Mê đọc sách, thích Phật giáo, con gái của ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam vốn là một người hướng nội. Thế nhưng, cô gái thích đọc "Cuốn theo chiều gió" khi còn nhỏ, nay trở thành doanh nhân đam mê xây dựng những công trình để đời.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 1.

Là một 9x đời đầu và nhà có điều kiện nhưng Nguyễn Ngọc Mỹ không được bố mẹ cho chơi điện tử hay đọc nhiều truyện tranh như các bạn cùng lứa. Thay vào đó, tiểu thư nhà Alphanam đọc nhiều sách mà một trong những cuốn mà Ngọc Mỹ thích nhất khi còn học lớp 6 là tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió".

Học trường chuyên từ nhỏ, khi lên cấp 2, cấp 3, rồi vào đại học, cô gái này liên tục chuyển trường (6 năm chuyển 5 trường): từ trường Lê Ngọc Hân, Trưng Vương ở Hà Nội (Việt Nam) tới 2 trường trung học ở Mỹ rồi vào đại học. Việc chuyển trường liên tục buộc Ngọc Mỹ làm quen với sự thay đổi về môi trường một cách nhanh chóng, đồng thời biết cách tạo dấu ấn ở nơi mới cũng trong thời gian ngắn.

Ngoài bối cảnh, việc Ngọc Mỹ biết thích nghi và trở nên nổi bật nhanh chóng cũng bắt nguồn từ một lời nhắc nhở của ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam (bố của Ngọc Mỹ): "Dù con làm gì, ở đâu thì cũng phải làm lãnh đạo".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 2.

Khi học cấp 2 ở trong nước, việc trở thành lãnh đạo các đội nhóm, tham gia các chương trình ngoại khóa… không phải khó khăn với cô gái nhà Alphanam. Thế nhưng, khi sang Mỹ học cấp 3 và đại học, lời nhắc nhở của bố là một yêu cầu không dễ dàng; bởi một học sinh Việt Nam không dễ để trở nên nổi bật và trở thành team leader trong các hoạt động ở trường.

Một biến cố nhỏ đã giúp cho cô tiểu thư nhà Alphanam trở nên quyết đoán và mạnh mẽ nhanh chóng. Sau hơn 3 tháng nhập học tại Mỹ ở một trường dòng nổi tiếng, nhà bảo trợ cuả Ngọc Mỹ không thể tiếp tục đáp ứng các trách nhiệm bảo trợ theo yêu cầu của nhà trường.

Vừa mới quen môi trường mới, Ngọc Mỹ đứng trước khả năng phải về nước vì việc tìm được một chủ nhà mới sẽ không dễ dàng. Khi gọi điện về hỏi ý kiến bố mẹ, ông Hải có chia sẻ đại ý: bố mẹ không giỏi tiếng Anh cũng không thể sang đó để giúp nên con phải tự quyết định thôi.

Và cô gái mới 15 tuổi quyết định tự tìm cho mình một ngôi trường mới, ra khỏi vòng an toàn một lần nữa. Cũng kể từ đó, Ngọc Mỹ hiểu rằng, bố mẹ muốn mình phải tự quyết định, tự làm và tự chịu trách nhiệm với các việc quan trọng chứ không thể dựa vào người khác, kể cả bố mẹ.

Năm 2012, cô gái này xuất hiện trong một chương trình của đài truyền hình NBC của Mỹ để quảng bá cho hình ảnh áo dài Việt Nam. Ngọc Mỹ chia sẻ: "Bản thân là một người hướng nội, nhưng những mục tiêu mà bố mẹ kỳ vọng lại khiến mình thích nghi như một người hướng ngoại".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 3.

Mùa hè đầu tiên khi đi du học, Ngọc Mỹ về Việt Nam chơi và được bố cho cùng chuyến xuyên Việt đặc biệt. Năm đó, Alphanam đang xây dựng hệ thống đại lý sơn trên toàn quốc và đích thân ông Nguyễn Tuấn Hải đi khắp nơi để phỏng vấn tuyển dụng, xây dựng bộ máy.

