Nhờ chồng bế con để đi hút sữa, lát sau quay vào mẹ trẻ nhìn mặt em bé mà "khóc dở mếu dở"

(Tổ Quốc) - Nhìn thấy cảnh này, chắc hẳn nhiều bà mẹ không giữ nổi bình tĩnh.

Có lẽ, câu chuyện nhờ chồng trông con đã trở thành một series chuyện hài được mọi người yêu thích. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi ông bố lại có một kiểu trông con "bá đạo" khác nhau nhưng tựu chung lại đều khiến cho chị em gặp phải những phen "khóc dở mếu dở".

Và tiếp theo đây sẽ là câu chuyện "thứ n", câu chuyện của gia đình chị Diệp Hưng Yên (hiện đang sống ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). 

Đăng ảnh cô con gái của mình với gương mặt tèm lem đầy phấn rôm đang nằm ngoan ngoãn trong vòng tay của bố, trông vừa thương lại vừa buồn cười, chị Yên viết: "Dở khóc dở cười. Trời nóng sợ con nổi rôm nhờ chồng bôi tí phấn cho con để mẹ đi hút sữa, quay qua quay lại...". Bà mẹ trẻ có lẽ đã "cạn lời", không biết nói gì nên đành bỏ ngỏ câu chuyện của mình sau dấu 3 chấm. 

Bố của Măng Tây bôi phấn rôm cho con hơi qua tay khiến gương mặt em bé trông hài hước thế này đây. 

Kể ngọn ngành câu chuyện của mình, chị Yên cho hay con gái của chị có tên ở nhà là Măng Tây, mới được tròn 1 tháng tuổi. Vì thời tiết mùa này nóng nên mặt bé xuất hiện rôm sảy. Hôm đó, chị Yên nhờ ông xã bế con để đi hút sữa. Tiện thể, chị bảo anh bôi cho con chút phấn rôm vì sợ mồ hôi ra bé sẽ bị nổi rôm sảy thêm. 

"Khi đang hút sữa thì mình cứ thấy chồng ngồi ôm con cười tủm tỉm. Nhưng vì anh ấy ngồi quay lưng lại với mình nên cũng không biết anh ấy cười gì. Một lát, mình tắt máy và đi ra chỗ con xem thì thấy em bé mặt đầy phấn như trong hình vậy đó. Bảo bôi tí thôi mà làm như đắp mặt nạ cho con, nhìn mà không biết khóc hay cười nữa" - chị Yên nhớ lại. 

Hỏi chồng lý do vì sao lại bôi phấn rôm cho con như vậy, chị Yên nhận lại được câu trả lời: "Bôi vậy cho nhanh khỏi rôm nha mẹ". Sau đó, chị Yên lập tức lấy khăn lau phấn rôm đi cho con vì sợ con hít phải sẽ không tốt. 

Nhờ chồng bế con để đi hút sữa, lát sau quay vào mẹ trẻ nhìn mặt em bé mà không biết nên cười hay mếu - Ảnh 3.

Chị Yên hạnh phúc vì có một người chồng yêu thương vợ con, sẵn sàng nhận trách nhiệm chăm con từ A-Z để vợ có được giấc ngủ đêm trọn vẹn trong thời gian ở cữ.

Bà mẹ trẻ tâm sự thêm, nhìn cảnh hài hước như vậy, chị cũng chẳng nỡ giận chồng mà chỉ thấy buồn cười. Vợ chồng còn trẻ, lần đầu làm bố làm mẹ nên toàn chuyện cười ra nước mắt như thế. Có lần, bố bé Măng Tây trông con vào ban đêm, tối lọ mọ không tìm thấy bao tay để đeo cho con. Đến sáng ngủ dậy, chị Yên cười xỉu khi thấy con được bố đeo cho 2 chiếc tất chân vào tay. 

Tuy còn vụng về nhưng ông xã của chị Yên được cái thương vợ, không ngại chia sẻ việc chăm con. Anh chăm sóc em bé từ A-Z, từ lúc còn ở bệnh viện tới khi về nhà. Nhờ có chồng mà chị Yên mới có được giấc ngủ đêm trọn vẹn dù đang trong cảnh con thơ. 

"Anh giỏi chăm con hơn mình, thay bỉm, cho con ăn, tắm rửa, thay quần áo... anh đều làm được hết. Vì vậy mà em bé cũng quấn bố hơn mẹ. Mẹ chỉ là "bò sữa" cho em thôi" - chị Yên hài hước nói. 

Bên cạnh câu chuyện hài hước của chị Yên thì dưới phần bình luận, các mẹ bỉm thông thái cũng khuyên chị Yên không nên dùng phấn rôm để trị rôm sảy cho con. Việc này càng làm các lỗ chân lông bị bít lại, gây nhiễm khuẩn và làm tổn thương đến da, và hơn nữa là không nên bôi phấn rôm lên mặt trẻ.

Để phòng rôm sảy cho con, bố mẹ nên cho trẻ ở trong nhà mát, có quạt hoặc máy điều hòa, tránh nơi nóng bức. Quần áo, tã lót của trẻ cần dùng loại vải sợi cotton mỏng, thấm mồ hôi tốt, rộng rãi, thoáng, không nên dùng các loại sợi nilon tổng hợp, khó hút ẩm.

Mẹ hãy tắm rửa cho bé mỗi ngày để giúp cơ thể thoáng mát, làn da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Có thể dùng kem dưỡng cho trẻ trong mùa nóng để phòng ngừa rôm sảy và hạn chế bị khô da ở trẻ do ở trong phòng điều hòa quá lâu.

Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, sảy tự lặn hết, không gây tác hại gì. Dẫu vậy, cũng có rất nhiều trường hợp mụn sảy làm trẻ ngứa, gãi nhiều khiến da sây sát, bị nhiễm khuẩn tạo mụn mủ và nhọt. Khi trẻ bị rôm sảy kéo dài hay có các dấu hiệu bội nhiễm, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý bôi thuốc lên da trẻ.

Diệu Hà

Tin mới