• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người lao động tại Thừa Thiên Huế được hỗ trợ tích cực từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Kinh tế 29/09/2021 14:28

(Tổ Quốc) - Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối tượng lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành đã di chuyển về địa phương tránh dịch COVID-19 được tổ chức vào cuối tháng 9, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu cần có các giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân, tạo nguồn lao động cho tỉnh.

Quan tâm, hỗ trợ việc làm cho người trở về từ vùng dịch

Theo thống kê của ngành LĐTB&XH, đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 25.160 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương chủ yếu lao động tập trung các ngành: dệt may chiếm tỷ lệ 37%; xây dựng chiếm tỷ lệ 14,1%; dịch vụ chiếm tỷ lệ 13%; nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ 4,6%; vận tải kho bãi chiếm tỷ lệ 3,2%; ngành nghề khác chiếm tỷ lệ 28,1%. Trong đó có nhu cầu học nghề 1.431 lao động, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm 4.618 lao động, nhu cầu giới thiệu việc làm 9.791 lao động, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 342 lao động.

Người lao động tại Thừa Thiên Huế được hỗ trợ tích cực từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động sớm tìm kiếm được việc làm mới, ổn định cuộc sống cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tuyển dụng lao động có tay nghề, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chủ trương, kế hoạch cùng nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong đó, chỉ đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các sở, ban, ngành và  các địa phương liên quan tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp. Tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động cho người lao động từ các tỉnh, thành khác về. 

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao các sở, ngành, đơn vị có có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động; có chính sách ưu tiên đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19…

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động bị mất việc làm, thời gian vừa qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ lao động thất nghiệp tại 3 điểm tiếp nhận của trung tâm. Lực lượng các bộ, nhân viên của Trung tâm luôn túc trực, sẵn sàng tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.

Người lao động tại Thừa Thiên Huế được hỗ trợ tích cực từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 2.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho người lao động đến đăng ký làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hình thức kết nối cung cầu lao động bằng những hình thức khác nhau như: tư vấn trực tuyến, qua website vieclamhue.com.vn, qua fanpage Việc Làm Huế, tổ chức các buổi phỏng vấn trực tuyến cho các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Đảm bảo, duy trì hoạt động thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chính sách BHTN đã hỗ trợ tích cực cho người lao động

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, đơn vị này đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp qua trang Fanpage "Việc làm Huế". Qua đó, tư vấn việc làm cho 10.070 lượt người lao động; Giới thiệu việc làm thành công cho 479 lao động.

Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng đã hỗ trợ tích cực cho lao động bị mất việc làm trên địa bàn. Cụ thể, đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 7.010 người với số tiền chi trợ cấp thất nghiệp hơn 105,6 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 491 người với số tiền chi hỗ trợ học nghề hơn 2,1 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh.

Người lao động tại Thừa Thiên Huế được hỗ trợ tích cực từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp 

Clip: Việt Hùng

Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về tình hình triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối tượng lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành đã di chuyển về địa phương do tránh dịch COVID-19, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ngành LĐTB-XH hội phải tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết việc làm cho người dân, có giải pháp tạo nguồn lao động cho tỉnh. Trong đó, cần phân tích cụ thể các vướng mắc, có các giải pháp kịp thời đảm bảo việc kết nối giữa cung và cầu lao động một cách cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, những thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước phải đưa đến với các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp và người dân. Vì vậy việc thông tin tuyên truyền phải thực hiện hiệu quả, thực tế, thiết thực hơn, đặc biệt là phải giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động. Quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển kinh tế để thu hút người lao động.

Cần phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu.

Ngoài ra, cần phải thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết 84/NQ-HĐND của HĐND tỉnh./.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