• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày giải phóng của Đoàn Thiết giáp M26: Chuyện không phải ai cũng biết!

An ninh trật tự 09/05/2021 13:20

(Tổ Quốc) - Trưa 30.4.1975, Sài Gòn được giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cả nước vỡ òa trong niềm vui hòa bình, thống nhất.

Nhiệm vụ đặc biệt

Vừa mới trải qua những ngày chiến đấu ác liệt, cán bộ chiến sĩ nghỉ ngơi chưa được bao lâu thi Đoàn Thiết giáp M26 nhận được mệnh lệnh từ Bộ Tư lệnh Miền: Tổ chức cho một đơn vị cấp tiểu đoàn đi làm nhiệm vụ đặc biệt từ ngày 5.5.1975.

Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, cán bộ chiến sĩ của Đoàn M26 lại khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Xe pháo được kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bổ sung đầy đủ nhiên liệu, dầu mỡ. Vũ khí cũng được bảo dưỡng, bổ sung đủ cơ số đạn.

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày giải phóng của Đoàn Thiết giáp M26: Chuyện không phải ai cũng biết! - Ảnh 1.

Thì ra, vào thời điểm 30.4.1975, trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng của Quân đoàn 4 (quân lực Việt Nam cộng hòa) vẫn còn nguyên vẹn cùng với toàn bộ vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh.

Sau khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các cấp chỉ huy người thì tự sát, người thì bỏ nhiệm sở...

Quân lính rơi vào tình trạng như rắn mất đầu, một số bỏ về quê quán nhưng một số vẫn trụ lại doanh trại, cấu kết với một số công chức chính quyền chế độ cũ nuôi mưu đồ chống đối.

Trong khi đó, chính quyền cách mạng cũng như lực lượng vũ trang sở tại vừa mới thành lập, lực lượng còn mỏng, yếu không bao quát, quản lý hết được. Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Trước tình hình đó, đơn vị tăng thiết giáp này có nhiệm vụ thực hiện cuộc hành quân về miền Tây Nam Bộ, có nhiệm vụ thị uy sức mạnh của Quân Giải phóng, trấn áp các mưu đồ phản loạn của tàn quân, hỗ trợ chính quyền cách mạng các địa phương.

Chấp hành mệnh lệnh của trên, đoàn M26 đã thành lập một tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp hỗn hợp bao gồm một số xe tăng bơi K63-85 và xe thiết giáp BTR-50PK do đồng chí Lê Như Hòa, Tham mưu phó Đoàn M26 chỉ huy đi làm nhiệm vụ.

Kế hoạch hành quân của đoàn sẽ hành quân bằng đường bộ qua một loạt các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa hành quân vừa kết hợp tuyên truyền cho đồng bào cũng như các đối tượng khác thấy được sức mạnh của Quân giải phóng cũng như sự khoan hồng và tinh thần hòa hợp, hòa giải của cách mạng.

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày giải phóng của Đoàn Thiết giáp M26: Chuyện không phải ai cũng biết! - Ảnh 2.

Các xe tăng bơi K63-85 đã tham gia nhiều chiến dịch, góp phần Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Lộ trình của cuộc hành quân gồm 9 chặng: Sài Gòn - Long An - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Sa Đéc - Cao Lãnh - Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ rồi về lại Sài Gòn. Mỗi chặng hành quân trong 1 ngày. Cứ đi hai ngày thì được nghỉ thêm 1 ngày để chăm sóc, bảo dưỡng xe.

Thời gian hành quân: vào ban ngày. Hàng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng, đến vị trí nghỉ đêm trước 17 giờ chiều. Vị trí dừng nghỉ đêm: các sân vận động hoặc quảng trường. Nghỉ giữa chặng tùy tình hình, chọn các thị trấn, thị tứ nơi tập trung đông người.

Tốc độ hành quân: Căn cứ vào độ dài chặng để quyết định.

Yêu cầu chung: Tất cả các xe cắm cờ giải phóng, trên đường đi cũng như ở tại nơi nghỉ đều phải duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nghỉ đêm phải tổ chức canh gác chặt chẽ. Bộ đội phải ăn mặc, tác phong nghiêm chỉnh, giữ đúng mối quan hệ với nhân dân và kỷ luật ở vùng mới giải phóng.

