• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người trồng hồng làng Xuân Quan: Mọi thứ đều tăng, trừ giá hoa

Thời sự 17/01/2022 13:41

(Tổ Quốc) - "Mọi thứ đều tăng giá, trừ hoa hồng" – anh nông dân Nguyễn Quốc Đại chia sẻ với chúng tôi bên chén trà, trầm ngâm suy ngẫm về bốn mảnh vườn đang còn gần 1.000 gốc hồng ta cổ và vài chục bom hồng ngoại tới kỳ bán Tết.

Lượng tiêu thụ hoa hồng giảm mạnh

Hàng năm, tới thời điểm này, người nông dân làng Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên gần như không có nhiều thời gian để nhấp chén trà như anh Đại.

Từ tờ mờ sáng, người dân bên làng hoa nổi tiếng này đã phải dậy để mỗi người một vườn,  liên tục chăm cây, tưới nước trước khi cả ăn bữa sáng. Và sau đó họ lại tất bật, không biết mệt mỏi bốc xếp cây lên các xe tải từ Bắc chí Nam... Cây hoa hồng đã giúp nhiều người nông dân ở đây có thu nhập cao.

Nhưng đó là cảnh tượng của những năm trước khi đại dịch Covid-19 chưa "ngấm" về làng hoa như năm nay.

Người trồng hồng làng Xuân Quan: Mọi thứ đều tăng, trừ giá hoa  - Ảnh 1.

Hồng cổ Huế, một trong những giống hồng ta nổi tiếng ở làng Xuân Quan.

Ông Vũ Chí Thành, xóm 4, xã Xuân Quan cho biết, gia đình ông thuê 1,5 mẫu để trồng hồng chia thành nhiều vườn để ươm, chăm cây và giới thiệu cho khách. Mọi năm, gia đình ông thường bán được tầm 9.000 bịch lẫn chậu hồng ngoại và tới thời điểm cận Tết như thế này thì thường bán được 80% số cây của các vườn.

"Mọi năm gia đình tôi bán quanh năm kể cả mùa hè – là mùa hồng rơi vào thời điểm bán ngủ nghỉ. Khách hàng chủ yếu là từ các tỉnh phía Nam. Hay tới thời điểm này thì khách thường đặt mua những chậu hoa to đẹp để biếu, tặng hoặc trang trí nhà cửa. Nhưng năm nay thì hiếm hoi khách" – ông Thành nói và cho biết thêm, người trồng hồng hạnh phúc nhất là lúc được xếp cây lên ô tô, khi ấy bất kể 12h trưa nóng bức, bỏ ăn bỏ uống hay đêm hôm rét mướt bốc cây hùng hục mà không hiểu sức mạnh ở đâu dù đã có chút tuổi.

Ông Thành là một trong những nông dân trồng hoa hồng được cho là có kỹ thuật lành nghề của làng hoa này. Rất nhiều chậu hồng ngoại của gia đình ông đã được đưa vào tận Phú Quốc hay Đà Lạt.

"Năm nay chúng tôi phải làm thêm hàng nền, lá – tức là các giống hoa ngắn ngày, trang trí tiểu cảnh như dạ yến thảo, xác pháo, thược dược... để bán Tết. Còn lại phải chuyển sang trồng hồng cổ do dịch giã, các tỉnh phía trong không mua hồng ngoại nữa"- ông Thành cho biết và chia sẻ thêm "gia đình cũng không dám có ý định thuê thêm vườn để làm trong năm tới".

Người trồng hồng làng Xuân Quan: Mọi thứ đều tăng, trừ giá hoa  - Ảnh 2.

Ông Vũ Chí Thành, bên phải ảnh, chăm giống hồng ngoại Lafont.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nhà vườn trồng hoa hồng ở làng Xuân Quan lao đao, vì đa phần ở đây chuyển hoa cho các tỉnh, thành phía Nam. Bình thường, các xe tải từ miền Nam chở hoa quả ra miền Bắc, chiều về rỗng thường lấy hoa tại làng hoa Xuân Quan chở vào. Các giống hồng ngoại cũng phù hợp với thời tiết phía Nam hơn.

