(Toquoc)-Sự chia rẽ và thanh trừng nội bộ trong băng đảng lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi gây quan ngại về cuộc chiến băng đảng trên toàn đất nước.
(Toquoc)-Sự chia rẽ và thanh trừng nội bộ trong băng đảng lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi gây quan ngại về cuộc chiến băng đảng.
Nhật Bản được biết đến với tỷ lệ tội phạm thấp và không có tham nhũng. Theo số liệu của OECD năm 2012, nước này có tỉ lệ giết người thấp thứ 2 (sau Iceland) trong khối với 0.5 vụ giết người/ 100.000 dân. Tuy nhiên, có một ngoại lệ khét tiếng đó là hệ thống tội phạm có tổ chức của Nhật Bản,còn được biết đến với tên gọi Yakuza.
Nhóm này có một lịch sử tồn tại lâu dài trong xã hội Nhật Bản, muộn nhất là từ thế kỉ 18 và được biết đến với hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt, truyền thống phát triển và sự kết nối với giới tinh hoa chính trị.
Hầu hết các gia đình Yakuza lớn hoạt động như các "hiệp hội" hợp pháp, mà tên gọi của họ có thể được tìm thấy trong các cuốn danh bạ điện thoại và trụ sở của họ được giới thiệu bằng các tấm biển bằng đồng. Theo The Economist, một số thành viên Yakuza thậm chí có danh thiếp và có kế hoạch nghỉ hưu. Mặc dù số lượng thành viên Yakuza đã giảm đều đặn trong những thập kỷ gần đây, rõ ràng hiện tại vẫn còn khoảng 53.500 thành viên đăng ký chính thức.
Yakuza là thành phần chính trong hệ thống tội phạm có tổ chức của Nhật Bản. Mặc dù mỗi tổ chức có quy định cụ thể về lĩnh vực hoạt động riêng, nhưng phần lớn các tổ chức Yakuza đều đứng sau các hoạt động tội phạm đang diễn ra trên toàn Nhật Bản như buôn lậu ma túy, buôn bán người và tống tiền.
Hơn nữa, để tránh sự chú ý không mong muốn từ các cơ quan điều tra, nhiều tổ chức Yakuza đang đẩy mạnh tham gia vào hoạt động tài chính ngầm, lĩnh vực phức tạp và khó khăn hơn để tìm ra dấu vết phạm tội.
Cái chết của ông trùm Tatsuyu Hishida (59 tuổi) đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc nội chiến tranh giành quyền lực của tổ chức mafia lớn nhất Nhật Bản
“Tội phạm hợp pháp”
Tính hợp pháp của Yakuza dựa vào hai yếu tố. Đầu tiên, tổ chức tội phạm này của Nhật Bản có lịch sử quan hệ chặt chẽ với chính trị: trong tiến trình hiện đại hóa nhanh chóng của Nhật Bản, Yakuza đã đi sâu vào nền kinh tế.
Sau Thế chiến II, Yakuza đã phát triển mạnh mẽ trong thế giới ngầm. Sức mạnh của họ đạt đỉnh điểm vào những năm 1960 với số lượng thành viên ước tính 184.000. Theo The Diplomat, tại thời kì đỉnh cao, Yakuza có liên kết chặt chẽ với các chính trị gia bảo thủ và đã được sử dụng bởi Đảng Dân chủ Tự do (LDP), người khổng lồ chính trị thời kì hậu chiến tại Nhật Bản, để “bẻ gãy” các tổ chức và các cuộc biểu tình cánh tả. Hiện tại, mối quan hệ như vậy là không hoàn toàn bị lu mờ.
Nguyên nhân thứ hai đó là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Yakuza trong xã hội đã giúp Nhật Bản có rất ít tội phạm. Các gia đình tội phạm lớn kiểm soát con đường buôn bán ma túy và nhiều hoạt động trong thế giới ngầm để tránh đối đầu với cảnh sát. Khi hoạt động của Yakuza không làm hại đến bất cứ ai “bên ngoài thế giới tội phạm”, họ được sự “chấp thuận ngầm” của chính phủ. Theo nhận xét của The Economist, Nhật Bản có xu thế lựa chọn tội phạm có tổ chức để thay thế tội phạm vô tổ chức.