Thời gian bắt đầu thực hiện nhiệm vụ: Từ ngày 5.5.1975.

Hóa ra, nhiệm vụ cũng không quá nặng nề

Vẫn biết ta đã thắng rồi song tình hình cụ thể ở các địa phương miền Tây cũng như dọc đường hành quân chưa biết thế nào nên không ít cán bộ, chiến sĩ tỏ ra lo lắng. Bởi vậy, ai cũng chú ý làm thật tốt công tác chuẩn bị theo chức trách của mình.

7 giờ sáng ngày 5.5.1975, sau Mệnh lệnh hành quân, hơn 20 xe tăng, thiết giáp thành một hàng dọc lên đường. Tất cả các xe đều cắm lá cờ giải phóng mới, pháo súng đánh cao, trưởng xe, pháo hai đứng thò đầu trên tháp pháo đầy vẻ hiên ngang.

Trên các xe thiết giáp, bộ binh cũng treo súng đứng hai bên thành xe. Quả thật là hùng dũng.

Dọc đường đi, bà con đứng đầy hai bên đường vẫy chào rất nhiệt tình. Các chiến sĩ xe tăng cũng nhiệt tình chào đáp lễ. Gương mặt ai cũng tươi roi rói. Ở các vị trí nghỉ giữa chặng, bà con bu đến xem xe tăng, thăm hỏi, cho quà cán bộ, chiến sĩ.

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày giải phóng của Đoàn Thiết giáp M26: Chuyện không phải ai cũng biết! - Ảnh 4.

Đơn vị hỗn hợp BTR-50PK và xe tăng lội nước PT-76 trước giờ xuất trận tham gia chiến dịch lớn.

So với những cuộc hành quân thời chiến thì thật là một trời một vực: xưa chỉ đi đêm, trên những con đường quân sự nhỏ hẹp thì nay toàn đi ban ngày, trên những con đường trải nhựa thênh thang. Xưa đi đến đâu thì vội lo ngụy trang, xóa vết xích, nay thì đàng hoàng lại còn được đón rước chân tình...

Tâm lý căng thẳng của một số cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng được giải tỏa.

Khoảng 16 giờ chiều, đoàn xe tăng, thiết giáp rẽ vào và dừng lại tại sân vận động thị xã Long An. Bộ đội nhanh chóng triển khai đội hình trú quân, chuẩn bị canh gác, cảnh giới và triển khai công tác hậu cần. Chỉ huy đoàn thì tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với Ủy ban quân quản thị xã.

Trong lúc đó, bà con kéo đến rất đông. Lúc đầu thì mon men ở mãi xa, sau thì xáp lại gần. Một vài người bắt chuyện. Khi được bộ đội ta cởi mở tâm tình thì bà con kéo đến xem đông như đi xem hội. Và từ đó tới khuya ko lúc nào ngớt người vào xem.

Cũng không hiểu sao mà bà con Long An lại gọi xe tăng là "Bù lu" của Quân Giải phóng. Thế rồi, người hỏi cái này người hỏi cái kia, thi nhau sờ mó, đo đạc xem vỏ thép dày thế nào, rồi chụp hình, chụp ảnh tía lia....

Rồi cũng chẳng biết từ bao giờ và ai tổ chức kêu gọi mà mọi người mang hoa quả, bánh quà... đến uý lạo bộ đội giải phóng . Khi bữa cơm bộ đội dọn ra dưới ánh điện, nhiều nhà mang đồ ăn ra góp rồi cả nhà cùng ngồi ăn với bộ đội, vừa ăn vừa chuyện trò hết sức vui vẻ.

Giữa bữa, một ông chủ tiệm cơm mang cả con heo quay ra xả tại chỗ. Thế là bà con í ới gọi nhau lấy phần chia về cho mỗi xe một ít. Bữa cơm thật vui, kéo dài mãi đến khuya mới kết thúc.

Tuy nhiên, ăn xong mà mọi người vẫn chưa muốn ra về, ai cũng muốn nán lại để kể chuyện và nghe chuyện.

Cán bộ chỉ huy của ta phải có lời xin lỗi bà con về cho bộ đội còn nghỉ ngơi, mai tiếp tục làm nhiệm vụ thì bà con mới về.

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày giải phóng của Đoàn Thiết giáp M26: Chuyện không phải ai cũng biết! - Ảnh 6.

