Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: "Tôi bị sốc bởi tiếng vo ve của đàn ruồi từ bãi rác cạnh bãi biển"
(Tổ Quốc)- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Hà Nội) đã đi dọc bãi biển Việt Nam bằng xe máy chia sẻ: "lẽ ra âm thanh sóng biển được nghe nhiều nhất nhưng với tôi đó lại là tiếng vo ve của con ruồi, nhất là khi đốt rác, chúng bay lên và âm thanh đó rất khó chịu. Cảm giác đó đeo đẳng tôi tới tận bây giờ".
Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc với anh Nguyễn Việt Hùng.
Rác che phủ bờ biển tới hàng ki lô mét
- Trước khi lên đường thực hiện bộ ảnh về rác thải nhựa tại các bờ biển Việt Nam, anh có nghĩ bộ ảnh sẽ có sức lan tỏa, tác động lớn như thế này không, thưa anh?
+ Trước khi lên đường vào tháng 8/2018, tôi đã dành khoảng một năm để xây dựng kế hoạch, mục tiêu mà mình mong mỏi. Tôi chỉ hy vọng các bức ảnh sẽ thay đổi nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan quản lý để từ việc thay đổi nhận thức đó sẽ thay đổi hành động, hành vi của mình trong tương lai.
- Nhìn các hình ảnh hay clip anh ghi lại thì dường như, người dân đã quen với việc xả rác trực tiếp. Dù họ biết có người quay, chụp nhưng vẫn rất "hồn nhiên" và đây là thói quen thường ngày, anh có nhận thấy điều đó không ạ?
+ Tôi đi qua nhiều kênh rạch, sông hồ trên cả nước thấy người dân tắm cùng với rác thải, trẻ con chơi đùa với rác thì hành vi bạn vừa nói đó là điều dễ hiểu. Nhiều người dân nhận thức được rằng, việc đổ rác không đúng nơi quy định như vậy là không được nhưng họ vẫn làm. Việc này do nhiều nguyên nhân: Chúng ta quan niệm cái này nhỏ, không ảnh hưởng gì, việc này không của riêng ai, nhưng từ những chuyện nhỏ đó mà biến biển thành bãi rác thải.
- Đi qua 28 tỉnh, thành phố ven biển dọc Việt Nam để chụp ảnh về rác thải nhựa, điều gì khiến anh ám ảnh nhất tới bây giờ?
+ Đi dọc bãi biển Việt Nam lẽ ra âm thanh sóng biển được nghe nhiều nhất nhưng với tôi đó lại là tiếng vo ve của con ruồi, nhất là khi đốt rác, chúng bay lên âm thanh đó rất khó chịu. Cảm giác đó đeo đẳng tôi tới tận bây giờ, ruồi tại bãi rác cạnh con đường đi của khách du lịch như đảo Nam Du, Kiên Giang. Nó như là bức tranh tương phản vậy cả màu sắc lẫn âm thanh, cạnh bờ biển rất đẹp có bãi rác toàn ruồi. Tôi đã sốc vì rác thải nhựa và sau đó là sốc cả âm thanh ấy.
Nhìn mọi người quăng rác ra biển cảm giác xót xa trào dâng, đôi khi tôi thấy sốc, đôi khi là sự sợ hãi, thậm chí là cảm giác bàng hoàng, tiếc nuối vì những gì chúng ta đang làm với thiên nhiên, với chính những nơi nuôi sống chúng ta.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng
Ở Bình Thuận chẳng hạn, bãi biển Tuy Phong hàng ki lô mét bờ biển toàn rác. Người dân đi đổ rác, đi vệ sinh ngay tại bãi biển, trẻ con ôm những cái chậu lớn đi đổ rác, nhặt vỏ lon để kiếm sống. Tất cả những thứ đó diễn ra trên bãi biển dài, rác che phủ kín tới nỗi không thể nhìn thấy "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" đâu nữa.
Hoặc tại Kiên Giang, di tích hòn Phụ Tử- di tích thắng cảnh quốc gia, người ta đốt rác ngay cạnh gốc dừa, gốc thốt nốt có vài chục năm tuổi, nhiều cây đã chết…
- Vậy còn niềm vui mà hành trình mang lại thưa anh?
+ Vượt qua cả sự mong chờ khi viết bản thảo, tôi chỉ nghĩ sẽ thay đổi một phần nào đó thôi nhưng giờ đây, sự lan tỏa tôi nghĩ trong tưởng tượng cũng không nghĩ tới. Tôi được được nhiều bài cam kết, chia sẻ của mỗi cá nhân, mỗi người với câu: "kể từ hôm nay", thậm chí đó còn là tiêu đề của bài báo về việc hạn chế dùng đồ nhựa, giảm ống hút nhựa, túi ni lông…
Câu "kể từ hôm nay" đó mình cũng rất vui và một chút tự hào, vượt qua sự kỳ vọng của cá nhân. Mình vui vì nhiều người quan tâm tới môi trường mà hàng ngày chúng ta chưa có cơ hội dịp thể hiện thôi.
