(Tổ Quốc) - Những năm qua, nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển của ngành văn hóa nước ta. Tuy đã đạt được những thành tựu, nhưng tình trạng thiếu và yếu của nguồn nhân lực ngành văn hóa vẫn cần có những chính sách mạnh mẽ để nguồn lực con người có bước đột phá, tạo đà cho công cuộc chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
LTS: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu một trong những nhiệm vụ trong tâm của nhiệm kỳ là: Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Trong đó, Đột phá chiến lược là: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài… Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong những giải pháp để phát triển văn hóa đó là: Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật.
Những năm qua, nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển của ngành văn hóa nước ta. Tuy đã đạt được những thành tựu, nhưng tình trạng thiếu và yếu của nguồn nhân lực ngành văn hóa vẫn cần có những chính sách mạnh mẽ để nguồn lực con người có bước đột phá, tạo đà cho công cuộc chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thiếu hụt đội ngũ làm văn hóa nghệ thuật đang là vấn đề trở thành nguy cơ cản trở sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
Về nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật, tính đến 30.6.2021 tổng số nhân lực ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong cả nước là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 19.751 người; lĩnh vực thể dục thể thao: 10.199 người; lĩnh vực du lịch: 870.000 người, trong đó 18.907 người phục vụ ở cả 3 lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.
Theo số liệu thống kê đến nửa đầu năm 2021, tổng số chỉ tiêu được giao cho 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm viên chức, người lao động là 1.049 người. Thực tế tổng số cán bộ, viên chức và người đang lao động tại 12 đơn vị nghệ thuật là 1.316 người... Một con số đáng để chúng ta suy nghĩ, cho thấy phần nào sự thiếu hụt về đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp ngay ở các đơn vị nghệ thuật Trung ương.
Còn tại các địa phương, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa nghệ thuật phải phụ trách, quản lý khá nhiều mảng, có nhiều hoạt động nhưng số lượng cán bộ văn hóa hiện này còn mỏng. Ở cấp Sở (tỉnh, thành phố), đội ngũ cán bộ văn hóa được biên chế ở các phòng chuyên môn như phòng Nghiệp vụ văn hóa, phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, phòng Quản lý di sản với mức định biên cán bộ khoảng từ 5-7 người/phòng. Ở cấp huyện, cán bộ văn hóa được định biên từ 5-7 người, làm việc ở phòng Văn hóa Thông tin.
Làm rõ hơn điều này, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "Số lượng cán bộ văn hóa hiện nay vẫn đang thiếu, đặc biệt là trong những ngành nghệ thuật. Ví dụ như giáo viên trong các trường văn hóa – nghệ thuật, diễn viên trong các đoàn nghệ thuật biểu diễn của tỉnh, đặc biệt là ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo… Nguyên nhân là do công tác đào tạo chuyên ngành nghệ thuật ở các trường đại học rất khó khăn, khó tuyển sinh đạt đủ chỉ tiêu. Học sinh ngày nay không còn nhiều em mặn mà với các ngành nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống.
Các đoàn nghệ thuật phần lớn phải chuyển sang tự chủ nên gặp khó khăn về kinh phí. Các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay không còn hấp dẫn một bộ phận lớn khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ nên các đoàn không có nguồn thu nhiều và ổn định. Thu nhập của nhân viên không cao, thậm chí còn không ổn định trong khi chi phí cho nghề nghiệp như trang phục, đồ trang điểm… khá tốn kém. Vì vậy, nhiều diễn viên, ca sĩ có tài, được đông đảo khán giả yêu mến không gắn bó với các đoàn nghệ thuật địa phương mà chuyển tới những nơi cho họ thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị nghệ thuật công lập với các đơn vị nghệ thuật tư nhân cũng khiến các đơn vị nghệ thuật công lập gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động. Điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở các địa phương còn thiếu thốn như thiếu rạp hát, nhà hát để biểu diễn nên việc thu hút khán giả càng trở nên khó khăn. Tất cả những yếu tố này góp phần khiến cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở các địa phương thiếu hụt, khó khăn trong việc tuyển thêm người, nhất là nhân lực có trình độ và tài năng".