Từ một cô bé chỉ biết đến sách vở, lần đầu tiên, tiểu thư nhà Alphanam được trải nghiệm khó khăn của người phải đi xây những viên gạch đầu tiên cho một hệ thống mới. Đi xuyên Việt, ngồi cùng và chứng kiến bố phỏng vấn nhân sự, thuyết phục đối tác tham gia hệ thống đại lý sơn với Alphanam…, cô gái này vỡ ra sự khác biệt rất lớn với môi trường học hành và "cảm thấy được bước ra khỏi bong bóng trong cuộc sống của mình" – Ngọc Mỹ tâm sự.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 4.

Cũng từ chuyến đi đó, Ngọc Mỹ được truyền lửa bởi bố (ông Nguyễn Tuấn Hải) khi kích hoạt trong mình niềm đam mê làm điều gì đó lớn hơn việc hưởng thụ sung sướng của một cô tiểu thư nhà giàu. "Cảm giác được đi truyền lửa, chia sẻ niềm đam mê sản phẩm của mình với người khác và xây dựng một đội ngũ khát khao là thứ rất dễ gây nghiện. Bố truyền cho mình cảm giác đó và mình cũng xác định mục tiêu chắc chắn là học để trở về", cô gái này tâm sự.

Những mùa hè sau đó, mỗi khi về Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Hải đều đưa con gái đi tham dự các sự kiện hoặc hoạt động của Alphanam. Từ những trải nghiệm này, dù còn đi học, Ngọc Mỹ đã ý thức rất rõ về trách nhiệm của một đứa con sinh ra trong gia đình có điều kiện.

"Mỗi lần về, bố lại bảo ‘mỗi năm đi học con tiêu hết của bố một cái nhà máy’ thì tự nhiên mình cảm thấy phải có trách nhiệm. Đúng là để cho mình được đi học với điều kiện như vậy, ở Việt Nam, bố và rất nhiều người Alphanam đã phải làm việc vất vả như thế nào!".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 5.

Năm 20 tuổi, khi vẫn còn trên ghế giảng đường của Đại học Boston, Ngọc Mỹ nhận lời khuyên của ông Nguyễn Tuấn Hải trở thành đồng sáng lập một công ty tư vấn thiết kế có tên S-Design cùng với một doanh nhân khác và Salvador Perez Arroyo - kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Tây Ban Nha. Trước đó 2 năm, cô gái nhà Alphanam có cơ duyên gặp Salvador khi về nước nghỉ hè. Thời điểm đó, kiến trúc sư nổi tiếng này sang Việt Nam tham gia Hội đồng giám khảo quốc tế để xét chọn đồ án Nhà hát Thăng Long.

Khi quyết định trở thành đồng sáng lập S-Design, Ngọc Mỹ đơn giản nghĩ là bố đem lại cho mình một cơ hội để thử thách bản thân chứ không nghĩ đó là một định hướng chiến lược cho con gái sau này. Thế nhưng, cũng giống như việc cần thay đổi liên tục khi chuyển trường, Ngọc Mỹ lập tức tìm cách thích ứng với vai trò mới.

Học quản trị kinh doanh nhưng ngay khi tham gia S-Design, cô gái này ghi danh theo học nhiều lớp liên quan đến kiến trúc và mỹ thuật. Chỉ trong vòng 6 tháng, tiểu thư nhà Alphanam đã biết cách viết các email đúng chuẩn chuyên ngành và có góc nhìn khi nhận xét về bản vẽ của các kiến trúc sư trong công ty…

"Đó là thách thức rất lớn nhưng đồng thời là một trải nghiệm thú vị khi mình phải làm quen với một ngành nghề mới thật nhanh, hiểu và yêu nó để có thể làm việc thực sự chuyên môn với người khác", Ngọc Mỹ tâm sự.

