Nguy cơ sức khoẻ “rình rập” trẻ mùa tựu trường: Chuyên gia chỉ mẹo bảo vệ trẻ, cha mẹ cần lưu ý

PV | 09-09-2022 - 17:24 PM

(Tổ Quốc) - Mùa tựu trường này, trẻ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nhưng hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu và dễ bị lây bệnh. Dưới đây, chuyên gia sẽ chỉ ra các mẹo bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.

Ngày 5/9 vừa qua, học sinh cả nước chính thức quay trở lại trường học sau 2 năm học online do dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, hiện nay, các loại dịch bệnh như cúm A, COVID-19, sốt xuất huyết,... diễn biến phức tạp, mà hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, dễ bị lây bệnh. Vậy, cha mẹ cần chuẩn bị gì để bảo đảm an toàn cho con trong mùa tựu trường?

Tất cả sẽ được TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, BV Đại học Y dược TP HCM giải đáp tại buổi tọa đàm trực tuyến của chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề Back to school: Mẹo bảo vệ sức khỏe cho trẻ em mùa tựu trường.

Dưới đây là một số nội dung của chương trình:

Nguy cơ sức khỏe ‘rình rập’ mùa tựu trường và cách nhận biết

Hỏi: Trong năm học mới, theo bác sĩ đâu là những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con trẻ mà cha mẹ cần lưu ý?

Đáp:

Nguy cơ sức khoẻ “rình rập” trẻ mùa tựu trường: Chuyên gia chỉ mẹo bảo vệ trẻ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, BV Đại học Y dược TP HCM

- Dễ mắc bệnh: Trong mùa tựu trường, trẻ sẽ tiếp xúc với nhiều người và tăng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, trẻ sẽ dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, mùa tựu trường cũng là mùa thời tiết thay đổi. Đây là thời điểm virus, vi khuẩn gây bệnh dễ phát triển Lúc này, trẻ em, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.

- Dễ gặp tai nạn: Khi đến trường học, khi chạy chơi trong sân trường hoặc trong lớp học, trẻ dễ gặp tai nạn như ngã, bị đồ vật rơi vào người hơn. Đối với những trẻ lớn hơn, khi thực hành trong phòng thí nghiệm, trẻ dễ bị ngộ độc hoặc lây nhiễm hoá chất. Ngoài ra, trẻ cũng có thể đối mặt với các tai nạn cháy nổ, nguy cơ hỏa hoạn. Hoặc trẻ cũng có thể đối mặt với các tai nạn giao thông khi di chuyển trên đường hoặc khi gặp điều kiện thời tiết xấu.

Hỏi: Các dịch bệnh xảy ra trong môi trường trường học có thể nguy hiểm tới mức nào?

Đáp: Để đánh giá mức độ nguy hiểm của các dịch bệnh trong trường học chúng ta cần căn cứ vào các yếu tố:

- Mật độ tập trung của trẻ ở trong trường học.

- Mức độ an toàn và vệ sinh trong trường học.

- Khả năng phòng tránh các yếu tố lây nhiễm.

- Kế hoạch phòng ngừa lây nhiễm bệnh của trường học.

Thông thường, đối với những lớp mẫu giáo và lớp tiểu học, trẻ sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn do trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ, có sức đề kháng yếu và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho trẻ chưa hoàn thiện. Do đó, để ứng phó với dịch bệnh ở trong trường học, chúng ta cần sự chung tay, góp sức của cả gia đình và nhà trường để hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt các bệnh lý về hô hấp? Ví dụ như cúm A và COVID-19 là những bệnh hô hấp đang lưu hành và có các triệu chứng khá giống nhau. 

Đáp: 

- Đối với cúm: Trẻ sẽ có triệu chứng ho, đau nhức cơ thể, sốt nhiều hơn.

- Đối với COVID-19: Biến chủng Delta thường gây ra triệu chứng mất khứu giác hoặc mất vị giác; biến thể Omicron thường gây ra triệu chứng đau họng, nhức đầu nhiều hơn.

Chúng ta vẫn rất khó để phân biệt các bệnh đường hô hấp với nhau. Và để chẩn đoán chính xác, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đến viện để tiến hành làm xét nghiệm.

Ở thời điểm hiện tại, các bệnh đường hô hấp tại Việt Nam chỉ gây ra triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng ở trẻ như sốt cao không hạ, thở nhanh thở khó khăn, lờ đờ, môi tím tái,... để đưa trẻ đến viện điều trị kịp thời.

Hỏi: Sốt là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm và trong thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết có diễn biến khá phức tạp. Vậy làm thế nào để nhận biết sốt do sốt xuất huyết gây ra?

Đáp: Đối với sốt xuất huyết, người bệnh thường có 2 triệu chứng là sốt và xuất huyết. Khi mắc sốt xuất huyết trẻ thường sốt cao, khó hạ sốt và sốt kéo dài trong vòng 1 tuần. Sau khi hạ sốt, bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể trở nặng. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ đã hạ sốt. Giai đoạn trở nặng của sốt xuất huyết thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 kể từ khi bắt đầu có triệu chứng sốt.

