Trong năm 2022, các lĩnh vực công tác của ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã được Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo "từ sớm, từ xa", trên tinh thần không né tránh, luôn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, các nhiệm vụ phát triển ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật.
Kể từ sau thành công của Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nhận thấy, tại các Hội nghị của Chính phủ, Quốc hội hay tại các buổi làm việc các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi nhắc đến văn hoá, các vị lãnh đạo chủ chốt đều quán triệt nội dung "đặt văn hoá ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội".
Đây không chỉ là khẩu hiệu mà đã cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã chuyển biến tích cực và dần được hiện thực hoá rõ rệt.
Thực tế thời gian qua, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Một thực tế sống động để thấy sức mạnh của giá trị văn hóa đó là khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, nhưng nhờ phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đó là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là sự đoàn kết một lòng, là tinh thần yêu nước tương thân, tương ái, "mình vì mọi người", "lá lành đùm lá rách", chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Cả đất nước đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước vươn lên và có được thành quả như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Trong năm 2022, thực hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL lựa chọn chủ đề công tác"Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" với tinh thần quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, để cùng với các ngành, các cấp từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng được tổ chức gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Bằng văn hóa và từ văn hóa, các sự kiện tác động trở lại để xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, thôn, bản, khu phố, trong công nhân, trong doanh nghiệp, trong doanh nhân.
Cũng trong năm 2022, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nguồn lực đầu tư cho văn hóa của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực. Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh/thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đồng thời, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng, khu vực, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa tại địa phương.
Những thông tin, số liệu nêu trên là minh chứng rõ rệt cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng nên trong chính các cấp ủy Đảng và lan tỏa trong xã hội. Có sự chuyển biến về tư duy, quan điểm đối với lĩnh vực văn hóa từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.
Sau thời gian dài đóng băng do đại dịch Covid-19, có thể khẳng định du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển thần kỳ, trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội nước ta sau đại dịch.
Một trong những dấu mốc quan trọng và đáng nhớ nhất đối với du lịch Việt Nam thời gian qua chính là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch - ngày 15/3/2022. Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn đang đóng cửa vì đại dịch Covid-19, đây được xem là chìa khoá mở cánh cửa đưa du lịch Việt Nam trở lại sau 2 năm đóng băng.
Kể từ thời điểm du lịch mở cửa, cùng với với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong nước, những hạn chế về đi lại, lưu trú liên quan đến dịch bệnh được dỡ bỏ… các doanh nghiệp du lịch gần như "sống dậy", mùa du lịch bắt đầu bùng nổ khách nội địa, các sân bay đông nghẹt, khách sạn, khu nghỉ dưỡng kín phòng, hầu hết các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại chưa từng có dịch bệnh diễn ra.
Những số liệu về tất cả các chỉ số của ngành du lịch đã chứng minh sự hồi phục rất thần kỳ của ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 86,8 triệu lượt khách (vượt xa chỉ tiêu đặt ra trong cả năm 2022). Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 394,2 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Việt Nam nhận được đánh giá rất cao từ cộng đồng quốc tế về phục hồi và phát triển du lịch. Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa hoàn toàn du lịch rất sớm trên thế giới. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng từng nhiều lần khẳng định, du lịch Việt Nam có được những kết quả ấn tượng đó là nhờ những chính sách ứng phó linh hoạt của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần cầu thị và quyết tâm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của những người làm du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ rõ, chúng ta không đếm số đầu người để lấy thành tích mà phải đi vào thực chất sự chuyển biến của ngành du lịch và đóng góp cụ thể của du lịch vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Việc tạo ra sản phẩm du lịch mới, kết nối du lịch như thế nào, đâu là vùng trọng điểm, đâu là đầu tàu… luôn là trăn trở của người đứng đầu Bộ VHTTDL. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ VHTTDL kết hợp cùng các địa phương tăng tốc với nhiều điểm nhấn như tổ chức Tuần văn hóa du lịch, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc, tổ chức Tuần lễ văn hóa du lịch của Tây Nguyên kết nối với TP.HCM, Tuần lễ văn hóa du lịch đồng bằng sông Cửu Long với Lễ hội Đờn ca tài tử, Lễ hội Làng sen quê Bác....và nhiều hoạt động thiết thực khác.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTLD cũng kịp thời nắm bắt chính sách mở cửa du lịch của các quốc gia, để có giải pháp kết nối, đón thời cơ. Ví dụ như đẩy mạnh xúc tiến và truyền thông ở những thị trường khách quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bằng những quyết tâm và hành động rất cụ thể, du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, thực sự trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của đất nước.
Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2022 đó là chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 – SEA Games 31.
SEA Games 31 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của khu vực, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn. Sau khi SEA Games 31 kết thúc, qua tổng hợp đánh giá của giới chuyên môn cũng như dư luận trong và ngoài nước, có thể khẳng định ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á đã thành công trên nhiều phương diện, cả về công tác tổ chức điều hành, chất lượng chuyên môn và hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước.
Đặc biệt, xét trên khía cạnh quảng bá hình ảnh đất nước, SEA Games 31 là kỳ Đại hội thể thao quốc tế thành công nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam. Chúng ta đã tranh thủ cơ hội đăng cai Đại hội để tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có truyền thống lịch sử hào hùng, đang trên đường phát triển thịnh vượng.
SEA Games 31 tạo được nhiều dấu ấn về mặt truyền thông, được dư luận quốc tế ghi nhận. Những hình ảnh về cổ động viên Việt Nam thân thiện, cán bộ và tình nguyện viên của Ban Tổ chức chủ nhà nhiệt tình, trách nhiệm đã được lan tỏa rộng rãi, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng Đông Nam Á. Thông điệp của Đại hội "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" được bạn bè quốc tế đánh giá cao, cho rằng là thông điệp phù hợp trong giai đoạn hiện nay hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng.
Việc chúng ta chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công SEA Games 31 trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã khiến bạn bè trong khu vực hoan nghênh, nể phục. Tổ chức thành công SEA Games 31 là minh chứng thiết thực nhất cho việc Việt Nam đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, kinh tế phục hồi và sẵn sàng cất cánh.
SEA Games 31 được tổ chức đúng vào lúc chúng ta mở cửa du lịch trở lại, đóng vai trò hết sức quan trọng, là một "cú hích" để làm bùng nổ du lịch.
Thành công của SEA Games 31 một lần nữa khẳng định niềm tin vào năng lực, trình độ tổ chức sự kiện và bản lĩnh của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta trong khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để hoàn thành những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Bên cạnh đó, SEA Games 31 cũng cho thấy quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân có ý nghĩa quyết định để tạo nên thành công. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chính là nguồn sức mạnh tổng hợp; sự tham gia, cổ vũ nhiệt thành của đông đảo quần chúng nhân dân, người hâm mộ thể thao cả nước.
Tuy vậy, chúng ta chưa thoả mãn với những kết quả đạt được. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần nhắc lại thông điệp "không ngủ quên trên chiến thắng" khi nhiệm vụ phía trước đối với ngành văn hoá, thể thao và du lịch vẫn còn rất nhiều. Từ việc phát triển chiến lược thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, đến việc phục hồi du lịch, và sâu thẳm là công cuộc chấn hưng văn hóa, đều đang cần những sức bật mới, nỗ lực mới, tầm nhìn mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần "phải luôn luôn nỗ lực vận động về phía trước, chinh phục những dấu mốc mới, không thể dàn hàng ngang, bằng lòng với thành tích đã đạt được"./.