Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Muốn đào tạo được nguồn nhân lực ngành văn hóa đủ cả về lượng và chất, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ đội ngũ giáo viên chất lượng cao.

NGUỒN NHÂN LỰC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC

(Bài 2): Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tài năng

(Tổ Quốc) - Muốn đào tạo được nguồn nhân lực ngành văn hóa đủ cả về lượng và chất, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ đội ngũ giáo viên chất lượng cao.

Những năm qua, nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển của ngành văn hóa nước ta. Tuy đã đạt được những thành tựu, nhưng tình trạng thiếu và yếu của nguồn nhân lực ngành văn hóa vẫn cần có những chính sách mạnh mẽ để nguồn lực con người có bước đột phá, tạo đà cho công cuộc chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Thực tế, muốn đào tạo được nguồn nhân lực ngành văn hóa đủ cả về lượng và chất, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ đội ngũ giáo viên chất lượng cao.

THIẾU LỰC LƯỢNG TINH HOA

Hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cụ thể, có 15 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm: 10 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp đào tạo ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học và 1 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ.

NGUỒN NHÂN LỰC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC Bài 2: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tài năng - Ảnh 1.

Đào tạo sau đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ 2016 đến nay đã đạt được những thành tích, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại

Bên cạnh đó, cả nước có 25 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật do các tỉnh/thành trực tiếp quản lý, trong đó có: 1 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp…Hệ thống ngành, nghề đào tạo rất đa dạng, đặc biệt lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có rất nhiều ngành đào tạo, gồm: trình độ đại học 50 ngành, trình độ thạc sĩ 20 ngành và trình độ tiến sĩ 16 ngành.

Trong Báo cáo đánh giá tình hình đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ năm 2016 đến nay, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết, Đào tạo sau đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ 2016 đến nay đã đạt được những thành tích, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại.

"Tình hình tuyển sinh sau đại học của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển giảm đáng kể, đặc biệt là một số cơ sở đào tạo đầu ngành lĩnh vực âm nhạc trực thuộc Bộ phải dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện theo quy định; cá biệt có những trường không có thí sinh đăng ký đầu vào, dẫn đến số lượng học viên dự tuyển trình độ sau đại học liên tục giảm theo các năm.

Đáng lo ngại là đội ngũ giảng viên có trình độ ngày càng lớn tuổi và dần nghỉ hưu, trong khi đội ngũ giảng viên kế cận chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về chất lượng đào tạo. Số lượng giảng viên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài những năm gần đây hạn chế chủ yếu do không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Chương trình giáo dục và các nguồn học liệu còn chậm đổi mới, chưa được bổ sung. Cán bộ quản lý giáo dục chưa được đào tạo bài bản, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chưa được khai thác hiệu quả vào hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập. Ngân sách sự nghiệp dành cho lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật có tăng nhưng vẫn thấp so với yêu cầu. Chế độ chính sách đối với giảng viên các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù chưa phù hợp…"- PGS.TS Lê Anh Tuấn nêu.

NGUỒN NHÂN LỰC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC Bài 2: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tài năng - Ảnh 2.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Đình Thi cho biết: "Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thành lập Khoa Sau đại học năm 2000, với hai chuyên ngành đào tạo thạc sĩ là Nghệ thuật sân khấu và Nghệ thuật điện ảnh - truyền hình. Năm 2012, trường mở thêm hai chuyên ngành đào tạo tiến sĩ là Lý luận và lịch sử nghệ thuật sân khấu và Lý luận lịch sử và phê bình nghệ thuật điện ảnh - truyền hình.

Trường đào tạo được 7 khóa tiến sĩ, hiện tại đã có 3 khóa tiến sĩ tốt nghiệp. Các nghiên cứu sinh tốt nghiệp đều có những luận án thiết thực, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn, đóng góp cho ngành nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật điện ảnh - truyền hình.

Do đặc thù là cơ sở đào tạo nghệ thuật nên số lượng nghiên cứu sinh trường tuyển sinh đào tạo hàng năm rất ít. Từ năm 2016 đến nay, Nhà trường chỉ có 7 nghiên cứu sinh trúng tuyển. Đặc biệt, năm học 2017 – 2018, 2018 – 2020, 2022 - 2023, Nhà trường xác định tổng chỉ tiêu là 10, nhưng không có nghiên cứu sinh. Hơn nữa, việc các nghệ sĩ, giảng viên thạc sĩ quyết tâm đi học tiến sĩ, tiếp cận với công tác nghiên cứu khoa học nâng cao, chuyên sâu là không dễ dàng. Chính vì vậy, nhà trường rất khó khăn trong công tác kiện toàn hệ thống giảng viên cơ hữu ở các cấp học đáp ứng theo tiêu chí thay đổi trong quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm".

Còn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước, nhiều năm nay, các chuyên ngành như sáng tác, chỉ huy "trắng" giảng viên học vị tiến sĩ. Trong khi, theo quy định, để duy trì ngành học cần tối thiểu 3 giảng viên cơ hữu là tiến sĩ. Nghĩa là, nếu không kịp thời bổ sung thì các ngành này có nguy cơ dừng đào tạo. Tương tự như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo đầu ngành về văn hóa nghệ thuật như Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Nhạc viện TP HCM, Đại học Mỹ thuật TP HCM đều đang thiếu trầm trọng.

NGUỒN NHÂN LỰC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC Bài 2: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và tài năng - Ảnh 3.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo đầu ngành về văn hóa nghệ thuật đang thiếu

Năm 2016, Chính phủ ban hành "Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030" hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Mục tiêu của Đề án là mỗi năm tuyển được 20 cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước phát triển như Mỹ, Liên bang Nga, Canada, Australia... Tuy nhiên, việc tuyển người đi đào tạo ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn và khó đạt được chỉ tiêu. Mà nguyên nhân, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, nhiều trường hợp đã tuyển được nhưng không đủ yêu cầu về ngoại ngữ.