Kết quả lớn nhất cô gái này nhận được sau khi đóng vai trò đồng sáng lập ở S-Design là kiến thức chuyên môn và niềm đam mê với thiết kế của các tòa nhà.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 6.

Nhà hàng 1915 Indochine - dự án đầu tiên mà Ngọc Mỹ trực tiếp vận hành ở Tập đoàn Alphanam

Kết thúc việc học ở Mỹ, cô gái nhà Alphanam về nước, đồng thời cũng rời S-Design và nộp đơn vào làm việc tại Savills một thời gian. "Sau khi đã hiểu về thiết kế thì cần biết trong tòa nhà có những gì, cái gì làm ra tiền, cách vận hành ra sao…  là những thứ mình phải học thêm khi muốn làm về bất động sản", Ngọc Mỹ cho biết.

Rời Savills, khi chưa xác định bước đi tiếp theo của mình, Ngọc Mỹ bắt đầu góp ý qua các email với những kế hoạch của gia đình cho siêu thị thực phẩm 79 Market, 79 Wine and Spirits và nhà hàng 1915 Indochine. Sau vài lần góp ý, Ngọc Mỹ nhận được một email phản hồi từ bố mình với nội dung đại ý là: nếu muốn tạo thay đổi thì phải đến công ty làm.

Sau 2 tháng làm việc trực tiếp, Ngọc Mỹ đề nghị thay toàn bộ team marketing và được bố đồng ý. Thời điểm dựng lại đội ngũ chỉ cách ngày khai trương nhà hàng một tháng khiến cô gặp nhiều "trải nghiệm nóng". Tuy nhiên, chính những kinh nghiệm đó khiến Ngọc Mỹ có lòng tin vào bản thân khi phải xây đội ngũ từ đầu. "Bố nói với mình: kể cả khi mọi người đi hết và mình là người cuối cùng trụ lại thì con vẫn phải làm bằng được."

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 7.

Thực tế, kinh nghiệm khi trực tiếp vận hành chuỗi nhà hàng 1915 Indochine là bài học quý giá cho Ngọc Mỹ khi được bố giao phát triển và vận hành các dự án bất động sản quan trọng của Alphanam sau đó. Ngọc Mỹ chia sẻ: "Bây giờ, khi nhìn lại những việc bố nói mình làm, hoá ra bố đã có chủ ý dạy mình làm bất động sản từ khi còn đang học ở Mỹ với các bước rất bài bản".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 8.

Chia sẻ trong một buổi hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam từng nói: "Mấy thầy bảo tử vi của tôi không hợp lắm nhưng con tôi thì cả hai đều hợp với bất động sản". Trong buổi trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ, Nguyễn Ngọc Mỹ cũng nói: "Nếu mỗi người sinh ra để làm một việc gì đó phù hợp thì mình cảm thấy mình sinh ra để làm bất động sản.".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 9.

Cô gái nhà Alphanam bổ sung thêm: "Mình không hiểu sao gặp người nọ người kia thì chẳng rung động, nhưng đứng trước một mảnh đất đẹp thì thấy rung động như đang yêu ấy (cười). ‘Bắt sóng’ được mảnh đất đó thì yêu thương nó, muốn xây được một cái gì đó xứng đáng và phù hợp với mảnh đất ấy. Đó là lý do mình làm được nhiều điều mà mọi người nghĩ sẽ rất khó".

9x nhà Alphanam có vẻ ngoài mảnh mai và hơi tiểu thư nhưng là người phụ trách chính việc phát triển nhiều dự án bất động sản quan trọng, trị giá nhiều nghìn tỷ đồng ở Tập đoàn Alphanam, điều có vẻ hơi khó tin với một lĩnh vực mà nam giới thống trị. Ở lĩnh vực này, công việc phát triển dự án thường do những doanh nhân có nhiều kinh nghiệm thực tế, chứ chưa có cô gái nào chỉ mới học xong được vài năm như Ngọc Mỹ lúc đó.