Nhiều năm nay, tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật ngày càng có xu hướng giảm
Cùng với đó là chất lượng chung của đội ngũ nhân lực ngành văn hóa tại các địa phương hiện nay vẫn còn yếu. Bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực tế: "Khối lượng công việc của một cán bộ văn hóa xã rất nhiều, lên tới 17 lĩnh vực phụ trách, từ quản lý di tích, nếp sống văn minh, phong trào văn hóa…. Tuy nhiên, việc xem xét, bố trí còn chưa thực sự phù hợp. Có nhiều nơi lãnh đạo không thực sự quan tâm tới việc đào tạo nhân lực về văn hóa mà bố trí người trái chuyên môn làm văn hóa, ví dụ có huyện cử Giám đốc Trung tâm y tế sang làm Giám đốc Trung tâm văn hóa.
Có nơi muốn bố trí người đúng chuyên môn nhưng lại không có ai phù hợp. Có những nơi lại bố trí các cán bộ diện dôi dư, không sắp xếp được vị trí do không đủ thời gian tiếp tục tái cử ở nơi khác về phụ trách văn hóa. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu về văn hóa như hiện nay, nhiều cán bộ văn hóa vẫn còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ, tin học, chưa năng động, linh hoạt trong quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa...
"Với những cán bộ văn hóa như vậy thì công tác văn hóa của các địa phương khó lòng phát triển được. Việc trao đổi, hợp tác văn hóa giữa các vùng miền, với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn còn thiếu, tính hiệu quả chưa cao. Vì chất lượng còn yếu nên công tác tham mưu trong các lĩnh vực văn hóa còn hạn chế, gặp rất nhiều sai sót"- bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Tính đến hết năm 2022, cả nước có 107 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, trong đó có 7 trường đại học và 3 trường cao đẳng ngành nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhằm đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế, các trường đều được đầu tư hệ thống trang thiết bị giảng dạy học tập hiện đại, cơ sở vật chất, giảng đường, nhà hát, sân khấu, phòng thực hành…. đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, sự đầu tư của Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn thể hiện ở việc tăng ngân sách cho việc bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, cán bộ các trường nghệ thuật. Quy mô đào tạo đã tăng song vẫn còn hạn chế so với các ngành nghề khác và so với nhu cầu về nguồn nhân lực ngành nghệ thuật của xã hội, đặc biệt, một số ngành nghệ thuật truyền thống quy mô đào tạo giảm.
Công tác tuyển sinh các chuyên ngành kịch hát dân tộc như: Diễn viên chèo, tuồng, cải lương, sân khấu rối... rơi vào tình trạng rất èo uột. Cá biệt như tuồng, nhã nhạc Cung đình Huế không có học viên đăng ký.
Chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo của Bộ không tăng nhiều. Cụ thể, năm học 2022-2023 Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh 435, năm 2023-2024 là 455 chỉ tiêu; Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM năm học 2022 -2023 chỉ có 95 chỉ tiêu cho 4 ngành đào tạo (giảm hơn 100 chỉ tiêu so với năm 2021); năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục thông tin chỉ tuyển 95 chỉ tiêu. Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2022: 260 chỉ tiêu; Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2023: 130 chỉ tiêu; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2022 tuyển 350 chỉ tiêu- năm 2023 là 480 chỉ tiêu. Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm 2022 là 307 chỉ tiêu, năm 2023 là 410 chỉ tiêu.
Những con số biết nói cho thấy, nhu cầu đào tạo các ngành nghệ thuật trong những năm gần đây vẫn còn khiêm tốn, nhất là so với khối ngành kinh tế. Ví dụ cùng thời điểm năm nay, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, theo tổng chỉ tiêu khối văn hóa, nghệ thuật 6.311, tuyển được 4.294, đạt 68%, trong đó chủ yếu là các trường đại học văn hóa đạt tỷ lệ cao, còn các trường đại học nghệ thuật tỷ lệ vẫn thấp.