Việc đào tạo nhân lực trình độ cao trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT nâng cao tiêu chuẩn với cả người học tiến sĩ cũng như người hướng dẫn tiến sĩ. Trong đó có yêu cầu phải có bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Từ khi yêu cầu này được áp dụng, 5 năm qua, việc đào tạo tiến sĩ gần như bị ngưng lại hoàn toàn trong các trường văn hóa nghệ thuật. Theo nhiều giảng viên văn hóa nghệ thuật, với đặc thù văn hóa nghệ thuật, tiêu chuẩn quốc tế rất khó khăn, kể cả với những người thầy có nhiều kinh nghiệm. Bởi vậy, các cơ sở đào tạo kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của ngành đào tạo.

Số lượng viên chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao có trình độ cao từ tiến sỹ trở lên ngày càng ít đi. Số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc. Số các giảng viên còn lại thì chưa theo kịp. Hoạt động đào tạo nâng cao trình độ giảng viên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thông tin còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đào tạo trình độ tiến sĩ

PGS.TS Lâm Nhân

Lực lượng đã thiếu nhưng cơ chế đãi ngộ chưa phù hợp, cùng với đó là sức cạnh tranh của các cơ sở đào tạo ngoài công lập đã khiến đội ngũ giáo viên tinh hoa nghỉ việc từ cơ sở nhà nước ra ngoài. PGS.TS. Lâm Nhân, Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tính riêng tháng 10/2022, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã có 4 tiến sỹ nghỉ việc, tính cả năm 2022 thì có hơn 10 viên chức nghỉ việc và nghỉ hưu.

"Số lượng viên chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao có trình độ cao từ tiến sỹ trở lên ngày càng ít đi. Số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc. Số các giảng viên còn lại thì chưa theo kịp. Hoạt động đào tạo nâng cao trình độ giảng viên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thông tin còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đào tạo trình độ tiến sĩ. Người làm nghệ thuật, thể thao có thể tổ chức dàn dựng, biên đạo các chương trình nghệ thuật, huấn luyện thi đấu thể thao một cách nhanh chóng nhưng để thể hiện bằng văn bản như viết các bài báo, công trình nghiên cứu, luận án… là hết sức khó khăn. Có thể nói, đào tạo trình độ cao trong các lĩnh vực giáo dục thì lĩnh vực nghệ thuật, thể thao là khó nhất. Chính vì vậy, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là rất hiếm"- PGS.TS. Lâm Nhân bày tỏ.

đào tạo trình độ cao trong các lĩnh vực giáo dục thì lĩnh vực nghệ thuật, thể thao là khó nhất. Chính vì vậy, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là rất hiếm

ĐÀO TẠO VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT CẦN TÍNH ĐẶC THÙ

Nghệ thuật là một ngành đặc thù, chú trọng nhiều đến năng lực sáng tạo thực tiễn. Để đào tạo ra những lớp học trò giỏi phải là những người thầy giỏi, tinh thông nghề nghiệp, có bề dày về kinh nghiệm thực tế cũng như thành tựu sáng tác đã được xã hội công nhận. Để đào tạo nghệ thuật, nhất là với những ngành nghệ thuật truyền thống đòi hỏi phải dạy theo hình thức "truyền nghề" thì chỉ những nghệ sĩ giỏi nghề mới có thể cho ra những lớp học trò biết làm nghề. Đặc thù các ngành nghệ thuật đặt ra thực tế chuẩn giảng viên nghệ thuật khác chuẩn giảng viên của những trường khác. Những người thầy giảng dạy nghệ thuật phải là những người đã được khẳng định tài năng, uy tín nghề nghiệp qua thực tiễn lao động, sáng tạo nghệ thuật.

Vừa qua, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc làm việc với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật đào tạo trình độ Tiến sĩ. Theo đó, Trường xin cơ chế đặc thù cho NSND được tính tương đương Tiến sĩ và NSƯT tương đương Thạc sĩ.

Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội cho biết, nhà trường không đề xuất tất cả NSND được tính tương đương Tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho NSND giảng dạy ở Trường Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội được tính tương đương, nhằm đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 3 Tiến sĩ.

"Chúng tôi hoàn toàn hiểu rất rõ học vị khác với danh hiệu ra sao và cũng không hề có ý xin một học vị cho các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Để có được học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ phải qua quá trình đào tạo bài bản, bảo vệ luận văn... còn danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là ghi nhận sự cống hiến. Đề xuất nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới (yêu cầu phải có 3 Tiến sĩ) đối với các ngành nghệ thuật. Chứ hoàn toàn không có ý thay thế trong công tác đào tạo Tiến sĩ, thạc sĩ. Bởi đào tạo sau đại học, Tiến sĩ phải theo quy chế chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Thi nói thêm về cơ chế đặc thù.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu bối cảnh, tình hình mới, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể thao, tiêu biểu như các đề án: "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030", "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các trường văn hóa nghệ thuật", "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2010-2020", "Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật", "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035", "Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030", "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030"...

Cùng với đó, hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng được quan tâm, đầu tư, mở rộng về cơ sở, mạng lưới trường lớp; đa dạng hóa các ngành nghề và phương thức đào tạo; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt về nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao và du lịch. Nghị quyết lần thứ 9 (BCH TW khóa XI) đã khẳng định: "Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành" và cho đến nay, đội ngũ này ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.


Hồng Hà