• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những câu chuyện ngoại giao sẽ "chiếm sóng" chính trường quốc tế trong năm 2021

Thế giới 01/01/2021 08:26

(Tổ Quốc) - Cùng dự đoán những vấn đề "nóng" toàn cầu trong năm 2021.

Sau một năm 2020 tràn ngập những bất ngờ, giới quan sát dự đoán năm 2021 rất nhiều khả năng kịch tính sẽ còn tiếp diễn. Một năm trước, hầu như không ai nghĩ tới một đại dịch toàn cầu. Có thể một năm sau, mọi người sẽ bàn luận về các vấn đề phát sinh trong những nền kinh tế thị trường mới nổi hoặc một cuộc khủng bố lớn vượt xa quy mô sự kiện 11/9. Nhưng cũng có thể thế giới sẽ không xảy ra điều gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể các diễn biến trên chính trường thế giới là những điều mà chúng ta có thể đoán trước được hay còn gọi là "những thực tế đã được biết trước".

Sau đây là 4 câu chuyện gần như chắc chắn sẽ được nhắc tới rất nhiều trong năm tới. Bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể trở thành tâm điểm của năm hoặc sẽ dần biến mất. Chúng ta có kết luận sau 12 tháng nữa.

COVID-19 tiếp diễn

Những câu chuyện ngoại giao sẽ "chiếm sóng" chính trường quốc tế trong năm 2021 - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi toàn bộ thế giới (ảnh: AP/getty)

Đại dịch corona virus đã làm thay đổi cả thế giới trong năm 2020. Vào thời điểm năm cũ gần kết thúc, số người chết vì COVID-19 đã vượt mức 1,7 triệu người. Bất kỳ sự hồi phục kinh tế nào cũng sẽ "diễn ra rất chậm chạp, không chắc chắn và nhỏ giọt" trong khi dấu hiệu về một cuộc sống bình thường trước đại dịch vẫn còn chưa xuất hiện. 

Tin tốt là hai loại vaccine hiệu quả cao đã được thông qua sử dụng và sẽ có thêm trong tương lai. Tuy nhiên, việc phân phối vaccine hiệu quả, rộng rãi và công bằng đòi hỏi nhiều tháng nữa, đồng thời là một thách thức cho công tác hậu cần. Những sai lầm là điều khó tránh khỏi. Không loại trừ khả năng xuất hiện chia rẽ giữa các nước "đã tiêm" vaccine và những nước "chưa tiêm". Nhiều hy vọng đặt vào liên minh chế tạo, sản xuất và vận chuyển vaccine – COVAX. Ấn Độ và Nam Phi đang nỗ lực thúc đẩy gỡ bỏ các bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan tới COVID-19. Giới chuyên gia e ngại, các động thái như vậy sẽ ảnh hưởng tới động cơ nghiên cứu – phát triển vaccine và biện pháp điều trị.

Trong khi đó, câu hỏi về thời gian miễn dịch với virus sau khi nhiễm hoặc đã tiêm vaccine… - vẫn chưa bao giờ hết "nóng". Kết quả là, các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm và theo dấu ca nhiễm sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến ngăn cản COVID-19 lây lan trong năm 2021.

Khởi đầu của chính quyền Biden

Những câu chuyện ngoại giao sẽ "chiếm sóng" chính trường quốc tế trong năm 2021 - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đối mặt nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ tới (ảnh: getty)

Sau một cuộc bầu cử nhiều sóng gió, cuối cùng ông Joe Biden cũng chính thức được lựa chọn trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Ứng viên Đảng Đân chủ thừa hưởng một nền tảng chính sách đối ngoại "quá tải" và một dư luận đòi hỏi ông phải chỉnh sửa một loạt những thách thức đối nội phát sinh trong đại dịch COVID-19.

Ông Biden được kỳ vọng sẽ nhanh chóng hành động để đảo ngược các yếu tố trong chính sách "Nước Mỹ là trên hết" dưới thời Donald Trump, thông qua các ưu tiên như tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris hay Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ tiếp theo mong muốn trì hoãn một số vấn đề bao gồm cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và chính sách thương mại trong thời gian ông thiết lập chính quyền của mình, đồng thời xem xét lại các lựa chọn và cải thiện thêm chương trình nghị sự trong nước.