Theo đại diện một số trường đại học nghệ thuật, nhiều năm nay, tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật ngày càng có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không lựa chọn các khối ngành đào tạo nghệ thuật. Trong đó, ngoài nguyên nhân học xong khó kiếm việc làm thì hiện nay đang có một xu hướng học sinh xem các ngành khối nghệ thuật là một kỹ năng chứ không phải là một nghề nên nhiều em tự trang bị, bồi dưỡng năng khiếu ở các cơ sở đào tạo bên ngoài nhà trường.
Công tác tuyển sinh các chuyên ngành kịch hát dân tộc như: Diễn viên chèo, tuồng, cải lương, sân khấu rối... rơi vào tình trạng rất èo uột
Với trường có nhiều ngành "hot" như Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, mấy năm nay, công tác tuyển sinh các chuyên ngành kịch hát dân tộc như: Diễn viên chèo, tuồng, cải lương, sân khấu rối... rơi vào tình trạng rất èo uột. Năm học này, trường chỉ tuyển sinh được 20 diễn viên chèo, còn chuyên ngành diễn viên cải lương, tuồng không có học viên đăng ký.
Lý giải tình trạng này, PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cho biết: "Đối với các ngành mang tính đặc thù cao như ngành nghệ thuật truyền thống, trong quá trình theo học được hưởng một số chế độ đặc thù, nhưng thực tế học viên khi tốt nghiệp về các nhà hát lại rơi vào cảnh làm "vạ vật", không có biên chế nên rất khó thu hút. Trường xuống tận địa phương tuyển trung cấp chèo, tuồng; rất nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng gia đình không cho theo học. Bởi học rồi cũng chẳng để làm gì".
PGS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh tại trường: "Do số lượng giảng viên có hạn nên chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm Mỹ thuật của nhà trường chỉ có 25 sinh viên/năm. Mặc dù vậy, trong vòng 3 năm gần đây, trường chỉ tuyển sinh được tối đa một nửa trên tổng chỉ tiêu đề ra, tức là khoảng 12-13 sinh viên".
Tiến sĩ Hà Mai Hương - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết, với chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản âm nhạc được UNESCO công nhận, như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên... Nhưng hiện tại, Học viện Âm nhạc Huế, ngoài hai chuyên ngành piano và thanh nhạc có đông người theo học, các ngành khác cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Đặc biệt, chuyên ngành nhã nhạc nhiều năm liền không tuyển sinh được.
Để tìm kiếm nguồn thí sinh đầu vào cho các trường đại học ngành nghệ thuật, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã xây dựng nhiều đề án đào tạo như: "Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020"; "Dự án liên kết đào tạo giữa 4 đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ là: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội". Trong đó, mỗi nhà hát được tuyển chọn đào tạo 30 học viên, bao gồm cả diễn viên và nhạc công để tạo ra nguồn lực trẻ kế cận, bù đắp vào số diễn viên đang dần đến tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, Nhà nước sẽ có chế độ ưu đãi, giảm 70% học phí cho sinh viên theo học sân khấu truyền thống, hằng tháng có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác…
Từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (hình thức đặt hàng) đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Cụ thể, Nhà nước sẽ trả 100% chi phí đào tạo áp dụng cho đối tượng người học là học sinh, sinh viên thuộc một số chuyên ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó tuyển sinh, hiếm, truyền thống và dân tộc, người dân tộc thiểu số. Đây là những ngành mà nhu cầu xã hội không cao nhưng rất thiếu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Phần nào gỡ khó trong đào tạo nhân lực, Bộ hiện có 2 đề án đào tạo trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài. Hàng năm, Bộ vẫn tuyển sinh các em trong độ tuổi, đáp ứng nhu cầu chuyên môn về phía Bộ và đơn vị đào tạo nước ngoài để đưa đi. "Đơn cử, như lĩnh vực điện ảnh trong 3 năm qua vừa qua, chúng tôi đã đưa 30 học sinh tới Mỹ, Australia học đại học và trên đại học, âm nhạc cũng vậy. Đối với ngành múa hay xiếc, trong những năm tới, xúc tiến việc đưa các cháu nhỏ tuổi hơn đi học từ hệ trung cấp"- PGS.TS Tạ Quang Đông chia sẻ./.