì mật chúng không có thêm đường.

Muốn đánh giá mật ong chủ yếu là đường fructose hay glucose, bạn có thể cho mật ong vào tủ lạnh xem có tinh thể không. Nhìn chung mật ong sẽ kết tinh ở khoảng dưới 13°C. Phần tạo ra tinh thể là glucose, còn phần không kết tinh đó là fructose. 

Nếu mật ong làm mát không bị đông hoàn toàn, người bệnh tiểu đường có thể tự tin uống. Tuy nhiên, nên uống có chừng mực, tốt nhất là 1-2 thìa mỗi ngày và nên uống sau bữa ăn hai tiếng, nếu uống ngay sau bữa ăn có thể làm tăng lượng đường trong máu đột ngột..

Các chuyên gia cũng cảnh báo dù có thể sử dụng nhưng mật ong nên được tiêu thụ ở mức vừa phải. Bệnh nhân cũng nên trao đổi trước với bác sĩ để được tư vấn lượng sử dụng hợp lý nhất.

Người bệnh tiểu đường có được uống nước mật ong không? Chuyên gia đưa ra câu trả lời và gợi ý 4 thức uống giúp đường huyết ổn định - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: DNA India

Người bệnh tiểu đường có thể uống thức uống nào?

1. Nước lọc

Nước là thức uống tốt nhất cho những người mắc bệnh tiểu đường nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường nên uống nhiều nước để đào thải lượng đường dư thừa trong nước tiểu. 

Nếu bệnh nhân hạn chế uống nước quá mức hoặc không uống đủ nước, máu sẽ bị cô đặc khiến lượng đường dư thừa và các chất cặn bã, rác thải trong cơ thể không thể đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Điều này gây ra nhiều hại cho sức khỏe. 

2. Sữa

Mặc dù sữa cũng chứa một lượng đường nhất định nhưng tỷ lệ khá thấp, chỉ 3,4%. Con số này thấp hơn so với các loại rau củ quả thông thường, ít ảnh hưởng đến đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường. 

Bệnh nhân đái tháo đường có thể uống một lượng sữa nhất định, tốt nhất là 1-2 cốc mỗi ngày. Ngoài ra, canxi và các chất dinh dưỡng khác trong sữa là những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể. 

Có một điều cần lưu ý, sữa ở đây là sữa không đường.

Người bệnh tiểu đường có được uống nước mật ong không? Chuyên gia đưa ra câu trả lời và gợi ý 4 thức uống giúp đường huyết ổn định - Ảnh 3.

Hình minh họa. Ảnh: Daily Express

3. Sữa đậu nành

Sữa làm từ đậu nành mang lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân đái tháo đường. Đậu nành là loại hạt chứa nhiều thành phần có tác dụng sinh lý như oligosaccharid, saponin, isoflavone… 

Những thành phần này không chỉ có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể mà còn có tác dụng hạ lipid máu, đồng thời tác động đến nồng độ các hormone như insulin và glucagon, có vai trò hạ đường huyết .

4. Trà

Trà cũng là thức uống phù hợp hơn với bệnh nhân tiểu đường. Trong trà nói chung có nhiều chất dinh dưỡng như theophylin, vitamin, nguyên tố vi lượng… có tác dụng giải tỏa mệt mỏi, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, lợi tiểu, hạ huyết áp và hạ lipid máu.

Quan trọng hơn cả là trà không chứa đường nên bệnh nhân tiểu đường có thể uống được thoải mái. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên uống trà quá đậm đặc, nếu không có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Theo Abolouwang, WebMD

Người bệnh tiểu đường có được uống nước mật ong không? Chuyên gia đưa ra câu trả lời và gợi ý 4 thức uống giúp đường huyết ổn định - Ảnh 4.

Thùy Anh

Tin mới