Mọi việc đều bắt nguồn từ việc rất nhỏ
- Khi tôi chia sẻ một bài báo về hình ảnh rác thải anh chụp tại các bãi biển lên mạng xã hội, một người bạn vào bình luận đại ý rằng, chị ấy bị người bán hàng tại chợ mắng là "hâm" vì "tội" không xin túi ni lông đựng đồ ăn mà cho vào giỏ xe đạp. Anh đi xe máy dọc bờ biển chụp ảnh rác, hành trình ấy có ai nói anh gàn dở không?
+ Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến rác thải ra đại dương nhiều: nhận thức của người dân; trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc rõ ràng có tiêu chí về môi trường khi xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn để tình trạng này xảy ra rất lâu, diễn đi lại nhiều lần ở những vùng ven biển mà không có biện pháp nào.
Thứ 3 cũng phải có trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh liên quan tới dùng đồ nhựa dùng một lần.
Việc này phải đưa vào hành lang pháp lý với những điều luật liên quan tới rác thải nhựa, bảo vệ đại dương như Hàn Quốc chẳng hạn. Nó là thứ vũ khí để bảo vệ đại dương và môi trường sống của chúng ta.
Còn bị hâm ư? Tôi bị nói nhiều. Chúng ta phải chấp nhận một điều khi đam mê làm một việc gì đó, bất kể việc tốt nào đó sẽ có những người coi đó là việc điên rồ, không mang lại điều gì, vác tù và hàng tổng chẳng hạn.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng
Nhưng chúng ta phải đối diện và vượt qua. Nếu trên quãng đường đi ta dừng lại tranh cãi thì sẽ không tới đích, phải kiên quyết làm, sớm hay muộn mọi người sẽ theo. Dần dần sẽ có người ủng hộ, làm từ việc nhỏ, không viển vông, đao to búa lớn.
Chúng ta xây nhà xây từ cái móng và bạn thấy đấy, tác dụng của những việc nhỏ ta sẽ không thể ngờ được. Hình ảnh một em nhỏ ngay ngắn xếp hàng ở Nhật Bản đã lan tỏa khắp thế giới.
Người dân vô tư xả rác.
- Những ngày qua, phong trào dọn rác tại các điểm công cộng đang được lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều vùng của cả nước. Anh thấy vui chứ ạ?
+ Tôi nghĩ rằng trào lưu thì có thời gian, nó sẽ kết thúc, có lúc nở rộ và có lúc bình bình. Nhưng tôi hy vọng trào lưu này ở Việt Nam sẽ kéo dài. Tôi nhận thấy trong quá trình đi chụp rác thải nhựa, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã thực hiện hành vi dọn rác. Hay tại các buổi nói chuyện với các bạn trẻ… các bạn ấy sẽ là nhân tố không phải là bùng phát mà vẫn duy trì hàng năm ở nhiều nơi. Tôi gặp những con người có ý thức môi trường ở khắp mọi nơi trong cả nước.
Các nhóm như La Bàn ở TP HCM kêu gọi các bạn chung tay dọn rác tại TP HCM, hay tới tận đảo Lý Sơn, hay tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Tới thứ 7 này, tôi cùng một nhóm sẽ về vùng biển Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định để dọn dẹp rác tại đây.
- Kế hoạch sắp tới của anh sau khi chụp xong ảnh về rác thải nhựa tại các bờ biển như thế nào thưa anh?
+ Tôi sẽ mở triển lãm vào tháng 6 và ra sách ảnh. Tôi cũng rất muốn triển lãm ảnh tại các trường học tại 28 tỉnh, thành ven biển để học sinh đối diện với thực tế, các em có thể có sự thay đổi hành vi và tác động tới những người lớn trong gia đình mình.
Mọi việc đều bắt nguồn từ việc rất nhỏ từ mỗi người thôi, mỗi việc làm nhỏ bé ấy như là hạt nước trong đại dương nhưng đại dương có thể sẽ cạn khô nếu không có các hạt nước ấy.
Đó cũng là điều tôi động viên cho chính mình và mọi người: hãy bắt nguồn từ việc nhỏ.
Năm 2019, tôi tiếp tục đi tới các hòn đảo chụp về rác thải nhựa. Tôi cũng sẽ ở với người dân các làng chài để hiểu về cuộc sống của họ, kể nhiều câu chuyện bằng ảnh từ góc nhìn của họ…
Ngoài ra, tôi sẽ cố gắng duy trì photo tour – tour du lịch chụp ảnh cho trẻ em về với thiên nhiên, khi đó khoảng cách giữa con người với thiên nhiên sẽ ngắn lại để góp phần hình thành tư duy các em trách nhiệm với thiên nhiên…
- Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trao đổi!
Thái Linh (Thực hiện); Ảnh: Lêkima Hùng