Triệu chứng xuất huyết (các nốt đỏ) sẽ thường xuất hiện ở những bộ phận như chân, hông,... Để phân biệt nốt phát ban và nốt đỏ do xuất huyết, cha mẹ có thể dùng tay kéo giãn phần da có nốt đỏ, nếu nốt đỏ biến mất thì đó là phát ban, nốt đỏ không biến mất thì cha mẹ cần cảnh giác triệu chứng xuất huyết.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể cùng lúc mắc cả sốt xuất huyết cả COVID-19. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, do đó cha mẹ cần hết sức cẩn trọng với các triệu chứng bất thường ở trẻ.

Để hạ sốt cho trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần lưu ý chỉ nên cho trẻ uống Paracetamol để tránh nguy cơ xuất huyết. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên cho con sử dụng Paracetamol với liều cao kéo dài vì có thể gây ngộ độc và tổn thương gan. Cha mẹ cần sử dụng thuốc đúng liều và kết hợp với các biện pháp hạ sốt vật lý như lau mát người để hạ sốt cho trẻ.

Nguy cơ sức khoẻ “rình rập” trẻ mùa tựu trường: Chuyên gia chỉ mẹo bảo vệ trẻ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Sốt xuất huyết thường gây ra tình trạng sốt và xuất huyết trên da.

Hỏi: Các bệnh về tiêu hoá cũng thường gặp khi trẻ em tới trường. Các bệnh này có cơ chế lây lan như thế nào? Biểu hiện ra sao?

Đáp: Bệnh về tiêu hóa có thể lây qua đường phân -  miệng, khi trẻ ăn đồ ăn, nước uống có nhiễm chất bẩn của người bệnh. Ngoài ra, khi trẻ tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm nguồn bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh về đường tiêu hoá.

Triệu chứng của bệnh về đường tiêu hoá gồm: đau bụng, khó nuốt, ăn uống kém, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đi ngoài phân sệt, phân lỏng, thay đổi màu sắc phân hoặc phân có mùi tanh, hôi,... cha mẹ cần cẩn trọng và đưa trẻ đi khám.

Hỏi: Trong thời buổi hiện tại, lứa tuổi học đường cũng có những áp lực nhất định từ đó có thể có những vấn đề về sức khỏe tâm thần, tâm lý. Vậy làm thế nào để phát hiện những vấn đề này sớm nhất? Nếu phát hiện ra những dấu hiệu này cha mẹ cần làm gì?

Đáp: Áp lực học tập có thể khiến trẻ gặp các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, cha mẹ lại thường chủ quan và không coi trọng các vấn đề tâm lý ở trẻ. Vấn đề tâm lý kéo dài có thể ảnh hưởng sức khoẻ và khiến trẻ dễ gặp các rối loạn trong tương lai.

Để nhận biết, phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ, cha mẹ cần để ý đến các dấu hiệu sau:

- Trẻ hay quấy rối, la hét, khóc để tránh né đi học vào buổi sáng.

- Ăn uống kém hơn.

- Thường hay mắc bệnh.

- Xuất hiện tình trạng rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, la hét, nói mơ, vung chân tay do trẻ bị ám ảnh với hoạt động ban ngày, khiến trẻ hoảng sợ.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý, cha mẹ cần:

- Trò chuyện giải thích với con về lợi ích khi đi học để trẻ bớt hoảng sợ, tự tin và vui vẻ hơn khi đến trường.

- Tìm hiểu kỹ về trường học, điều kiện học tập, môi trường vệ sinh,... để đánh giá mức độ phù hợp với trẻ.

- Cho trẻ thời gian nhận biết và thích nghi với trường học.

- Khi trẻ quấy khóc, không chịu đi học, cha mẹ nên khuyên răn mềm mỏng.

- Không nên lấy thầy, cô giáo để răn đe, doạ nạt trẻ khiến trẻ có tâm lý sợ hãi thầy cô và trường học.

- Liên hệ với nhà trường để thầy cô để ý đến trẻ hơn.

Mẹo bảo vệ sức khỏe cho trẻ mùa tựu trường

Hỏi: Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ mùa tựu trường, theo bác sĩ, phụ huynh nên trang bị cho con những điều gì?

Đáp: Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ mùa tựu trường, phụ huynh cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể:

- Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất cho trẻ.

- Cho trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ trước khi đến trường để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.

- Xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ.

- Bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho trẻ.

- Tạo cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh.

- Cho trẻ tập các bài tập rèn luyện thể lực phù hợp theo từng độ tuổi.

- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ của trẻ giúp trẻ có tinh thần minh mẫn và cơ thể khoẻ mạnh hơn.

Nguy cơ sức khoẻ “rình rập” trẻ mùa tựu trường: Chuyên gia chỉ mẹo bảo vệ trẻ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Hỏi: Trẻ mẫu giáo là đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh khi tựu trường. Bác sĩ có lưu ý gì để phòng bệnh cho đối tượng này?