Mặc dù vậy, không có gì đảm bảo dự kiến trên sẽ thành hiện thực. Ông Biden có thể sẽ phải đối mặt với các bài thử nghiệm sớm với chương trình hạt nhân Iran, tên lửa Triều Tiên hay cáo buộc Nga xâm nhập mạng lưới chính phủ và tập đoàn Mỹ… Ngay tại Washington D.C., mọi chuyện cũng không hề dễ dàng khi ông nhiều khả năng trở thành tổng thống đầu tiên sau George H.W. Bush và tổng thống Dân chủ đầu tiên kể từ Grover Cleveland - nhậm chức mà đảng của mình không nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội. Chưa hết, đương kim tổng thống Trump gần như sẽ không "nghỉ hưu" một cách lặng lẽ mà sẽ tìm cách tác động tới các nghị sỹ Cộng hòa đối lập.

Lựa chọn của Trung Quốc

Những câu chuyện ngoại giao sẽ "chiếm sóng" chính trường quốc tế trong năm 2021 - Ảnh 3.

Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với phương Tây? (ảnh: ABC)

Trung Quốc đang gia tăng thể hiện sức mạnh và vị thế của mình trên trường quốc tế. Chỉ riêng trong năm 2020, Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh chính sách ngoại giao "chiến binh sói" khi cố gắng trừng phạt kinh tế Australia, châm ngòi xung đột biên giới với Ấn Độ, áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong, gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan… Nhiều ý kiến lo ngại Trung Quốc muốn thống trị chính trường quốc tế và "ngó lơ" lợi ích của nước khác trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Bắc Kinh có thừa nhận những quan ngại trên và thể hiện một thái độ mang tính hợp tác hơn, đặc biệt trước một tân Tổng thống Mỹ nghiêng về xu thế kêu gọi các nước đồng lòng đối phó với Trung Quốc? Hay cường quốc châu Á sẽ chọn tăng cường đối đầu? Câu trả lời có phần nghiêng về vế sau. Trung Quốc đã xử lý dịch bệnh COVID-19 tốt hơn rất nhiều phần lớn các nước phương Tây, nhất là Mỹ. Nền kinh tế nước này đang trên đà hồi sinh và dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2021. Có thể nói, Trung Quốc dường như đang tiến đến thắng lợi trong cuộc chiến với phương Tây.

Tăng trưởng toàn cầu

Những câu chuyện ngoại giao sẽ "chiếm sóng" chính trường quốc tế trong năm 2021 - Ảnh 4.

Kinh tế thế giới chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh (ảnh: AP)

Năm 2020, nền kinh tế thế giới chịu tổn thương nặng nề dưới tác động của COVID-19 với sản lượng toàn cầu ước tính giảm 5,25% trong năm. Một lần nữa, Trung Quốc nhiều khả năng trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020 mặc dù tỷ lệ dự đoán 1,8% thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6% đề ra ban đầu.

Các nước nghèo chắc chắn phải đối mặt với nhiều thiệt hại nhất. Số lượng người rơi vào tình trạng đói nghèo trên toàn cầu có thể vượt mức 120 triệu người. Điều đó đồng nghĩa một thập kỷ nỗ lực xóa đói giảm nghèo vừa qua có khả năng sẽ "đổ xuống sông xuống biển".

Điểm sáng là vaccine COVID-19 có thể là động lực thúc đẩy cho kinh tế thế giới trong năm 2021. Tuy nhiên, cú thúc lớn đến đâu lại tùy thuộc vào mỗi quốc gia – những nước có nợ công thấp, quản lý kinh tế tốt và hạn chế được dịch bệnh lây lan gần như chắc chắn sẽ hồi phục tốt nhất. Trên lĩnh vực này, Trung Quốc có thể chiếm tới 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021. Ngược lại, đóng góp của châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm đáng kể.

Tổ chức Tiền tệ Thế giới đã hạ bớt dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sau năm 2022, đồng thời cảnh báo đói nghèo toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng trong nhiều năm nữa. Ngân hàng Thế giới bày tỏ những quan ngại tương tự khi lưu ý rằng, các nền kinh tế mới nổi dựa vào thương mại, du lịch và kiều hối nhiều khả năng bị tổn hại nặng nề nhất. Một câu hỏi ngỏ đặt ra là, liệu các vấn đề kinh tế có làm phát sinh thêm xung đột chính trị trong nội bộ hoặc giữa các quốc gia hay không?

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