Các xe tăng bơi K63-85 đã tham gia nhiều chiến dịch, góp phần Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong lúc bộ đội đi ngủ, cán bộ các cấp mới ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm. Tất nhiên, cũng có những chuyện chưa vừa ý song cũng chỉ là tiểu tiết. Còn đại thể là thành công, đạt được mục đích đề ra. Ai cũng phấn khởi. Ngày công tác đầu tiên trôi qua một cách nhẹ nhàng.

7 giờ sáng hôm sau, đoàn lại lên đường đi thị xã Vĩnh Long. Khác với chặng đầu, chặng hôm nay phải đi qua phà. Vì không quá vội nên khi đến bến phà, anh em ta vẫn cho xe xếp hàng theo thứ tự.

Tuy nhiên, không ai bảo ai, tất cả xe cộ phía trước đều dẹp hết về một bên đường để nhường cho "xe nhà binh’ đi trước.

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày giải phóng của Đoàn Thiết giáp M26: Chuyện không phải ai cũng biết! - Ảnh 7.

Đại tá Phạm Văn Đức - Nguyên Trợ lý Chính trị Đoàn M26, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Tăng Thiết giáp

Không chỉ thế, bà con buôn bán hoa quả, bánh trái ở bến phà còn mang từng thúng trái cây hay quà bánh đến tặng các chiến sĩ của ta. Cán bộ chiến sĩ của ta chân thành cảm ơn và chỉ xin nhận tượng trưng một ít.

Tối hôm đó, tại sân vận động thị xã, cảnh tượng lại diễn ra y như đêm hôm trước tại thị xã Long An.

Cả quân và dân cùng vui hết mình. Một số thanh niên nam nữ còn mang đàn đến đàn hát những bài ca cách mạng nên không khí càng náo nhiệt.

Ngày tiếp theo, đoàn nghỉ lại thêm một ngày đúng theo kế hoạch. Rất nhiều bà con từ nơi xa giờ mới có dịp kéo đến xem. Các cô gái miền Tây xinh đẹp có vẻ cũng mến các chiến sĩ người Bắc trắng trẻo, thư sinh hay sao đó mà xung phong ra nấu nướng giúp. Khi chia tay đã thấy có người ghi địa chỉ cho nhau.

Những ngày tiếp theo, đoàn thực hiện đúng kế hoạch hành quân đã vạch ra. Đã có kinh nghiệm, bộ đội ta tiếp xúc với dân cởi mở, thoải mái hơn. Còn dân chúng thì thì thào truyền tai nhau: "bù lu" của giải phóng dày lắm, pháo bự lắm, lính tráng thì khỏe mạnh, đẹp trai mà... hiền khô. Giải phóng thắng là đúng rồi!

Trong những chặng dừng chân, cũng có một vài sự cố xảy ra song không có gì quá nghiêm trọng.

Chẳng hạn, hôm ở thị trấn Lấp Vò, Ban chỉ huy huyện đội mang quà ra úy lạo bộ đội, trong đó có cả rượu ngoại.

Bộ đội ta toàn lính trẻ, thấy các chú, các anh mời mọc nhiệt tình nên cũng hưởng ứng hết mình. Kết quả, có mấy đồng chí say tít cung thang, ngủ mê mệt đến gần trưa hôm sau mới dậy.

Còn có hôm gặp trời mưa, củi ẩm, anh em nuôi quân hì hục mãi không nấu nổi cơm. Mấy cô gái địa phương đến giúp, mồ hôi nhễ nhại cũng chịu. Rồi một cô thì thầm gì đó với cánh thanh niên.

Họ chạy xe máy đi rồi chở về mấy bình tròn tròn như quả bom. Sau khi lắp đặt, bật "toạch" một cái là lửa lên xanh lè. Chỉ một lát sau cơm nước đã sẵn sàng. Lính ta cứ tròn xoe cả mắt. Thì ra đó là bếp ga!

Sau hơn chục ngày hành quân, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lúc này, mọi người mới bảo nhau: "Kể ra nhiệm vụ đặc biệt song cũng không quá vất vả nhỉ!".

(Nguyễn Khắc Nguyệt ghi theo lời kể của Đại tá Phạm Văn Đức - nguyên Trợ lý Chính trị Đoàn M26, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Tăng Thiết giáp)

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

NỔI BẬT TRANG CHỦ