Theo hãng CNN, 2022 là năm nổi bật với lĩnh vực kiến trúc thế giới, từ tòa nhà chọc trời tái chế đầu tiên trên thế giới đoạt giải Công trình thế giới của Năm cho đến kiến trúc sư Francis Kéré trở thành người châu Phi đầu tiên giành được Giải thưởng Pritzker danh giá.
Đây cũng là năm đã ra đời các tòa nhà kiến trúc mới đặc sắc được chờ đợi từ lâu như Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Đài Bắc hay Tháp Steinway của New York.
Do đại dịch Covid-19, có những dự án phải mất nhiều năm để hoàn thành. Tuy nhiến, năm 2023 hứa hẹn sẽ là năm của những cơ hội mới đáng chú ý cho dù là tòa tháp cao thứ hai thế giới hay những tòa nhà kiến trúc Hồi giáo ở Abu Dhabi.
Dưới đây là 10 dự án kiến trúc sẽ định hình thế giới vào năm 2023:
Thư viện Quốc gia Israel
Theo Knesset, thư viện Quốc gia Israel - ho lưu trữ sách, bản thảo và ảnh khổng lồ - đang chuyển đến một tòa nhà hoàn toàn mới bên cạnh tòa nhà Quốc hội của đất nước.
Phần trên đặc biệt của tòa nhà giống như một khối đá chạm khắc khổng lồ, với đá vôi địa phương trộn vào xi măng được ví là điểm nhấn cho bảng màu lịch sử của Jerusalem. Bên trong, các cơ sở vật chất bao gồm khán phòng, trung tâm thanh thiếu niên và nhiều không gian triển lãm khác nhau được bố trí xung quanh phòng đọc rộng lớn.
Thiết kế của công ty kiến trúc Thụy Sĩ Herzog & de Meuron phản ánh các giá trị cởi mở, từ giếng trời hình tròn cao vút đến các hộp trưng bày trên mặt đất giúp người qua đường có thể nhìn thấy các danh mục từ bộ sưu tập của thư viện.
Nordo, Copenhagen, Đan Mạch
Copenhagen đã được UNESCO công nhận là Thủ đô Kiến trúc Thế giới vào năm 2023 và là thủ đô của Đan Mạch mang đậm bản sắc thiết kế bền vững. Nổi bật trong số đó phải kể đến quá trình tái phát triển của Nordhavn (hay Cảng phía Bắc) từ một khu công nghiệp trở thành quận "thông minh" thân thiện với người đi bộ, thiết kế đáp ứng nguồn cung cấp năng lượng xanh và cả khu vực "đường lớn dành cho người đi xe đạp" đến trung tâm thành phố.
Những năm gần đây, các hầm chứa ngũ cốc và xi măng bị bỏ hoang đã được chuyển đổi thành văn phòng và khu chung cư trong khi khuôn viên rộng lớn của Liên Hợp Quốc là UN City đã mở cửa tại đây vào năm 2013.
Trung tâm Văn hóa Lola Mora, San Salvador de Jujuy, Argentina
Cố kiến trúc sư người Argentina César Pelli nổi tiếng với các tác phẩm kiến trúc đồ xộ bao gồm những tòa nhà chọc trời mang tính bước ngoặt như Tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur hay Trung tâm Tài chính Thế giới của New York.
Và một dự án mới của công ty ông ở Nam Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai trong năm nay. Ẩn mình trong một khu rừng nhìn ra thành phố San Salvador de Jujuy, phía tây bắc Argentina, Trung tâm Văn hóa Lola Mora dành riêng cho nhà điêu khắc cùng tên, một trong những nữ nghệ sĩ tiên phong đầu thế kỷ 20.
Tòa nhà được lấy cảm hứng từ chiếc đục của nhà điêu khắc và được giới kiến trúc thế giới đánh giá rằng: với sự trợ giúp của tua-bin gió tại chỗ và sản xuất năng lượng mặt trời, công trình này dự kiến sẽ tạo ra nhiều hơn 20% năng lượng sạch so với mức tiêu thụ.
