NGUỒN NHÂN LỰC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC
BÀI 3: Để nguồn nhân lực văn hóa góp phần phát triển đất nước Việt Nam hùng cường
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa và quá trình phát triển đất nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản: đào tạo nguồn nhân lực, bố trí kinh phí địa phương cho văn hóa, đẩy mạnh việc phát huy các giá trị văn hóa.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: "Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển". Những năm qua, nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực, đạt được những thành tựu, nhưng bên cạnh đó, như đã nói, nguồn nhân lực đó đây vẫn rơi vào tình trạng thiếu và yếu, cần có những chính sách mạnh mẽ để nguồn lực con người có bước đột phá, tạo đà cho sự chấn hưng và phát triển văn hóa.
Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng và phát huy các tài năng
Khi bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã xác định phương châm hành động của cả nhiệm kỳ cho ngành là "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến". Để có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành có khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám làm, đủ tâm, đủ tầm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi phải đầu tư phát triển con người toàn diện về nhân cách, đạo đức, thể chất, trí tuệ, năng lực sáng tạo và khả năng hội nhập với thế giới.
Theo nhiều chuyên gia, muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản về cả thể chế và chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực, trong bố trí kinh phí địa phương cho văn hóa, trong đẩy mạnh việc phát huy các giá trị văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của ngành văn hóa nói chung và cán bộ làm văn hóa nói riêng. Đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm… của toàn thể người dân, tạo ra động lực của sự phát triển cho xã hội. Sự phát triển của ngành văn hóa có liên quan và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cũng như giữ cho xã hội ổn định, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của người dân phong phú, vui vẻ, hạnh phúc. Chính vì vậy, cần loại bỏ tâm lý, tư tưởng văn hóa là ngành "vô thưởng vô phạt", ai làm cũng được mà cần bố trí cán bộ phụ trách văn hóa có đúng chuyên môn, có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt. Cần có các chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành văn hóa, tránh tình trạng "chảy máu chất xám" ngành văn hóa từ khối công sang tư nhân".
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần coi tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Việc chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ; phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.
"Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình xã hội, nghề nghiệp, phát triển kinh tế thị trường, các đơn vị nghệ thuật phải không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động trong khâu tuyển chọn, sử dụng nghệ sĩ, diễn viên; sẵn sàng thanh lọc, tinh giảm những cán bộ không đủ năng lực, trình độ; có chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân và ươm mầm cho những tài năng trẻ. Đảm bảo môi trường nghệ thuật thật sự tự do, dân chủ, lành mạnh, nhân văn, vì cái đẹp, cái thiện, cái cao cả, từ đó kích thích khát vọng sáng tạo, cống hiến của những tài năng"- TS Nguyễn Huy Phòng nhấn mạnh.
Theo TS. Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu một nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về thể chế; Giải pháp về chính sách và Giải pháp tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
Theo đó, TS Mai Thùy Hương cho rằng, về giải pháp thể chế, cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế trong các văn bản pháp luật có tính liên ngành giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho các ngành nghệ thuật; Hoàn thiện các quy định về tuyển sinh các ngành nghệ thuật, đặc biệt là các ngành nghệ thuật truyền thống; Xây dựng chuẩn năng lực giáo viên, giảng viên ngành nghệ thuật riêng cho phù hợp với đặc thù của ngành và điều kiện thực tiễn nhu cầu của xã hội. Đặc cách tuyển chọn giảng viên có năng khiếu đặc biệt, được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, có thành tích quốc tế; Tuyển chọn, sử dụng các nghệ nhân, nghệ sĩ có bề dày thành tích trong nghệ thuật (được công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân) tham gia công tác giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trung ương và địa phương.