Đáp: Để phòng bệnh cho trẻ mẫu giáo, cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt là cần bổ sung đầy đủ, đa dạng các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho con trẻ.

Đặc biệt, khi ở nhà, cha mẹ cần tạo thói quen tốt cho trẻ như rửa tay trước khi ăn, hạn chế dùng tay chạm lên mắt, mũi, miệng, hạn chế sử dụng chung cốc với người khác,... để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ.

Hỏi: Có nhiều phụ huynh bổ sung cho con rất nhiều các loại vitamin, thuốc bổ với mục đích tăng đề kháng cho con. Điều này có nên không, thưa bác sĩ?

Đáp: Sử dụng quá nhiều vitamin vẫn có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Thông thường, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm đã cung cấp đủ vitamin cho trẻ.

Tuy nhiên, đối với một số trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, trẻ có bệnh lý nền hoặc có biểu hiện của thiếu vitamin như trẻ hay quấy khóc, giật mình (thiếu canxi hoặc vitamin D); trẻ khô da, ảnh hưởng tới mắt (thiếu vitamin A); mắt bị bầm (thiếu vitamin K),... cha mẹ có thể bổ sung thêm vitamin cho con. Cha mẹ cũng có thể cho con đi khám để bác sĩ đánh giá nhu cầu vitamin của trẻ để bổ sung một cách phù hợp.

Hỏi: Tập thể dục là điều có thể tăng sức đề kháng cho con một cách hiệu quả nhưng theo từng độ tuổi, bác sĩ có lời khuyên thế nào để các con có thể yêu thích và thực hiện việc làm này đúng cách?

Đáp: Cha mẹ cần xây dựng thói quen tập thể dục kết hợp với các trò chơi để tạo hứng thú cho trẻ. Đối với trẻ mẫu giáo, dưới 2 tuổi, thời gian hoạt động thể chất nên kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ (vừa tập vừa nghỉ). Ở độ tuổi này, cha mẹ nên Các hoạt động thể chất để tăng cường khả năng khéo léo như trò chơi xếp hình, đuổi bắt, nhảy dây, ném bóng,... Cha mẹ cần tham gia các hoạt động thể chất với con.

Đối với trẻ trên 5 tuổi, trẻ nên hoạt động thể chất 60 phút/ngày. Ngoài các trò chơi kể trên, trẻ ở lứa tuổi này nên tập thêm các bài tập để tăng cường khối lượng cơ. Các bài tập rèn luyện cơ bắp có thể kể đến như tập võ, tập nhảy, tập với tạ nhỏ phù hợp với lứa tuổi.

Nguy cơ sức khoẻ “rình rập” trẻ mùa tựu trường: Chuyên gia chỉ mẹo bảo vệ trẻ cha mẹ cần lưu ý - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: Cha mẹ cần xây dựng thói quen tập thể dục kết hợp với các trò chơi để tạo hứng thú cho trẻ.

Hỏi: Việc tiêm vaccine là ‘lá chắn’ bảo vệ sức khoẻ của các con. Xin bác sĩ cho biết các loại vaccine mà cha mẹ cần tiêm đủ cho con trước khi vào năm học mới là gì? 

Đáp: Trong mùa tựu trường này, cha mẹ cần tiêm phòng cho con các loại vaccine như: Cúm; phế cầu; ho gà; thuỷ đậu; sởi.

Tuỳ theo độ tuổi sẽ có các loại vaccine phù hợp cho trẻ, vì vậy cha mẹ cần phải cho con đến phòng khám để các bác sĩ tư vấn. Ngoài ra, cha mẹ nên tiêm phòng các loại vaccine cho trẻ trước khi đến trường để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Hỏi: Bên cạnh sức khỏe thể chất, làm thế nào để giúp trẻ có sức khoẻ tâm lý tốt?

Đáp: Vấn đề tâm lý tương đối quan trọng với sức khỏe của trẻ em. Cha mẹ nên tạo cho trẻ tâm lý gia đình luôn hỗ trợ và là chỗ dựa cho trẻ. Để làm được điều này, cha mẹ cần:

- Rèn luyện cho trẻ thói quen kiểm soát cảm xúc bằng cách hít thở sâu hoặc vẽ tranh,...

- Cha mẹ cần theo dõi hành vi của trẻ để phát hiện các dấu hiệu bệnh tâm lý ở trẻ

- Thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ hàng ngày để khi trẻ có vấn đề trẻ sẽ chia sẻ với cha mẹ.

- Thiết lập các quy định cho trẻ và bày tỏ mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ với trẻ.

- Thể hiện sự yêu thương với trẻ bằng lời nói và hành động.

- Khen thưởng trẻ nếu trẻ thực hiện tốt điều gì đó.

- Tham gia các hoạt động chung để tạo sự gắn kết trong gia đình.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý khi cần thiết.