Chia sẻ về bí quyết có được năng lượng cũng như khả năng thuyết phục đối tác, lãnh đạo địa phương khi làm dự án, Ngọc Mỹ nói: "Tất cả đều đến từ tình cảm chân thành và cảm xúc của mình dành cho mảnh đất, dự án. Khi chia sẻ với các lãnh đạo địa phương và đối tác quốc tế, mình luôn làm sao để tìm kiếm mô hình tốt nhất đối với mảnh đất, hài hoà được tầm nhìn của các bên liên quan để nhận được sự đồng thuận và ủng hộ. Đó cũng là triết lý và cách làm việc của Alphanam".

Cô gái này nói thêm: "Đi đến đâu mình phải thấy rung động với mảnh đất đó thì mới quyết tâm tham gia. Khi rung động với một mảnh đất đẹp rồi thì mình mới tràn đầy năng lượng, đi khảo sát và làm việc cũng quên hết mệt mỏi mà quyết tâm phải làm được cái gì đó bất ngờ cho nó".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 10.

Nguyễn Ngọc Mỹ (người ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Tuấn Hải (người đứng cạnh) trong một chuyến đi khảo sát ở Sapa.

Theo Ngọc Mỹ, cách phát triển bất động sản của Tập đoàn Alphanam là không đầu tư dàn trải ở quá nhiều địa phương. Mỗi thành phố mà Tập đoàn này đến đầu tư cần thực hiện được ít nhất 2-3 dự án có dấu ấn và đủ để tạo dựng được một bộ máy ở địa phương. "Đi đến đâu cũng phải làm chắc chắn và sâu, đã ăn sâu vào cách thức làm bất động sản của Alphanam", Ngọc Mỹ nhận xét.

Đã và đang phát triển nhiều dự án bất động sản du lịch lớn nhưng khách sạn sắp được hình thành ở Sapa cùng kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley là công trình thể hiện rõ nhất tình yêu của Ngọc Mỹ với những mảnh đất.

Trong 2 năm chuẩn bị cho dự án, Ngọc Mỹ đã tới mảnh đất này cũng nhiều kiến trúc sư nổi tiếng mà 2 người được coi là số 1 và số 2 thế giới về thiết kế resort siêu sang vào vòng chung kết. Tuy nhiên, việc chọn Bill Bensley không phải bởi ông là "phù thuỷ" thiết kế, người tạo nên 2 khu nghỉ dưỡng "phải đến một lần trong đời" ở Việt Nam là Intercontinental Đà Nẵng và JW Marriott Phú Quốc. Thực tế, người còn lại là kiến trúc sư số 1 thế giới về resort siêu sang – Jean Michel Gathy, người thiết kế Amanoi Ninh Thuận.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 11.

Lý do Ngọc Mỹ chọn Bill Bensley đơn giản vì thấy "ông là người cực kỳ yêu môi trường". "Khi cùng đi khảo sát dự án, Bill nhặt từng vỏ rác trên đường, cho vào túi và cầm về. Hành động đó làm mình rất xúc động. Mình nghĩ một người yêu môi trường như vậy thì không phá Sapa được. Chắc chắn, Bill sẽ trân trọng từng tấc đất, từng cái cây ở đó để dự án trên đồi của mình trở thành một kỳ quan và thực sự là một dự án đáng tự hào về cách thức sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường", Ngọc Mỹ tiết lộ về nhân tố then chốt khi ra quyết định chọn kiến trúc sư cho dự án quan trọng nhất ở Sapa của Tập đoàn Alphanam.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 12.