Ngôi nhà gia đình Abraham ở Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất)
Gần 80% dân số của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là người Hồi giáo, nhưng tại khu phức hợp mới của Abu Dhabi, ba tôn giáo Abraham (Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo) có tầm vóc ngang nhau.
Ba hình khối kiến trúc bao gồm một nhà thờ Hồi giáo, một giáo đường Do Thái và một nhà thờ trong một khu phức hợp duy nhất và là sự kết hợp kiến trúc hài hòa về mặt thẩm mỹ.
Kiến trúc sư người Anh gốc Ghana David Adjaye cho biết công ty đã tìm hiểu những điểm chung của các tín ngưỡng trong các thiết kế và khu phức hợp này hướng đến khuyến khích đối thoại và trao đổi văn hóa.
Tòa Merdeka 118 ở Kuala Lumpur, Malaysia
Merdeka 118 hiện là tòa nhà cao thứ hai thế giới sau tòa nhà Burj Khalifa của Dubai. Đây là một trong bốn tòa nhà chọc trời "siêu cao", một thuật ngữ dùng để mô tả các tòa tháp cao hơn 600m trên thế giới.
Công ty kiến trúc Australia Fender Katsalidis cho biết các khối kính hình tam giác trên mặt tiền của tòa nhà được lấy cảm hứng từ các hình mẫu trong nghệ thuật và hàng thủ công của Malaysia.
Dự kiến hoàn thành vào nửa cuối năm 2023, tòa nhà bao gồm cả trung tâm mua sắm rộng lớn ở chân tòa nhà hứa hẹn sẽ mang đến không gian bán lẻ lớn, đáp ứng nhu cầu nhà hát 1.000 chỗ ngồi, văn phòng, khách sạn và đài quan sát cao nhất Đông Nam Á.
Destination Crenshaw, Los Angeles, Mỹ
Sáng kiến bảo tàng nghệ thuật lớn mang tên Destination Crenshaw hy vọng sẽ thực hiện đúng như tên gọi của nó: biến quận Crenshaw thành một điểm đến theo đúng nghĩa của nó mà không chỉ là một con đường lớn.
Hành lang văn hóa dài sẽ có lối đi dành cho người đi bộ, 10 công viên công cộng mới, nội thất đường phố và hơn 100 tác phẩm nghệ thuật làm nổi bật nghệ thuật và văn hóa của người dân Da đen. Trong số các bức tranh tường, tượng và các tác phẩm sắp đặt cố định sẽ có tác phẩm mô phỏng lại bức tượng liên minh của nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi Kehinde Wiley.
Tác phẩm kiến trúc này sẽ khó để hoàn thành vào năm 2023 nhưng một số khu vực chính — bao gồm khu vực cảnh quan lớn nhất, Công viên Sankofa và bốn công viên — dự kiến sẽ mở cửa vào mùa thu.
Sân bay quốc tế Kempegowda, Bangalore, Ấn Độ
Thành phố đông dân thứ ba của Ấn Độ - Bengaluru chuẩn bị chào đón việc mở rộng sân bay đã quá hạn từ lâu trong năm tới.
Dự án sẽ tăng công suất khách hàng năm của sân bay lên khoảng 25 triệu và tăng lên 40 triệu sau khi hoàn thành giai đoạn thứ hai. Sân bay xanh tươi như Changi của Singapore đã làm tăng kỳ vọng về nỗ lực chuyển đổi xanh hiện nay của thế giới.
Đại bảo tàng Ai Cập (Bảo tàng Giza)
Với chi phí hơn 1 tỷ đô la và chứa một số đồ vật quý giá nhất trong lịch sử nhân loại, Bảo tàng Giza được chờ đợi từ lâu sau một cuộc thi thiết kế được công bố vào năm 2002. Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết năm 2023 sẽ là năm bảo tàng mở cửa với nhiều hứa hẹn thu hút du khách đến thăm.
Hồng Nhung (Ảnh: CNN)