Hơn nữa, các Yakuza cũng đang nỗ lực “đánh bóng” hình ảnh và thể hiện sự nhân đạo của mình. Nhiều nhóm Yakuza đã tổ chức các sự kiện từ thiện, chia đồ cho người nghèo và người vô gia cư, và thậm chí tổ chức các bữa tiệc ở vùng lân cận cho trẻ em. Yakuza đã có một nỗ lực cứu trợ nhanh chóng sau thảm họa hạt nhân Fukushima, điều được hoan nghênh khi so sánh với những phản ứng chậm chạp của chính phủ.
Báo động chiến tranh băng đảng
Tuy nhiên, tình trạng nguy hiểm đang được đặt ra khi các gia tộc Yakuza xảy ra chiến tranh. Gia tộc Yakuza lớn nhất, Yamaguchi-gumi gần đây đã bị chia rẽ. Yamaguchi-gumi được thành lập năm 1915 và có trụ sở tại Kobe đã bất ngờ có sự phân tách lớn đầu tháng 9 vừa qua. Hơn 2.000 người thuộc 13 gia tộc nhỏ liên kết với tổ chức này đột ngột tách khỏi 23.400 thành viên để lập nhóm mới với tên Kobe Yamaguchi-gumi sau những bất đồng về đường lối phát triển trong tương lai.
Sau khi băng này tách ra, các băng tội phạm có tổ chức (Yakuza) ở Nhật Bản sẽ phải quyết định theo phe nào: nhóm cũ hay nhóm tách ra. Sự mâu thuẫn trong nội bộ các băng về việc ngả theo phe nào cũng sẽ khiến nhiều băng có khả năng phân tách tiếp.
Yamaguchi-gumi đã có 10.400 thành viên tại 44 tỉnh vào cuối năm 2014. Số lượng có thể là 23.400 nếu bao gồm cả các thành viên được thu nhận. Sự chia rẽ này đã đặt ra tình trạng báo động trong chính phủ Nhật Bản với những lo ngại về một cuộc chiến tranh lan rộng trong thế giới ngầm của Nhật Bản, lôi kéo sự tham gia của 21 tổ chức tội phạm trên cả nước.
Điều này đã trở thành hiện thực khi cả Yamaguchi-gumi và 13 gia tộc vừa chia tách đang bận rộn trong việc mua sắm vũ khí và tổ chức đội ngũ, theo Asahi Shimbun. Những viên đạn đầu tiên mở màn cuộc chiến băng đảng đã được bắn ra tại một cơ sở tắm suối nước nóng ở Iida, tỉnh Nagano. Một người đàn ông- người muốn rời nhóm Yamaguchi-gumi để gia nhập nhóm đối thủ mới thành lập, đã bị giết chết bởi súng bên ngoài nhà tắm vào ngày 6/10.
Và để trả đũa cho vụ này, ngày 15/11 vừa qua, BBC cho biết, vợ và các thành viên trong băng đảng Yamaguchi-gumi đã phát hiện thấy Tatsuyuki Hishida, thủ lĩnh của nhóm thứ hai trong băng đảng này, được gọi là Aio-kai có trụ sở tại thành phố Yokkaichi, đã gục ngã và chảy máu tại một ngôi nhà ở tỉnh Mie
Chính phủ Nhật Bản có nhiều lí do để lo ngại một cuộc chiến tranh băng đảng. Từ năm 1985 đến năm 1987, 25 thành viên Yakuza đã thiệt mạng và khoảng 70 người khác bị thương liên quan đến sự chia rẽ trong các cuộc chiến băng đảng do sự bất đồng về người sẽ trở thành thủ lĩnh của Yamaguchi-gumi.
Năm 1985, một nhánh lớn tách ra khỏi Yamaguchi-gumi cũng gây ra một trận “gió tanh mưa máu”. 293 cuộc xung đột bạo lực và trả thù được ghi nhận, trong khi con số thương vong không thể thống kê. Vài năm trước đây, một cuộc chiến cũng nổ ra giữa hai băng nhóm đối thủ tại các hòn đảo phía nam của Kyushu, trong đó bọn cướp tấn công nhau bằng súng máy và lựu đạn.
Đã đến lúc chính trường Nhật Bản cần phải thoát khỏi “sự ảnh hưởng lịch sử” của Yakuza để đem lại sự ổn định thực sự cho xã hội nước này.
An Bình (Tổng hợp)