Ngoài chính sách đặc thù trong đào tạo, cần có chính sách về khen thưởng, đãi ngộ...cho đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ
Về giải pháp về chính sách: Tuyển chọn những cá nhân có năng khiếu đặc biệt (từ tuổi học sinh), có chính sách đào tạo đặc biệt để quy hoạch vào đội ngũ nghệ sĩ trong tương lai vì đào tạo các ngành nghệ thuật đòi hỏi thời gian lâu dài. Đưa sinh viên có năng khiếu đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn tại nước ngoài để tạo nguồn nhân lực cho ngành; Đặc cách tuyển chọn nguồn nhân lực có năng khiếu đặc biệt, được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, có thành tích quốc tế; Tuyển chọn, sử dụng các nghệ nhân, nghệ sĩ có bề dày thành tích trong nghệ thuật (được công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân) tham gia công tác giảng dạy, truyền nghề; Bổ sung, hoàn thiện những chính sách đãi ngộ riêng, phù hợp với nghệ sĩ, nghệ nhân. Có các chính sách khen thưởng kịp thời cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có kết quả cao, giải thưởng trong sáng tác, biểu diễn, đạt các danh hiệu trong nước và quốc tế; Thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư.
Giải pháp tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, TS. Mai Thị Thùy Hương cho rằng, Nhà nước có chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào một số đơn vị nghệ thuật, các trường đại học mũi nhọn, trọng điểm, phấn đấu đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Cùng với đó là việc huy động mọi nguồn lực tham gia vào việc tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật. Phát huy cơ chế tự chủ trong việc tăng cường nguồn lực vật chất.
Cần chính sách về nguồn lực con người làm văn hoá
Tại Hội thảo văn hóa năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng từng kiến nghị việc quan tâm đến yếu tố đặc thù của ngành văn hóa trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, ban hành chính sách về nguồn lực con người làm văn hóa, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, đó là: Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, phát triển văn hóa phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, cần sớm có chính sách về nguồn lực con người làm văn hoá, trong đó chú ý về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật như Bác Hồ đã nói: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.
TS Nguyễn Huy Phòng đề xuất, trong thời gian tới, các ban ngành và các địa phương tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập sau hơn 10 năm thực hiện Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020", để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng, ban hành Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030", hướng đến mục tiêu: Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ, bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và xã hội. Hình thành một đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước tiếp cận ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và trên thế giới; có khả năng làm chủ và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến; sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, đạt được đỉnh cao nghệ thuật; đưa thể thao và du lịch phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Cần sớm có chính sách về nguồn lực con người làm văn hoá, trong đó chú ý về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghệ thuật như Bác Hồ đã nói: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Cùng với giải pháp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò, vị trí của văn hóa, TS Nguyễn Huy Phòng cũng đồng tình quan điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất khung chương trình đào tạo; chú trọng, nâng cao chất lượng chuyên môn, giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp các chương trình không phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích của người học.
Trong tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ văn hóa, bên cạnh các tiêu chuẩn theo quy định cần nghiên cứu, đề xuất những chính sách phù hợp với vị trí, tính chất ngành nghề, làm sao thu hút được tài năng trẻ để họ yên tâm công tác, rèn luyện và cống hiến tài năng, công sức cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, chăm lo nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giáo dục, hình thành những con người mới. Vì vậy không thể thiếu vai trò lãnh đạo, quản lý, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Cần dành những ưu tiên cần thiết về nhân lực, tài lực cho lĩnh này. Đồng thời cần phát huy sự tham gia của cộng đồng, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không ngừng phát triển.
Cần đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín và những người có những đóng góp, cống hiến lớn trong việc gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa
Ngoài ra, cần đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín và những người có những đóng góp, cống hiến lớn trong việc gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Trong bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội, cán bộ luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không nằm ngoài tính tất yếu đó. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng được đội ngũ cán bộ có tài, có tâm, có tinh thần trách nhiệm và khát vọng sáng tạo, cống hiến sẽ là khâu then chốt để khơi thông mạch nguồn văn hóa, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, đồng thời thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước hùng cường./.