Dù đã trở thành một nữ doanh nhân trẻ nổi tiếng, với nhiều danh xưng đình đám nhưng trong những buổi trò chuyện với Trí thức trẻ, Nguyễn Ngọc Mỹ luôn nhắc đến bố (ông Nguyễn Tuấn Hải) với sự kính trọng lớn. "Trong rất nhiều bài học mà bố dạy 2 anh em, đúc kết lại có cụm từ quan trọng nhất là ‘phải đối mặt’. Bài học mà bố luôn nhắc đi nhắc lại là: cái gì mình cũng phải đối mặt thôi", cô gái nhà Alphanam tâm sự.

Theo Ngọc Mỹ, ai muốn thành công đều phải đối mặt với nỗi sợ hãi của của chính mình, đối mặt với khó khăn ngoại cảnh, đối mặt với những người không thích mình, đối mặt với những hoàn cảnh khó xử trong xã hội, đối mặt với mất mát trong cuộc sống, công việc… "mà cuối cùng mình đều phải vượt qua".

Cô gái nhà Alphanam áp dụng triệt để triết lý "đối mặt" khi phải giải quyết các ý kiến trái chiều trong công việc, đặc biệt là vấn đề bất đồng thế hệ trong một công ty gia đình. "Trong một công ty gia đình, nếu cứ sợ xung đột thì sẽ không dám trao đổi thẳng thắn; vấn đề cứ ở đó, không thể giải quyết được và rắc rối sẽ phát sinh. Thế nhưng, mình đưa ra ý tưởng mà đến người trong nhà còn chưa thuyết phục được thì làm sao nói được người ngoài", Ngọc Mỹ chia sẻ.

Nữ doanh nhân này cho biết, cô và anh trai của mình coi xung đột là một phần của việc trao đổi thông tin và đối mặt với ý kiến trái chiều của người nhà chính là một phép thử xem ý tưởng của mình có đúng không. "Mình và anh trai học nhiều năm ở Mỹ nên việc tranh luận bình đẳng không gặp vấn đề gì. Còn nếu bố có ý kiến khác thì mình chỉ dành 20% thời gian để thuyết phục thôi, 80% phải dùng thực tế để chứng minh".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 13.

Bên cạnh bài học "phải đối mặt", triết lý về đạo Phật từ những tài liệu mà ông nội để lại là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng tới cô gái nhà Alphanam. "Đọc những tài liệu về đạo Phật của ông, mình ngộ được rằng tất cả những khó khăn liên quan đến cuộc sống bản chất được tạo ra để mình có cơ hội tu tập, trưởng thành và trở thành người tốt hơn. Khi hiểu được như vậy, việc đối mặt với khó khăn cũng nhẹ nhàng vì mình đã coi đó là một phần của cuộc sống", Ngọc Mỹ tâm sự. Cô tiết lộ, sách về đạo Phật cũng là chốn ẩn náu an yên cho mình mỗi khi buồn bực.

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình học việc để nối nghiệp ở Alphanam, Ngọc Mỹ nói: "Thật khó để chia sẻ có khó khăn gì vì cuộc sống ai mà chả khó khăn (cười)". Rồi cô gái này tự nhận: "Mình là người boring vì mọi chuyện xảy đến đều được mình dung hoà và không coi đó là khó khăn nên thực sự cũng không có drama gì để mà kể".

Ở nhà, ông Nguyễn Tuấn Hải dạy con hiểu về khó khăn bằng việc thách thức Ngọc Mỹ từ những chuyện nhỏ lúc còn đi học. "Khi về kể với bố là con không thích bạn này hoặc bạn kia không thích con thì bố bảo: ‘Con phải làm thế nào để vẫn chơi được với bạn đó mới giỏi. Ai chả làm được cái mình thích, chỉ có người giỏi mới làm được cái mình không thích’. Những thách thức như vậy cứ theo mình đến lớn và giúp mình quen với nó", Ngọc Mỹ nói.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 14.

Năm 2014, Chủ tịch HĐQT Alphanam nói vui rằng, ông hài lòng với vị trí "làm thuê" cho các con của mình khi các ý tưởng mới để phát triển công ty đều do 2 con đề xuất. Hai năm gần đây, việc điều hành trực tiếp toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Alphanam, với 40 công ty thành viên do 2 anh em đảm nhận. Anh trai của Ngọc Mỹ là Nguyễn Minh Nhật giữ chức Tổng giám đốc Alphanam E&C. Ông Nguyễn Tuấn Hải làm đúng nhiệm vụ của một Chủ tịch HĐQT ở vai định hướng chiến lược, tìm cơ hội đầu tư mới…

Chia sẻ về cơ hội thăng tiến ở một công ty gia đình như Alphanam, Ngọc Mỹ cho biết: "Tập đoàn có tới 40 công ty con mà bố mình chỉ làm Chủ tịch. Mình với anh Nhật (Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Alphanam- anh trai của Ngọc Mỹ) thì cũng không ôm việc làm gì nên chỉ tham gia những việc cần nhất, còn lại để hết cho các bạn khác làm nên ở Alphanam có rất nhiều ‘ghế’ (cười)".

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 15.

Từ trái qua: Nguyễn Ngọc Mỹ, ông Nguyễn Tuấn Hải (bố), bà Đỗ Thị Minh Anh (mẹ Ngọc Mỹ), và Nguyễn Minh Nhật (anh trai Ngọc Mỹ và là Tổng giám đốc Tập đoàn Alphanam)

Năm 2020, do đại dịch Covid-19, Alphanam gặp khó khăn lớn ở 2 mảng bất động sản và khách sạn. Tập đoàn này tập trung "trở lại" mảng sản xuất công nghiệp. Theo đó, ngoài việc đầu tư thêm cho các nhà máy (mua máy móc, dây chuyền mới), công ty này còn thành lập "The Best of Japan Home Center", gộp các khối  lại với nhau: thang máy FUJIALPHA, sơn Kansai-Alphanam, trung tâm Toto-Alphanam), tạo ra những combo sản phẩm, thuận lợi hơn cho việc bán hàng.

"Khi các công ty khác cố gắng cắt giảm chi phí, Alphanam đầu tư thêm cho chất lượng và dịch vụ. Bên cạnh đó, Covid-19 là ‘điểm trũng’ nhưng lại giúp mình có thời gian để đào tạo nhân viên, tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho dịch vụ", Ngọc Mỹ phân tích.

Trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn, biện pháp mà nữ doanh nhân thường chia sẻ với nhân viên của mình trong đại dịch Covid-19 là "vừa đấm, vừa đá, vừa đạp" – tóm lại làm bất cứ cách thức nào để mình có thể tồn tại". Và một trong những minh chứng cho chiến lược mà Ngọc Mỹ gọi là "chiến tranh nhân dân" này là trong 2 tháng hè, tỷ lệ lấp đầy phòng ở Khách sạn Four Points by Sheraton Danang trước làn sóng Covid-19 thứ hai lên tới hơn 90%. "Alphanam đã thay đổi rất nhiều biện pháp để kéo khách đến chỗ mình, làm mọi thứ để bảo vệ dòng tiền, bảo vệ công việc cho người lao động", nữ doanh nhân này khẳng định.

Nguyễn Ngọc Mỹ: Cô gái thích Phật giáo và ‘phải lòng’ những vùng đất - Ảnh 16.

Điều thú vị là đại dịch Covid-19 không làm thay đổi tầm nhìn của Tập đoàn Alphanam về lĩnh vực khách sạn. Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết, tập đoàn này dự kiến sẽ xây dựng 30 dự án khách sạn nghỉ dưỡng lớn tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam. "Đến khi hoàn thành 30 dự án thì Alphanam sẽ chuyển sang lĩnh vực mới và bây giờ đang làm 15 cái rồi", Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Alphanam tiết lộ.

Hoàng Ly
Hương Xuân
Theo Trí Thức TrẻNgày 19/12/2020