"Đã dịch thì chớ, vật tư đầu vào cho trồng hoa đều tăng khiến chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Một bao tải phân tăng tới 60.000 đồng giờ là 470.000 đồng. Một tháng sẽ tốn khoảng 15 triệu tiền phân, thuốc hay các vật tư khác. Ngoài ra chi phí nhân công thuê 2 người chăm thêm 15 triệu đồng. Tiền thuê đất tầm 60-70 triệu đồng/mẫu và phải trả trong 5 năm liền. Mọi thứ đều tăng trừ giá hoa hồng"- anh Nguyễn Quốc Đại, xóm 10, Xuân Quan cho hay.

Người trồng hồng làng Xuân Quan: Mọi thứ đều tăng, trừ giá hoa  - Ảnh 3.

Gia đình anh Nguyễn Quốc Đại dùng xe cẩu chuyển một thống hồng cổ phấn đào ra sát mặt đường để chào bán cho khách chơi Tết.

Chuyển sang trồng thêm các giống cúc cổ, hồng ta

Không chỉ giá các vật tư đầu vào tăng, ngay cả giá các cuốc xe chở cây đi Hà Nội hay ngoại tỉnh cũng tăng. Dù tháng cận Tết, nhu cầu mua của thị trường có tăng hơn so với những tháng trước nhưng người mua vẫn phải cân nhắc nhiều yếu tố trong đó có giá vận chuyển.

Để phục vụ khách mua lẻ ở thị trường Hà Nội, mỗi chuyến xe chở cây sang thường có giá từ 450.000 đồng tới cả triệu bạc tùy xe máy hay ô tô. Việc này cũng khiến các nhà vườn hay thương lái "đau đầu" vì tiền phí vận chuyển tăng cao. Để bán được cây, nhiều nhà vườn phải chấp nhận bù thêm tiền vận chuyển, đồng thời chuyển sang các giống cây nhỏ hơn để cùng một công vận chuyển, có thể bán được thêm nhiều loại cây hoa nhỏ khác như cúc mâm xôi, cúc cổ Sơn La...

Người trồng hồng làng Xuân Quan: Mọi thứ đều tăng, trừ giá hoa  - Ảnh 4.

"Trồng hoa hồng quan trọng nhất là nước tưới"- anh Trịnh Văn Sơn chia sẻ.

Làng hoa Xuân Quan những năm gần đây nổi tiếng với việc trồng các giống hồng ngoại. Tuy nhiên, năm qua nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, nhiều vườn hoa ở đây đã không được chăm sóc. Cộng với việc thời tiết không thuận lợi, nhiều giống hồng ngoại đã không "trụ" được. Nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng các loại hồng ta cổ như hồng cổ Sa Pa, hồng phấn đào, hồng cổ Huế, tường vi, hồng bạch...

"Các giống hồng ta cây thường đã thuần với thời tiết khắc nghiệt của phía Bắc, chống chịu sâu bệnh tốt, sai hoa và chăm nhàn hơn, ít phải phun thuốc hơn, thời gian chơi cây dài hơn các loại hồng ngoại. Hồng ngoại thường khó chăm hơn với khí hậu ở miền Bắc"- anh Trịnh Văn Sơn, xóm 10 xã Xuân Quang nói.

Anh Trịnh Văn Sơn cũng cho hay, người trồng hoa hồng quan trọng nhất là chịu khó tưới nước. Tiếp theo mới là phân bón. "Tôi thấy mọi người hay truyền tai nhau cách chăm bỏ trứng xuống gốc cây, hay bón sữa cho cây hồng... nhưng cách chúng tôi làm truyền thống ở đây là không cần thiết phải bón những thứ đó. Chúng tôi thường mua cá sống rồi ủ một năm, hay đỗ tương nghiền, thi thoảng rắc trên mặt đất, khi tưới, những thứ này sẽ tự ngấm xuống gốc"- anh Trịnh Văn Sơn chia sẻ./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