Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Nhiều phụ huynh “trấn an bản thân” bằng cách đầu tư tiền bạc ép con học thêm mà bỏ qua 1 điều mấu chốt để thành công

Hạ Uyên | 23-04-2021 - 21:57 PM

(Tổ Quốc) - Không khó để nhận ra những đứa trẻ bị dồn ép trong cảnh học thêm tối ngày ấy nơi bến tàu, bến xe, cổng trường với khuôn mặt hoặc thờ ơ, hoặc ngơ ngác và vội vã.

* Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Điểm số không phải là tất cả, điểm số chưa hẳn là năng lực thực sự của học sinh. Dù lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, những con số với nhiều học sinh vẫn là nỗi "ám ảnh" bởi kỳ vọng từ chính bố mẹ mình. 

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương - tác giả của nhiều đầu sách hay về giáo dục, lịch sử cho rằng: "Là giáo viên và là người bình luận, nghiên cứu về giáo dục, hàng ngày tôi thường xuyên nghe được những lời phàn nàn của các bậc phụ huynh về con em họ.

Trong thời buổi hiện nay khi giáo dục trường học đang trong cơn khủng hoảng triền miên, họ có rất nhiều nỗi lo lắng và bất an. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một điểm chung trong nỗi lo lắng của họ. Đó là họ sợ con em mình không học giỏi các môn giáo khoa để có điểm số cao đủ để thi vào các trường đứng "top" đầu". 

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu này, cái đáng sợ nhất không phải là con không đạt điểm số cao nhất. Cái đáng sợ nhất là đứa trẻ thiếu mối quan tâm, hứng thú mạnh mẽ và năng lực tập trung cao độ để làm điều gì đó cho đến nơi đến chốn và tận tâm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Nhiều phụ huynh “trấn an bản thân” bằng cách đầu tư tiền bạc ép con học thêm mà bỏ qua điều mấu chốt để thành công này - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương.

Xin chia sẻ bài viết đang được nhiều phụ huynh đồng tình của anh về vấn đề này:

ĐỪNG SỢ CON KHÔNG GIÀNH ĐIỂM SỐ CAO NHẤT - HÃY SỢ KHI CON KHÔNG BIẾT SAY MÊ

Nhiều phụ huynh lo sợ và nhạy cảm với chuyện con được điểm kém, thậm chí là điểm 7, 8 cũng bị coi là "kém" vì mục tiêu của họ phải là điểm 10. Họ lo ngại rằng, với điểm số đó, con em họ sẽ không vào được các trường "chuyên", "trường điểm" hay thi được vào các đại học "top" đầu ở Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc trong tương lai con họ khó có một công việc tốt và đời sống được đảm bảo.

Để trấn an bản thân, họ đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho các lớp học thêm và ép con theo học với thời khóa biểu dày đặc. Không khó để nhận ra những đứa trẻ bị dồn ép trong cảnh học thêm tối ngày ấy nơi bến tàu, bến xe, cổng trường với khuôn mặt hoặc thờ ơ, hoặc ngơ ngác và vội vã.

Thực ra, là giáo viên và cũng là phụ huynh tôi thấy cái đáng sợ nhất của người làm thầy, làm cha mẹ không phải là con em mình không đạt điểm cao nhất nhì trong lớp hay không có khả năng học tốt các môn giáo khoa bằng bạn bằng bè. Cái đáng sợ nhất là đứa trẻ thiếu mối quan tâm, hứng thú mạnh mẽ và năng lực tập trung cao độ để làm điều gì đó cho đến nơi đến chốn và tận tâm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương

Cái đáng sợ nhất của người làm thầy, làm cha mẹ không phải là con em mình không đạt điểm cao nhất nhì trong lớp hay không có khả năng học tốt các môn giáo khoa bằng bạn bằng bè. Cái đáng sợ nhất là đứa trẻ thiếu mối quan tâm, hứng thú mạnh mẽ và năng lực tập trung cao độ để làm điều gì đó cho đến nơi đến chốn và tận tâm.

Trong trải nghiệm dạy học của mình, tôi ít gặp vấn đề với các học sinh học kém do năng lực trí tuệ mà chủ yếu đau đầu với chuyện các em không thể tập trung trong một thời gian dài, không biến đam mê nhất thời thành sở thích và niềm say mê lâu lài. Khi thiếu say mê và tập trung, cho dù thông minh, các em không thể đi đến được chặng đường gặt hái được thành tựu và đa phần bỏ cuộc giữa chừng.

Tư duy của phụ huynh hướng mối lo vào điểm số và con đường tiến thân dựa trên con đường "khoa cử" thuần túy có lẽ nảy sinh từ cái nhìn thiên kiến và cứng nhắc của họ đối với hiện trạng và tương lai của xã hội.

Trong xã hội khép kín, kinh tế tư nhân chưa có hoặc yếu ớt, người ta sẽ chỉ có thể tìm được việc làm ổn định ở khối hành chính sự nghiệp khi trở thành viên chức, công chức. Nhu cầu xã hội khi đó cũng rất giản đơn khiến cho các loại hình nghề nghiệp không phong phú. Thanh niên rất ít cơ hội để lựa chọn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Nhiều phụ huynh “trấn an bản thân” bằng cách đầu tư tiền bạc ép con học thêm mà bỏ qua điều mấu chốt để thành công này - Ảnh 3.

Khi thiếu say mê và tập trung, cho dù thông minh, các em không thể đi đến được chặng đường gặt hái được thành tựu và đa phần bỏ cuộc giữa chừng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, xã hội không phải là một thực thể bất biến ngay cả ở các xã hội trì độn nhất. Toàn cầu hóa đã biến các nguồn lực trong đó có con người trở thành "tài sản" chung của xã hội toàn cầu. Ở đó con người có thể kiếm tiền và khẳng định giá trị bản thân trong một cộng đồng rộng lớn vượt ra ngoài phạm vi địa lý họ sinh sống hoặc thuộc về.

Nhu cầu thỏa mãn các đòi hỏi của con người cũng trở nên ngày càng phong phú. Nó tạo ra vô vàn cơ hội để các ngành nghề mới ra đời với tính chất chuyên biệt hóa, cá nhân hóa ngày càng cao. Vì vậy, khác biệt, độc đáo và "chỉ mình làm được" trở thành tiêu chí quan trọng trong nghề nghiệp hơn là "người khác làm gì mình làm nấy". 

Chính vì vậy, trên thực tế đã hình thành trào lưu trước đó chưa từng thấy là biến niềm say mê, sở thích của bản thân thành nghề nghiệp. Và khi đẩy nghề nghiệp đó lên tới đỉnh cao, các cá nhân trở thành người xuất chúng đáng ngạc nhiên.

Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Kondo Marie, một chuyên gia về sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc của Nhật Bản là ví dụ.

Cho dù tốt nghiệp Đại học nữ sinh Tokyo sự nghiệp chói sáng của cô lại gắn liền với thú vui "kì quái" (theo cách gọi của mẹ cô) hồi nhỏ. Đó là ngay từ lúc nhỏ Kondo đã rất thích lau chùi, sắp xếp đồ đạc trong nhà. Cô bé Kondo làm điều đó với sự say mê cao độ khiến cho gia đình và bạn bè vô cùng ngạc nhiên. 

Từ khi còn là học sinh trường mầm non, Kondo đã thích đọc tạp chí dành cho người nội trợ và khi là học sinh tiểu học, trung học cơ sở thì luôn "có mặt" trong tổ trực nhật. Vào năm cuối cùng của bậc học trung học cơ sở (tương đương lớp 9), Kondo đọc được cuốn sách dạy về kĩ thuật "ném bỏ" đồ đạc của một tác giả người Nhật và cô có cảm giác mình được khai sáng. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Nhiều phụ huynh “trấn an bản thân” bằng cách đầu tư tiền bạc ép con học thêm mà bỏ qua điều mấu chốt để thành công này - Ảnh 4.

Kondo Marie, một chuyên gia về sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc của Nhật Bản.

Từ đó, cô chú tâm nghiên cứu về kĩ thuật, nghệ thuật dọn dẹp, sắp xếp, bài trí đồ vật trong nhà một cách có hệ thống. Khi thấy xã hội có nhu cầu rất lớn về dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, cô đã biến thú vui của mình thành "công việc" và thành công vang dội. Các cuốn sách cô viết trở thành sách bán chạy, được xuất bản ở trên 30 nước trên thế giới. Kondo bỗng nhiên trở thành ngôi sao trên cả các show truyền hình và được đón nhận nồng nhiệt không thua kém các ngôi sao giải trí đại chúng.

Lau chùi, dọn dẹp, sắp xếp… những công việc tưởng chừng như nhàm chán và quá thông thường qua bàn tay và trí tuệ của cô đã biến thành nghệ thuật đầy mĩ học và kĩ thuật tinh xảo.

Ở công việc của Kondo đã có sự trùng khớp của ba thứ "việc thích làm", "việc có thể làm" và "việc nên làm". Kondo Marie là người hạnh phúc vì cô đã biến thú vui hồi nhỏ của bản thân trở thành một công việc đem lại thu nhập tốt và vô cùng ý nghĩa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương

Muốn đi được trên con đường thành công, đầu tiên và quan trọng nhất người ta phải có sự say mê và tập trung cao độ. Hai thứ ấy không tự nhiên mà có mà nó phải được nuôi dưỡng và khuyến khích từ thời thơ ấu.

Câu chuyện của Kondo Marie là một ví dụ sinh động và thuyết phục trong muôn ngàn ví dụ trên thế giới chứng minh rằng, để thành công có rất nhiều con đường chứ không phải chỉ có một con đường duy nhất mà ai cũng phải đi qua.

Muốn đi được trên con đường ấy, đầu tiên và quan trọng nhất người ta phải có sự say mê và tập trung cao độ. Hai thứ ấy không tự nhiên mà có mà nó phải được nuôi dưỡng và khuyến khích từ thời thơ ấu. Phụ huynh đừng sợ con không giành điểm cao nhất lớp hay không vào được trường có thứ hạng cao nhất mà hãy sợ con không làm cái gì đó với sự say mê và tập trung cao nhất.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM